Những công trình để đời
Võ Đình Dung quê ở Thừa Thiên-Huế. Khi người Pháp chiêu mộ lao công từ miền Trung vào Đà Lạt xây dựng nhà cửa, công sở... ông đến Đà Lạt lập nghiệp. Ban đầu ông làm thợ xây cho những nhà thầu người Pháp. Một thời gian sau, khi tay nghề vững vàng, ông đứng ra nhận thầu khoán lại một phần công trình. Nhờ làm ăn uy tín, từ từ ông được giao thi công nhiều khu biệt thự Pháp ở Đà Lạt.
Năm 1932, khi người Pháp xây dựng nhà ga xe lửa Đà Lạt, do 2 kiến trúc sư (KTS) Moncet và Reveron thiết kế, Võ Đình Dung được người Pháp tin tưởng giao làm nhà thầu chính. Nhà ga này được đánh giá là cổ nhất, đẹp nhất VN và Đông Dương (năm 1984 công trình được xếp hạng di tích quốc gia). Năm 1933, khi vua Bảo Đại xây dựng Dinh 3 để làm nơi ở và làm việc mỗi khi đến Đà Lạt, Võ Đình Dung cũng được giao xây dựng. Dinh do một KTS người Pháp cùng KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế, mang đậm nét kiến trúc châu Âu. Năm 1939, khi người Pháp xây dựng Trường thiếu sinh quân hỗn hợp Âu - Á (École d’Enfants de Troupe de DaLat), nay là ĐH Đà Lạt, ông Dung cũng được giao làm nhà thầu chính.
Cụ Lê Phỉ (89 tuổi, sống tại Đà Lạt), nguyên Hiệu trưởng Trường Việt Anh, Đà Lạt, nhớ lại: “Ông Võ Đình Dung tự học tiếng Pháp, nói tiếng Pháp rất giỏi, việc xây dựng cũng rất uy tín nên người Pháp luôn tin tưởng giao xây các công trình lớn”. Cũng theo cụ Phỉ, khu biệt thự Pháp dọc đường Yagout (Đà Lạt) kiểu cách đa dạng, đẹp mắt do ông Dung xây dựng, lúc đó người Pháp quá mến mộ ông nên đặt tên con đường đó là Võ Đình Dung. Thời hưng thịnh, ông Dung có hơn 10 nhà thầu phụ cả Tây và Việt tham gia xây dựng nhiều khu biệt thự Tây và những dãy phố dành cho người Việt, người Hoa, Ấn Độ ở Đà Lạt.
Nhờ nghề thầu khoán, ông Dung giàu lên nhanh chóng. Ông mua đất cất nhiều dãy phố cho người Hoa thuê buôn bán quanh khu Hòa Bình, dọc đường Trương Công Định và 3/2 ngày nay. Khu đất từ bùng binh 3/2, chạy dọc hai bên đường Hải Thượng vòng qua Hai Bà Trưng đều của ông Dung.
Ân nhân của người nghèo
Cụ Lê Phỉ cho biết ai đói nghèo đến gặp ông Dung ông đều giúp đỡ gạo thóc, thực phẩm, quần áo. Những người dân tộc bản địa được ông dạy cho nghề phụ hồ và tạo công ăn việc làm, trả lương hậu hĩnh. Những năm 1950, ông Dung có khu đất hơn 6.500 m2 đầu đường Hải Thượng (Đà Lạt) cho Mỹ thuê làm gara công binh. Năm 1957, khi cụ Lê Phỉ và một số người khác mở Trường Việt Anh, ông Võ Đình Dung lấy lại khu đất trên và bán với giá tượng trưng 500 đồng để xây trường. Khi trường đi vào hoạt động, hằng năm ông Dung đều dành nhiều suất học bổng trao tặng học sinh nghèo học giỏi, đặc biệt miễn học phí cho học sinh dân tộc bản địa.
Cụ Võ Quang Khương (92 tuổi), người cùng quê ông Dung, hiện sống tại TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng), cho biết thêm: Khi ông Võ Đình Dung trở thành nhà thầu xây dựng số 1 Đà Lạt thì nhiều nhà thầu, cả Tây lẫn Việt, tìm cách hại ông do cạnh tranh không nổi trong việc đấu thầu những công trình xây dựng lớn ở Đà Lạt thời đó. Theo cụ Khương, có một lần, thông qua việc mua bán vật liệu xây dựng với ông Dung, những nhà thầu Pháp đã tráo một số tiền giả. Ông Dung có người em ruột là Võ Đình Thụy, hai anh em lấy hai chị em ruột, sống rất thân tình với nhau. Một đêm, ông Thụy được “báo mộng” về vụ tiền giả nói trên nên tức tốc đến báo tin cho anh mình. Ông Dung liền mở bao tải tiền do những nhà thầu Tây mới giao đêm hôm qua thì phát hiện trong đó có một số tiền giả và sai người đem đốt hết. Khi vừa đốt xong thì lực lượng bảo an kéo đến lục soát nhà ông Dung theo đơn tố giác, nhưng truy lục mãi vẫn không tìm thấy tiền giả nên đành tức tối bỏ về. Theo cụ Khương, nếu không kịp tiêu hủy số tiền giả đó ông Dung sẽ phải đi tù. Từ đó, vợ chồng ông Dung quyết định ăn chay và từ bỏ luôn nghề thầu khoán, cúng tiền và bỏ công sức xây chùa Linh Sơn. Trước đó vợ chồng ông cũng cúng tiền để cùng với bà con phật tử Đà Lạt xây dựng Tổ đình Linh Quang.
Sau sự việc trên không lâu, ông Dung cho tiền các con ông Thụy qua Pháp du học và đỗ đạt thành tài như các con ruột của ông. Cũng theo cụ Khương, ông Dung có cô con gái là Võ Đình Thị Túy du học ở Pháp và đậu tiến sĩ vật lý, là người yêu nước, có đóng góp cho phong trào cách mạng, từ đó bị người Pháp dè chừng và gán cho là “cộng sản”. Sau khi đất nước thống nhất, bà Túy có về thăm quê hương, được nhà nước long trọng đón tiếp và mời cộng tác trong việc nghiên cứu khoa học nhưng do tuổi cao sức yếu nên bà không thể đáp ứng đề nghị đó.
Bình luận (0)