Theo dấu văn thơ - Kỳ 14: Đời cỏ bàng

04/12/2013 09:00 GMT+7

Nhà văn Sơn Nam kể: Có một cái nghề mà khi ngủ rất lạ lùng, để tránh muỗi bâu đốt, họ phải ngâm trong nước lạnh.

Giấc ngủ hành xác

 
Bà Định ngồi đươn đệm bàng - Ảnh: T.D

Nghề nào mà giấc ngủ đọa xác vậy? Đó là nghề hái cỏ bàng, với cảnh ngủ theo lối khắc khổ, gọi là “ngủ mùng gió” và “ngủ mùng nước”. Người nhổ cỏ bàng đi xuồng độc mộc để dễ xoay xở trong cỏ. “Ngủ mùng gió” là cứ đứng trên chiếc xuồng nhỏ, dùng sào chống thật nhanh để cho muỗi bay theo không kịp, rồi ngồi xuống, gối đầu vào lái xuồng, chợp mắt. Lát sau, muỗi bu lại, cứ đứng dậy và tiếp tục chống xuồng, chống tới, chống lui, như mũi tên xẹt qua, xẹt lại trên đồng cỏ bàng để ngủ. “Ngủ mùng nước” là nghiêng cho nước tràn vào ngập xuồng, chỉ thêm chút nước nữa là chìm. Rồi ngâm mình trong xuồng nước giá lạnh, đầu gối lên mũi hoặc lái xuồng ngủ... (Trích Văn minh miệt vườn - Sơn Nam).

Giáp ranh giữa vùng núi và biển của tỉnh An Giang và Kiên Giang, ngày xưa cỏ bàng mọc hoang vu thành rừng. Ở miền Thất Sơn (An Giang) xưa có nhiều xóm làm bàng nên đến đây sẽ nghe chày khua cùm cụp lẫn tiếng cười trong trẻo của các thôn nữ đang giã cỏ bàng. Nay nghề xưa chỉ còn lác đác ở xóm núi Nước thuộc thị trấn Ba Chúc, H.Tri Tôn.

Buổi chiều, xóm bàng lặng lẽ. Trước mái hiên nhà, những người phụ nữ cắm cúi tẩn mẩn đươn (đan) từng cọng. Bà Sáu Định (60 tuổi) đang thoăn thoắt đươn đệm bàng, nghe khách hỏi vội đưa hai bàn tay sần sùi, u nần vết sẹo, than: “Năm 14 tuổi, cô đã được dạy đươn cỏ bàng rồi dính vào nó cho đến nay luôn. Hồi trẻ cô cầm chày, vận lực giã cọng bàng riết mà bàn tay kệch cỡm, to bè như tay đàn ông”.

Nhiều phụ nữ đang đươn bàng, nghe vậy ồ lên, đưa bàn tay thô ráp cười rúm ró. Nặng nghiệp với bàng nhưng khi nói đến nghề ai cũng thở hắt ra. Chị Bảy Mai (48 tuổi) nói cỏ bàng bây giờ mắc quá, nên làm được một chiếc đệm bàng lời chỉ 40.000 đồng. Lá bàng mỏng nên lúc đươn rất chậm, có ngày đươn chưa xong một chiếc đệm.

Nghề xưa còn lại chút này

Bà Định chua chát: “Người ta nằm trên đệm ấm nhưng đâu ai tưởng tượng nổi cái nghề cực xác này. Ai mà thấy cảnh đi nhổ bàng hay cầm chày giã bàng là rơi nước mắt”. Hồi ức kéo bà trở lại chuyện xưa, hai mươi năm trôi qua, bà không đi nhổ bàng nhưng cái khổ của nghề đã ăn tận vào óc những người sống bằng nghề cỏ bàng như bà. Cỏ bàng cao ngất, mọc chìm trong nước nên chống xuồng đi sâu vào bên trong đồng cỏ tăm tối như lạc vào chốn thâm u. Mỗi khi có gió thổi luồn qua đồng cỏ lại vang lên âm thanh kỳ dị. Cỏ bàng rất kỳ lạ, nếu dùng dao cắt ngang lá thì gốc cỏ bị thối chết, còn cầm tay nhổ thì gốc lại ra lá tiếp. Nhưng lá bàng sắc bén nên dùng tay trần nhổ sẽ bị cứa chảy máu.

 
Chị Tím và cái chày giã cọng bàng

Ông Sáu Sang (62 tuổi), từng sống với nghề nhổ bàng, hồi tưởng lại: Đi nhổ bàng phải bơi xuồng xa hàng chục cây số, một chuyến đi 2, 3 ngày mới về nhà nên đêm xuống, ở trong cỏ bàng là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Ban ngày nóng bức không chợp mắt được, còn về đêm muỗi bay xèo xèo, không còn cách ngủ nào khác ngoài cách như đoạn văn Sơn Nam miêu tả. Ông Sang hắng giọng: “Nhổ xong về đến nhà có người sốt nặng do cảm mạo phong hàn, thâm đen vết muỗi độc. Hái lá bàng thường đi trong mùa gió bấc, do lá bàng khô hanh nên đươn đẹp hơn. Tuổi tráng niên còn dám thí sức với giá lạnh, mùa đông dám nằm trong nước ngủ, còn bước qua hàng tứ tuần mà nằm ngủ kiểu đó là thấy quan tài trước mắt”. Ông Sang ngậm ngùi, nhiều người hỏi sao lúc đi nhổ không đi ghe lớn để có chỗ ngủ, nhưng người hái bàng nghèo lắm, tiền đâu mua được ghe.

Nhổ được bàng lúc đi về có khi gặp sóng gió, xuồng nhỏ bị chìm, cỏ bàng trôi mất thì xem như công cốc. Bà Định nói vì vậy nên ai cũng mang theo vài cặp dừa khô để khi chìm xuồng thì đeo cặp dừa khô như phao.

Chị Tư Tím (42 tuổi) kể, nghề nhổ bàng đã khổ nhưng việc giã bàng cũng phá sức không kém. Chị Tím lôi cái chày giã bàng dài gần 2 m, nặng hơn 7 kg, bỏ lăn lóc trong góc nhà, kể: “Hồi xưa dùng chày này để giã cho cọng bàng mềm ra, đem phơi khô mới đươn được. Một ngày, đứng giã cả mấy giờ đồng hồ không ngơi tay nên giã xong cả người bủn rủn, xụi lơ”.

Đàn ông có sức lực nhưng đứng giã bàng một chút là chán nản, dễ cáu kỉnh nên công việc giã bàng giao cho phụ nữ, tuy sức yếu nhưng lại chịu đựng dẻo dai. Ngoài ra, khi đàn ông nhổ bàng thì bàn tay đã bị lá bàng cứa rách nên cầm cái chày cứng như đá giã một chút là vết thương tứa máu, đau xót không chịu nổi. Vì vậy nên khi giã bàng các chị em rủ nhau cùng giã chung trong cái sân rộng, nói cười để quên cực nhọc.

Bây giờ giỏ xách, bao cà ròn, đệm làm bằng bàng còn mấy người nhớ đến. Thời đại phát triển nên chiếu, nệm đã thay cho chiếc đệm bàng quê mùa. Chiếc đệm hồi xưa nhà nào cũng xài trên giường ngủ hay được nông dân dùng phơi lúa. Chị Tím nói giờ trong xóm toàn lứa tuổi bà già, bà cô nặng nợ nghề xưa; lớp trẻ chê nghề ngồi mòn mỏi quá nên đi làm công nhân xa nhà. Cánh trai tráng nghe kêu đi nhổ bàng thì lắc đầu, giờ xóm này khó kiếm được người chịu đi nhổ bàng lắm.

Nói chi xa xôi, cỏ bàng ngày càng ít, tấc đất tấc vàng nên bây giờ chủ đất đâu cho người khác tới nhổ bàng miễn phí như ngày xưa. Chị Tím ngậm ngùi nói nghề làm bàng mai này cũng tàn lụi như tuổi thanh xuân của các cô gái xóm bàng đã sớm già nua...

Thanh Dũng

>> Mùa cúc đá Đồng Văn - Thơ của Trần Vũ Long
>> Đá ở Đồng Văn - Thơ của Đỗ Trung Lai
>> Ngôi làng nghệ sĩ ở Đà Lạt
>> Hẩm hiu làng nghề dệt chiếu cói
>> Xem đình làng, nghe đình làng
>> Điện về, làng nghề khởi sắc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.