Theo dấu xưa, chuyện cũ: Những người chép sử Đà Lạt bằng ảnh

14/12/2016 08:00 GMT+7

Đà Lạt được nhiều người biết đến thông qua những hình ảnh từ xưa cho đến nay. Để có được điều đó là nhờ các nghệ sĩ nhiếp ảnh say nghề đã ghi lại hình ảnh Đà Lạt dưới nhiều góc độ khác nhau.

Gần 70 năm chụp thắng cảnh Đà Lạt
Trong ngôi biệt thự trên đường Hoàng Hoa Thám, TP.Đà Lạt của nghệ sĩ (NS) nhiếp ảnh Đặng Văn Thông (84 tuổi, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng) còn lưu giữ những bức ảnh đen trắng thắng cảnh Đà Lạt hiếm hoi từ gần 70 năm trước.
Quê Nam Định, năm 8 tuổi ông theo gia đình vào Đà Lạt sinh sống. Ông ở nhờ nhà người chú là chủ hiệu ảnh Đà Lạt Photo để được giúp đỡ đi học. Khi 17 tuổi, Đặng Văn Thông bắt đầu cầm máy rong ruổi khắp nơi ghi lại cảnh núi đồi thơ mộng, thác nước hoang sơ của Đà Lạt.
Cùng thời với NS Trần Văn Châu có cố nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu. Ông thường chớp lấy những khoảnh khắc “vàng” biến đổi của thiên nhiên lúc bình minh, hoàng hôn, lúc sương giăng, mây trôi... Cảnh vật và con người Đà Lạt những năm 50, 60, 70 thế kỷ 20 được ông Mậu ghi lại một cách đa sắc màu, sinh động, như hình ảnh những chuyến xe ngựa chở khách ngược xuôi trên khu Hòa Bình; những phụ nữ gánh hàng rong nhưng vẫn thanh lịch với tà áo dài. Những bức ảnh tuyệt đẹp về thiên nhiên Đà Lạt một thời đã mang về cho ông một loạt giải thưởng cao quý trong và ngoài nước.

Khi nhắc đến bức ảnh hồ Mê Linh chụp năm 1948, là bức ảnh xưa nhất còn lưu giữ được, ông kể: “Từ năm 1948 đến 1952, tôi làm thợ ảnh chuyên chụp cho lính Pháp đóng quân gần hồ Mê Linh (khu vực quân sự) nên tôi mới có cơ hội “săn” được những bức ảnh độc đáo”. Chỉ vào bức ảnh chợ Đà Lạt năm 1952, ông Thông nói phụ nữ Đà Lạt lúc đó đi chợ đều mặc áo dài rất lịch sự dù ngồi trên xe ngựa, hoặc gánh hàng ra chợ. Nhìn bức ảnh thác Cam Ly (1951) hay Gougah (1955)..., đôi mắt ông Thông thoáng buồn: “Ngày xưa các thác nước rất hùng vĩ, bọt nước tung trắng xóa, nay Cam Ly bị ô nhiễm triền miên, còn Gougah bị thủy điện “giết chết” rồi, không bao giờ tìm lại được nét xưa nữa”.
NS Đặng Văn Thông tiết lộ, để có những bức ảnh đẹp về Đà Lạt ông đã “thọ giáo” các NS nhiếp ảnh nổi tiếng thời bấy giờ như Nguyễn Cao Đàm, Nguyễn Mạnh Đan…; được các đồng nghiệp đàn anh Trần Văn Châu, Nguyễn Bá Mậu… trao đổi, chia sẻ, giúp cho thêm cứng tay nghề. Nay tuổi đã ngoại bát tuần, nhưng khi trời đẹp hay mùa xuân về ông vẫn mang máy dạo quanh phố núi, tiếp tục ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ.
Người đầu tiên chụp ảnh đà lạt trên máy bay
Đó là ông Trần Văn Châu với nhiều bộ ảnh tư liệu quý cùng hàng trăm bức ảnh toàn cảnh Đà Lạt xưa. Theo NS Đặng Văn Thông, trong tập ảnh Đà Lạt xưa được xuất bản dịp kỷ niệm 100 năm Đà Lạt (1893 - 1993) chủ yếu hình chụp từ năm 1960 về trước, có tới hơn 70% ảnh là của ông Trần Văn Châu. Đặc biệt trong số đó có rất nhiều hình ảnh chụp từ trên máy bay, chẳng hạn bộ ảnh chụp Trường Lycée Yersin (nay là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt), xa xa là hồ Xuân Hương và Đồi Cù thơ mộng, với những đường cong uốn lượn đặc trưng của phố núi.
Ông Châu sinh năm 1923 tại Hà Nội, từ lúc 12 tuổi đã cầm máy ảnh chụp cho Hương Ký photo ở Hà Nội. Nhờ năng khiếu bẩm sinh và chịu khó tìm tòi học hỏi, nên từ thời còn là học sinh, ông đã kiếm được tiền nhờ chụp ảnh. 19 tuổi, ông vào Đà Lạt lập nghiệp, ban đầu trồng hoa, thiết kế sân vườn, những khi rảnh rỗi ông mang máy rảo quanh khắp núi đồi chụp hình Đà Lạt. Ông Châu cũng là người đầu tiên ở Đà Lạt làm bưu thiếp in thắng cảnh Đà Lạt để bán cho du khách. Chuyện này được ông kể lại lúc còn sống. Một lần, đang lom khom chụp ảnh hồ Xuân Hương, bất ngờ một ông Tây to cao tới quát: “Ê mày! Mai mốt nhớ tặng ảnh tao, nếu không thì vào tù đấy!”. Quay lại nhìn mới biết là Phó thị trưởng Đà Lạt, ông này rất mê ảnh Trần Văn Châu. Khi đã thân tình, ông Tây gợi ý cho ông Châu làm postcard (bưu ảnh) bán cho du khách. Ông làm thử gửi các quầy sách, cửa hiệu mỹ phẩm và đã thành công ngoài mong đợi.
Để có những khung ảnh lạ và độc đáo, ông phải leo lên các tháp chuông nhà thờ, nhà cao tầng và cả ngọn cây… để chụp toàn cảnh Đà Lạt. Ông mơ ngày nào đó được ngồi trên máy bay chụp xuống cho thỏa chí đam mê. Năm 1960, ông lân la làm quen, tặng postcard cho tốp phi công trực thăng (đậu ở Đồi Cù), sau đó kết thân và họ đồng ý cho ông mang máy ảnh lên máy bay. Một ngày trời đẹp, ông chuẩn bị 2 máy ảnh, 5 cuộn phim theo phi công lên máy bay chụp ảnh. Một cảm giác lâng lâng và thích thú xen lẫn lo sợ. Để ghi được những tấm hình ưng ý nhất ông phải ra hiệu cho phi công bay lượn nhiều vòng trên bầu trời Đà Lạt và liên tục thay đổi độ cao rồi đổi hướng bay từ đông sang tây, hoặc từ nam lên bắc… Chỉ trong chốc lát ông “nướng” sạch 5 cuộn phim. Những bộ ảnh Đà Lạt chụp từ máy bay được ông lần lượt trình làng, làm ngất ngây biết bao người và khiến giới nhiếp ảnh phải thèm thuồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.