Phủ thờ tộc họ Cao tại số 90, đường Đống Đa, là một trong những ngôi nhà có tuổi thọ hơn trăm năm còn sót lại ở TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu với lối kiến trúc hỗn hợp Hoa - Việt. Đây là nơi khai sinh một nhà cách mạng nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ thời chống Pháp.
Ngôi nhà xưa độc đáo
Mặt tiền phủ thờ giống như kiến trúc hội quán của người Hoa, nhưng bên trong bố trí theo kiểu nhà xưa Nam bộ của người Việt. Từ bộ giàn trò đến cửa võng, bao lam, hoành phi, liễn đối đều trang trí theo kiểu người Việt. Gian chính có ba bàn thờ. Các khánh thờ bằng gỗ quý được chạm trổ tinh xảo với hình lưỡng long tranh châu và các loại mai, tùng, trúc, cúc… cẩn ốc xà cừ.
Bà Cao Tuyết Lệ, 79 tuổi, cháu nội của chủ nhân ngôi nhà, cho biết phủ thờ đã xuống cấp từ năm 1980. Cách đây không lâu, kẻ trộm leo rào vô cưa lấy mất bộ tượng ông mặt trời, bà mặt trăng bằng gốm trang trí ở đầu cột mặt tiền nhà. Mấy năm nay, Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu đã lập hồ sơ xếp loại nhà cổ để khai thác du lịch và đề nghị sửa chữa, nhưng bà bảo: “Tôi chỉ có quyền giữ, không có quyền gì hết. Con cháu còn đông lắm, định cư ở Pháp, Mỹ phải hỏi ý chúng nó”.
Phủ thờ họ Cao là nơi thờ phượng tổ phụ của một nhân vật lịch sử, đó là nhân sĩ Cao Triều Phát. Bà Lệ nói: “Tôi chỉ biết chú Sáu (tức Cao Triều Phát) qua báo chí và hình ảnh chứ chưa được gặp lần nào. Con gái ông là bà Cao Bạch Liên ở TP.HCM thỉnh thoảng có về thăm, nhắc chuyện cũ”. Theo ghi chép của bà Cao Bạch Liên và Cao gia tộc phổ thì ông Cao Minh Thạnh (sinh năm 1860), là con trai lớn của ông Cao Cần Thiệt (người Triều Châu), đến vùng đất này khai hoang lập nghiệp vào khoảng năm 1845.
Thuở nhỏ ông Thạnh là người thông minh, chịu khó học hành. Năm 20 tuổi, ông làm chủ ấp rồi Hương chủ làng Vĩnh Lợi. Sau thăng lên huyện, phủ và đốc phủ sứ. Ông là vị quan cần mẫn, chăm lo đào kinh, đắp lộ, mở mang H.Vĩnh Châu. Nhờ vậy, việc làm ruộng và buôn bán ở vùng này ngày càng phát triển. Mặc dù là quan chức của chính quyền thuộc địa, nhưng ông Thạnh cũng bí mật tài trợ cho tổ chức Việt Nam Quang phục Hội của chí sĩ Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để. Ngôi phủ thờ này ông Thạnh đứng ra xây cất từ năm 1914, đến năm 1919 thì ông qua đời.
Mua áo lụa cụ Hồ
Ông Cao Minh Thạnh kết hôn với bà Tào Thị Xút, sinh 6 người con, người con thứ 5 là ông Cao Triều Phát, nhưng theo cách gọi trong nam là thứ 6. Sinh năm 1889, thuở nhỏ đi học, ông Phát có tên tự là Thuận Đạt. Tốt nghiệp Trường Chasseloup-Laubat, nhưng gia đình không cho sang Pháp học. Đến năm 1910 ông Phát lên Sài Gòn học luật rồi về làm thư ký kiêm thông dịch tại Ty Niết (cơ quan tư pháp) ở Bạc Liêu.
Thế chiến thứ nhất bùng nổ, ông Phát đăng ký sang Pháp làm thông ngôn trong một đơn vị lính thợ. Tại Pháp, ông có nhiều hoạt động và quan hệ mật thiết với chí sĩ Phan Châu Trinh, tiếp xúc các thủ lĩnh công đoàn, các chính khách cánh tả, tham gia các tổ chức như Viện Hàn lâm khoa học, Hội Hàn lâm lịch sử quốc tế, Hội Nhân quyền…
Cũng theo ghi chép của bà Cao Bạch Liên, năm 1922 ông Phát về nước. Lúc cha ông qua đời có để lại cho anh em ông mỗi người một thửa đất. Thời gian ở nước ngoài, không ai canh tác nên phần đất của ông còn bỏ hoang. Khi về quê, ông quy tụ người dân quanh vùng khai thác, đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ để họ yên tâm làm ăn lâu dài. Mấy năm sau, ông giao việc quản lý điền sản lại cho những người bạn tin cẩn và đi làm “quốc sự”.
Trong giai đoạn đầu đấu tranh chống Pháp công khai tại Sài Gòn, ông tham gia viết cho tờ La Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ) và các hoạt động mít tinh, diễn thuyết. Hoạt động nổi bật của ông trong thời gian này là đứng ra sáng lập Đông Dương Lao động Đảng vào năm 1926. Năm 1932, ông Cao Triều Phát về Sóc Trăng, nhập môn Cao Đài tại thánh thất Thái Dương Minh, H.Vĩnh Châu, thuộc Hội thánh Cao Đài Minh Chơn đạo. Do những hoạt động quy tụ thanh niên, kêu gọi tinh thần yêu nước, nên ông bị mật thám Pháp để ý. Ngày 10.7.1940, Thống đốc Nam kỳ ra nghị định đóng cửa toàn bộ các thánh thất của Minh Chơn đạo, đồng thời ra lệnh khám xét nhà riêng của Cao Triều Phát. Sau đó, ông bị chính quyền thực dân quản thúc trong tỉnh Bạc Liêu.
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 nổ ra, ông Phát tham gia kháng chiến, được bầu vào Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946. Thời gian này ông phát động phong trào “Sổ vàng Cao Đài cứu quốc gây quỹ kháng chiến”. Ông cùng với gia đình đóng góp 1.540 đồng. Bấy giờ, giá lúa một đồng một giạ. Tháng 7.1947, Cao Triều Phát tiếp tục vận động tín đồ đóng góp 100.000 đồng mua đấu giá chiếc áo lụa của Chủ tịch Hồ Chí Minh để gây quỹ giúp đỡ thương binh. Hay tin đó, cụ Hồ đã viết thư gửi cho ông. Trong thư có đoạn: “Dù xa cách, Chính phủ và tôi lúc nào cũng nghĩ đến công nghiệp của ông đối với Tổ quốc, đối với cuộc kháng chiến và rất mong có ngày được gặp ông…”.
Sau Hiệp định Genève 1954, ông Cao Triều Phát tập kết ra bắc rồi qua đời vào năm 1956. Sau khi ông mất, Bảo tàng Cách mạng VN đã xin gia đình chiếc áo lụa của cụ Hồ để làm hiện vật lịch sử. Riêng ngôi nhà của ông ở cạnh phủ thờ hiện đã giao cho nhà nước làm Cơ quan Chữ thập đỏ.
Bình luận (0)