Theo dấu tích 'hoa cái' vua Quang Trung: Đi trực thăng viếng mộ Quang Trung

16/09/2016 05:51 GMT+7

Từ những công bố của PGS-TS Đỗ Bang, ngày 25.3.1988, chúng tôi gồm Trần Viết Điền và Nguyễn Quang Minh đến thăm cụ Hồng Hoài Lê Văn Hoàng tại nhà riêng ở số 2, hẻm 95 Vạn Xuân, TP.Huế, nhằm tìm hiểu về lăng Ba Vành. Qua đó, đã hé lộ nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến 'hoa cái' vua Quang Trung.

Năm 2013, trên website của Khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Lang, có đăng bài viết của Phan Quán với tựa đề Những hướng tìm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung ở Huế. Qua bài viết này, tác giả cung cấp một thông tin đáng chú ý: “Nay, chúng tôi góp ý về một hướng mới để tìm lăng mộ hoàng đế Quang Trung theo gợi ý của tác giả Phan Duy Kha. Đây là một câu chuyện tình cờ mà chúng tôi được biết có liên quan đến ngôi mộ hoàng đế Quang Trung. Tôi có người bạn tên là T.Đ.S, trước năm 1975 là bạn học ở ĐH Huế, ông bị bắt đi lính và trở thành một đại úy phục vụ ở Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 - Huế. Mới đây, tôi gặp lại ông và được nghe ông kể một câu chuyện liên quan đến lăng mộ hoàng đế Quang Trung, rất phù hợp với lập luận của tác giả Phan Duy Kha”.
Bài viết nêu rõ, vào tháng 4.1973, trong một phi vụ công tác bằng trực thăng gồm 5 người:
đại tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 - Sư đoàn 1 bộ binh, tùy viên của ông đại tá, đại úy T.Đ.S, phi công và một thường dân. Khi đến gần Huế, trực thăng đáp xuống một ngọn đồi phía sau điện Hòn Chén (Thừa Thiên-Huế). Ông đại tá và người thường dân bước xuống đi vào cánh rừng sau điện này. Số người còn lại vẫn ngồi trên trực thăng. Trong thời gian chờ đợi, tùy viên của ông đại tá nói đã tìm ra mộ hoàng đế Quang Trung và hiện ông đại tá đang đi thăm mộ đó. Việc tìm ra mộ hoàng đế Quang Trung là nhờ các cuộc hành quân của ông đại tá vào vùng này, có tiếp xúc với dân cư ở đây. Tuy nhiên, ông đại tá vẫn muốn giữ bí mật vì một ý đồ nào đó. Khi hai người trở lại trực thăng đều không nói gì cả và trực thăng bay về Bộ Tư lệnh ở Giạ Lê. Sau năm 1975, ông đại tá mất tích và câu chuyện về lăng mộ hoàng đế Quang Trung cũng rơi vào quên lãng.
Câu chuyện đoàn sĩ quan chế độ cũ đáp trực thăng xuống vùng núi Ngọc Trản thuộc thôn Hải Cát (nay thuộc xã Hương Thọ, TX.Hương Trà) để viếng mộ Quang Trung cũng đã được cụ Hồng Hoài Lê Văn Hoàng (một người từng làm việc dưới quyền của cụ Phạm Quỳnh, trong Ngự tiền văn phòng của vua Bảo Đại) từng kể. Theo lời cụ Lê Văn Hoàng, năm 1973, có vị đại tá Trung đoàn trưởng thuộc Sư đoàn 1 bộ binh, mời cụ lên máy bay trực thăng đi thăm mộ Quang Trung; cụ chỉ kể lại trực thăng có đáp xuống vùng Thiên An và cụ cùng ông đại tá vào chiêm bái lăng Ba Vành.
Như vậy, người thường dân nói trên có thể là cụ Hồng Hoài Lê Văn Hoàng. Sau khi đi viếng lăng Ba Vành, có khả năng đoàn 5 người này tiếp tục đến điện Hòn Chén như bài viết của Phan Quán. Ông đại tá trên chiếc trực thăng, đi viếng lăng Ba Vành cùng cụ Hồng Hoài Lê Văn Hoàng là đại tá Võ Toàn, Tư lệnh Trung đoàn 1 bộ binh. Ông Toàn biết các thầy Lê Văn Hoàng, Phan Văn Dật có biết về mộ Quang Trung, còn ông ấy trong những khi hành quân ở vùng đồi núi quanh Huế đã thu thập thông tin về mộ Quang Trung, do dân chúng cung cấp, vì thế ông đã mời cụ Lê Văn Hoàng lên máy bay trực thăng để giúp tìm hiểu là vậy.
“Hoa cái” vua được rước lên núi Ngọc Trản ?
Khi cụ Hồng Hoài kể chuyện đoàn rước “hoa cái” từ Miếu Đôi, chúng tôi có hỏi rước đi đâu thì cụ im lặng, dường như cụ “phải giấu”. Giờ thông tin do Phan Quán cung cấp có thể biết được “người thường dân” (cụ Lê Văn Hoàng) không những đã đưa ông đại tá và tùy viên lên lăng Ba Vành mà còn lên vùng núi Ngọc Trản để chiêm bái mộ vua Quang Trung, khiến chúng tôi kết nối lại và đưa ra giả thiết có lẽ đây là nơi đã táng “hoa cái” vua Quang Trung sau khi được rước từ Miếu Đôi làng Thanh Thủy Chánh lên. Bởi nơi nguyên táng lăng mộ vua Quang Trung không thể ở đỉnh Ngọc Trản. Đỉnh Ngọc Trản ở bờ bắc sông Hương, chứ không phải “vu Hương Giang chi Nam” (ở nam sông Hương) như chính sử triều Nguyễn đã chép.
Hơn nữa, ở “đỉnh Ngọc Trản” từ xưa đã có điện Hòn Chén, thờ Ponagar (Diễn phi chúa ngọc) như Ô châu cận lục từng chép. Nếu từng có lăng Đan Dương của vua Quang Trung ở đỉnh Ngọc Trản thì vua Đồng Khánh không “tích cực” tôn tạo cơ sở tôn giáo này để “phụng thờ” nơi có mộ cũ của kẻ thù!
Như vậy, theo chúng tôi chỗ mà đoàn sĩ quan chế độ cũ đến viếng được nêu ở trên không phải là lăng mộ nguyên táng của vua Quang Trung mà có thể là nơi chôn “hoa cái” vua Quang Trung, sau khi được đoàn rước lễ Tiên Thiên Thánh giáo rước đi trong năm 1944 mà cụ Lê Văn Hoàng từng kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.