Theo phong thủy, bếp nhà bạn nên mở hay đóng

21/01/2018 10:02 GMT+7

Trong bộ Dương trạch tam yếu là Môn - Táo - Chủ, phần bếp (Táo) luôn gây nhiều tranh cãi trái chiều về phong thủy. Lựa chọn kiểu bếp đóng hay mở sẽ giúp thu hút nhiều vượng khí cho ngôi nhà?

Bếp mở hay đóng 1
Dạng bếp mở trong nhà phố nhỏ luôn cần có cửa thông gió ra bên ngoài và sử dụng thiết bị hút khói khử mùi hiệu quả
Trường phái "giấu bếp" cho rằng: “khai môn kiến táo tài phú đa hao (vào nhà gặp bếp sẽ hao tài). Ngược lại, không ít gia chủ thời nay lại muốn "khoe" bếp vì cho rằng đây là không gian ấn tượng, giúp kết nối các thành viên.
Tùy thuộc cách dẫn khí của ngôi nhà
Trước đây, người ta thường đặt bếp khuất nẻo để tránh ô nhiễm. Sang thời hiện đại, đất đai đô thị chật hẹp và công nghệ khử mùi tiên tiến hơn nên bếp và khu vệ sinh không còn phải giấu đi nữa. Khả năng dẫn khí tốt cho nhà theo nguyên tắc chuyển động của dòng không khí đổi chỗ dựa vào các khoảng trống.
Nên lưu ý cách mở cửa tạo đối lưu theo đường chéo, các cửa không thẳng hàng nhau vì sẽ gây gió lùa, cửa lấy gió vào tầm thấp, cửa hút gió ra ở trên cao, đưa khói mùi ra sân sau, giếng trời.
Gian bếp nặng mùi hay không còn nằm ở cách bố trí thiết bị. Càng nhiều bề mặt ngóc ngách càng lưu bụi và mùi, khó vệ sinh và tạo thêm nhiều bề mặt tích nhiệt và tỏa nhiệt. Vì thế, phong cách nội thất bếp hiện đại và tối thiểu (minimalism) cùng chất liệu thân thiện môi trường đang được ưa chuộng vì giúp bếp thoáng đãng hơn kiểu bếp cầu kỳ hoặc nhiều đồ đạc chắp nối thiếu đồng bộ. Cũng không thể chỉ dựa vào thông gió tự nhiên, mà cần trang bị hệ thống hút khử mùi đúng kỹ thuật, dây chuyền nấu nướng dọn rửa hợp lý, thậm chí chớ quên các chỗ phụ trợ như sàn nước, máy hủy rác... để bếp tiện nghi, sạch sẽ hơn.
Bếp mở hay đóng 2
Bếp mở kết hợp quầy bar trong căn hộ chung cư hợp với gia đình nấu nướng gọn nhẹ, ít nặng mùi Ảnh: Song Nguyên
Bếp đóng dễ thở, bếp mở tùy nhà
- Khi bếp không chung đụng với không gian khác, như đặt dưới trệt nhà phố hoặc biệt thự có đủ khoảng trống đón gió và thoát gió, làm bếp mở sẽ phù hợp. Dĩ nhiên, cần tuân thủ nguyên tắc dẫn khí nêu trên.
- Khi không gian bếp liền kề không gian khác (thậm chí chung với phòng khách hoặc phòng sinh hoạt, một số căn hộ chung cư đặt khu bếp khá gần với chỗ ngủ hoặc làm việc), nên tính đến giải pháp bếp đóng toàn phần hay bán phần.
Bếp đóng ở đây là khả năng ngăn cách (tạm thời hoặc cố định) giữa bếp với nơi sinh hoạt, vì cách nấu nướng của người Việt có đặc thù nhiều gia vị, đồ tươi sống, các loại mắm... mà bếp thông gió tốt đến đâu cũng không thoáng hết, gây ám mùi lên các thành phần khác trong nhà. Cách "đóng bếp" có thể bằng vách kính, cửa lùa hoặc là một căn phòng có cửa. Dĩ nhiên, chỗ đun nấu và chậu rửa vẫn nên mở thoáng được ra bên ngoài, chỉ ngăn cách với không gian bên trong căn hộ mà thôi.
Mở nhưng vẫn phải chú ý đến cách nhiệt để giữ vùng mát âm trong nơi thường xuyên có đun nấu. Bếp nóng, thuộc Dương Hỏa nên tạo các bề mặt cần giảm Dương thông qua việc dùng màu nhẹ và trung tính, vật liệu dễ lau chùi vệ sinh, tránh góc cạnh, ngóc ngách nhiều. Các chất liệu mềm như thảm, rèm, vải nội thất... cũng khiến không gian nhiệt đới nóng ẩm bị lưu giữ và tỏa mùi nhiều so với các nhà ở vùng ôn đới hay hàn đới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.