Theo dõi và điều trị khi nhiễm khuẩn Salmonella ra sao?

An Dy
An Dy
23/11/2022 04:16 GMT+7

Nguyên nhân của vụ ngộ độc tập thể với hơn 600 học sinh tại Trường Ischool Nha Trang ( Khánh Hòa ), trong đó có 1 trường hợp tử vong, đã được xác định là do nhiễm khuẩn Salmonella. Vậy dấu hiệu nhận biết và theo dõi xử lý kịp thời khi cơ thể nhiễm khuẩn, nhiễm độc Salmonella là gì?

Salmonella được xem là một trong những vi khuẩn gây ngộ độc đường tiêu hóa phổ biến nhất ở VN. Biểu hiện của nhiễm khuẩn này là đau bụng, nôn mửa, đi lỏng, sốt, lơ mơ do mất nước và diễn tiến nặng nếu không được bù điện giải và hỗ trợ y tế kịp thời. Nặng hơn là nhiễm độc, nghĩa là vi khuẩn Salmonella đi vào hệ tiêu hóa, sau khi chết sẽ giải phóng ra độc tố. Thực phẩm nhiễm vi khuẩn chết càng nhiều càng có nhiều độc tố giải phóng tấn công vào cơ thể người nhiễm.

Một ca ngộ độc cấp dẫn đến tổn thương các cơ quan, được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đà Nẵng

AN QUÂN

Cần xác định chủng loại khuẩn đối với ngộ độc tập thể

Bác sĩ (BS) Võ Hữu Hội, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản Nhi Đà Nẵng, cho biết đối với việc cấp cứu bệnh nhân (BN) có triệu chứng nhiễm độc đường tiêu hóa, trước hết cần đánh giá các dấu hiệu nặng đe dọa tính mạng để nhanh chóng cấp cứu kịp thời, đặc biệt là các biểu hiện sốc do mất nước hoặc sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng. Biểu hiện dễ thấy nhất đối với nhóm ngộ độc đường tiêu hóa là đau bụng, nôn mửa, đi tiêu lỏng, có thể sốt cao. Đối với những trường hợp chưa có biểu hiện nặng, BN cần được theo dõi bù nước, bù điện giải kịp thời, tránh mất nước.

Nếu bối cảnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc có tính chất tập thể ở trường học, hay học sinh đồng loạt nôn mửa, đau bụng, đi tiêu và sốt cao thì cần phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế và thông báo những đối tượng liên quan để hỗ trợ y tế kịp thời.

“Nếu trẻ chỉ có triệu chứng nôn mửa, đi ngoài ít thì chỉ cần điều trị triệu chứng, đó là bù nước, bù điện giải và theo dõi. Còn nếu trẻ nôn nhiều, đi tiêu lỏng nhiều, sốt cao liên tục, tức là mức độ sốc nhiễm độc, nhiễm trùng nặng thì bắt buộc phải đi BV kịp thời để theo dõi, xử lý cấp cứu chống độc”, BS Hội cho biết.

Cũng theo BS Hội, ở bối cảnh nhiễm độc, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa mang tính tập thể, cần phải nhanh chóng phân lập nuôi cấy các mẫu bệnh phẩm (phân, máu…) để xác định tác nhân gây bệnh nhằm đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, phù hợp. Lưu ý cấp cứu ban đầu vẫn là đánh giá mức độ nặng, xử lý theo triệu chứng, không để BN mất nước, hạ đường huyết và dùng kháng sinh khi có chỉ định để tránh trở nặng nhanh dẫn đến nguy kịch.

Hồi sức tích cực chống độc cho các ca nhiễm độc cấp

Về nhiễm khuẩn và nhiễm độc đường tiêu hóa, BS Hà Sơn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc - BV Đà Nẵng, cho biết nhiễm độc tố do Salmonella với tính tập thể, đồng loạt ở số đông người, phần lớn nguyên nhân là từ thực phẩm, ở đây là thực phẩm bẩn, là nguyên liệu chế biến món ăn nhiễm khuẩn mà mắt thường không nhìn thấy.

Theo BS Hà Sơn Bình, đối với BN nhiễm khuẩn, cần bù nước kịp thời và chỉ định dùng kháng sinh, nhưng nếu đã nhiễm độc tố thì phải được điều trị hỗ trợ chức năng các cơ quan trong cơ thể, như hô hấp khó, tim co bóp kém, mất nước toàn bộ cơ thể, tổn thương gan, thận. Có như vậy mới cứu được những trường hợp bệnh nặng và nguy kịch khi bệnh diễn tiến nhanh, biểu hiện bằng việc giãn mạch máu, thoát hết nước trong lòng mạch, tổn thương thần kinh trung ương, hư tim…

“Nhiễm độc diễn tiến rất nhanh, độc tố vào cơ thể vài phút thì nạn nhân đã thấy mệt và chỉ vài giờ là tím tái suy hô hấp. Việc mất nước, nôn mửa, đi tiêu lỏng là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi tống độc ra bên ngoài. Nếu độc tố tấn công vào tim, não, thận, gan, phổi thì các cơ quan phải được điều trị chống độc kịp thời”, BS Bình giải thích.

Theo phân tích của BS Bình, đối với các vụ ngộ độc mà nạn nhân tử vong vài ngày sau đó, thường xác định là do nhiễm khuẩn, do việc phát hiện, hỗ trợ y tế chậm trễ, gây mất nước, mất điện giải. Còn khi nạn nhân trong các vụ ngộ độc tử vong nhanh trong vài giờ đồng hồ thường là do nhiễm độc tố của vi khuẩn, độc tố tấn công vào các cơ quan.

Theo kinh nghiệm của các bác sĩ chuyên ngành hồi sức tích cực, chống độc, với các vụ nhiễm khuẩn, nhiễm độc tập thể, thì việc nhận diện vụ việc để có thông báo, cảnh báo trên diện rộng và kịp thời đối với những đối tượng liên quan sẽ giúp cho việc cấp cứu được hiệu quả, tránh nguy hiểm đến tính mạng.

“Việc cấp cứu triệu chứng kịp thời, không để bệnh nhân mất nước quá nhiều, không để độc tố phát tán khắp cơ thể thì sẽ tránh được bệnh trở nặng gây tử vong. Để làm được điều này, đơn vị quản lý liên quan phải sẵn sàng chịu trách nhiệm, không được tránh né, bưng bít thông tin khiến việc theo dõi và xử lý y tế bị chậm trễ…”, một bác sĩ chuyên ngành hồi sức tích cực chống độc nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.