Thép HRC Việt Nam trước khó khăn kép

Mai Phương
Mai Phương
01/08/2024 06:23 GMT+7

Ngành sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) của VN đang đối diện khó khăn kép: tại thị trường nội địa là hàng Trung Quốc, Ấn Độ ồ ạt nhập khẩu, còn ra nước ngoài thì bị Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Nguy cơ bị EU điều tra

Ngày 30.7, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) thông báo Ủy ban châu Âu (EC) đã tiếp nhận hồ sơ hợp lệ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC, thép không hợp kim hoặc thép hợp kim khác nhập khẩu vào Liên minh Châu Âu (EU) có xuất xứ từ VN. Cục Phòng vệ thương mại cho hay nếu EC khởi xướng điều tra, các bên liên quan sẽ nhận được tài liệu gồm đơn yêu cầu, quyết định khởi xướng và bản câu hỏi điều tra. Phía EC yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về các nhà xuất khẩu thép trước ngày 5.8, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra theo dõi vụ việc và có phương án ứng phó phù hợp.

Thép HRC Việt Nam trước khó khăn kép- Ảnh 1.

Doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước lại lao đao trước nguy cơ EU điều tra chống bán phá giá

Ảnh: CTV

Trong thông báo từ EC cũng nêu rõ tên của hai doanh nghiệp sản xuất thép HRC tại VN là Tập đoàn Hòa Phát và Formosa. Thực tế, thép HRC là nguyên liệu thượng nguồn trong sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép và các sản phẩm thép khác... để sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, đầu tư sản xuất loại thép này không dễ. Hiện VN cũng chỉ có Hòa Phát và Formosa sản xuất loại thép này với tổng mức đầu tư lên đến hàng tỉ USD. Việc đối diện với nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá tại EU khiến ngành sản xuất thép HRC trong nước thêm khó khăn.

Bởi cùng lúc tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp nói trên đã phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu giá rẻ. Cụ thể, lượng thép cuộn cán nóng giá thấp nhập khẩu vào thị trường VN trong 6 tháng đầu năm nay đạt gần 6 triệu tấn, tăng gấp rưỡi cùng kỳ năm trước và vượt mức tăng trưởng toàn thị trường. Đáng chú ý, lượng thép cuộn HRC nhập khẩu đã gần gấp đôi sản xuất trong nước với 3,4 triệu tấn.

Theo Hiệp hội thép VN, sản lượng thép cuộn cán nóng sản xuất trong nước quý 2/2024 giảm 10% so với quý 1/2024 xuất phát từ những khó khăn trong việc tiêu thụ tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Cùng với đó, giá sản phẩm thép HRC tại thị trường VN tuy có tăng lên trong tháng 2 nhưng đã giảm liên tục từ tháng 3 đến hết tháng 6 vừa qua. Việc thép HRC giá rẻ ồ ạt tràn về VN, có thời điểm cao gần 200% so với sản xuất trong nước đã khiến các doanh nghiệp sản xuất không thể khai thác hết công suất. Năm 2023, sản lượng thép cán nóng của VN chỉ đạt 6,7 triệu tấn, tương đương 79% công suất thiết kế, giảm mạnh so với mức 86% của năm 2021.

Đồng thời, thị phần bán hàng nội địa sụt giảm mạnh từ 42% năm 2021 xuống còn 30% vào năm 2023 trong khi thị phần của hàng nhập khẩu tăng từ 32% lên gần 46%. Hiện năng lực sản xuất HRC của VN đã đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ (năng lực sản xuất đạt 8,5 triệu tấn trong khi ước tính nhu cầu thị trường khoảng 12 triệu tấn) nên việc sản phẩm nhập khẩu vượt sản xuất trong nước là điều lạ lùng. Hơn nữa, VN hiện không áp dụng thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) cũng như chưa có hàng rào thuế quan nào khác để bảo vệ sản xuất trong nước. Chính điều này đã biến VN trở thành "chỗ trũng" cho hàng nhập khẩu, khiến doanh nghiệp sản xuất nội địa lao đao.

Nước nào cũng bảo vệ sản xuất thép HRC

Trước tình trạng thép HRC nhập khẩu ồ ạt vào VN thời gian qua, ngày 29.7, Bộ Công thương đã ban hành quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ. Động thái này được các chuyên gia trong ngành đánh giá là cần thiết. Bởi hầu hết các quốc gia đều đã áp dụng biện pháp phòng vệ đối với thép cán nóng nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước. Chẳng hạn, lượng sản xuất của Thái Lan, Indonesia chỉ đáp ứng lần lượt là 43% và 65% nhu cầu tiêu thụ nhưng từ năm 2019, hai quốc gia này đã áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, bên cạnh thuế nhập khẩu tối huệ quốc đang duy trì.

Theo PGS-TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ VN, thép HRC là nguồn nguyên liệu của rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau nên được nhiều nước bảo vệ sản xuất trong nước. Trước đây, khi VN chưa sản xuất được thép cán nóng thì phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Sự tham gia của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát đã đưa ngành thép VN vươn lên tầm cao mới, mang tính chủ động hơn.

Từ đó, ngành thép VN đã phát triển nhanh và đạt hiệu quả rất tốt trong những năm vừa qua. Việc chúng ta đã tự túc được nguồn nguyên liệu đầu nguồn là HRC cũng đồng nghĩa vượt qua được những khó khăn nhất. Hơn nữa, từ một nước nhập khẩu nguyên liệu hoàn toàn thì giờ đây, ngoài chủ động được nguyên liệu cơ bản của ngành thép, chúng ta còn xuất khẩu ra thế giới là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp. Việc châu Âu và những nước có công nghệ sản xuất thép rất mạnh cũng áp dụng biện pháp điều tra chống bán phá giá với sản phẩm HRC của VN càng cho thấy tầm quan trọng của sản phẩm này với nền kinh tế.

"Sản phẩm thép HRC của VN nhập vào châu Âu chỉ gần đây và số lượng còn ít. Thế nhưng các doanh nghiệp sở tại đã yêu cầu điều tra chống bán phá giá như một kiểu phòng vệ từ xa mà không đợi đến số lượng tăng nhiều. Như vậy VN mở cuộc điều tra chống bán phá giá với thép HRC nhập khẩu là hoàn toàn hợp lý, đặc biệt khi sản phẩm nước ngoài lại tràn vào nhiều hơn cả sản xuất trong nước", PGS-TS Phan Đăng Tuất cho hay.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng sản phẩm thép nói chung và HRC nói riêng đều được các nước bảo vệ sản xuất trong nước một cách nghiêm ngặt. Nếu thống kê các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá thì hình thức này áp dụng cho sản phẩm thép là nhiều nhất và diễn ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt đối với sản phẩm thép xuất xứ từ Trung Quốc vốn được đánh giá là nơi có sản lượng lớn hàng đầu thế giới và giá thấp thì các quốc gia càng cảnh giác hơn.

Ông Ngô Trí Long nhấn mạnh: Thép vốn được ví von là "bánh mì" của ngành công nghiệp nên các quốc gia đều có chính sách phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động đảm bảo an ninh cho ngành công nghiệp trọng điểm của nền kinh tế. Bởi vậy chỉ cần có dấu hiệu gia tăng lượng nhập khẩu với giá thấp hơn là họ sẽ tiến hành điều tra ngay. Điều này như "đánh động" và cảnh báo các đơn vị sản xuất cũng như nhập khẩu. Bởi nếu không, các doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước lại càng khó khăn gấp bội khi vừa phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ ngay tại thị trường nội địa vừa phải đối diện với những hàng rào bảo vệ khi xuất khẩu.

Sản phẩm thép HRC của VN nhập vào châu Âu chỉ gần đây và số lượng còn ít. Thế nhưng các doanh nghiệp sở tại đã yêu cầu điều tra chống bán phá giá như một kiểu phòng vệ từ xa mà không đợi đến số lượng tăng nhiều. Như vậy VN mở cuộc điều tra chống bán phá giá với thép HRC nhập khẩu là hoàn toàn hợp lý, đặc biệt khi sản phẩm nước ngoài lại tràn vào nhiều hơn cả sản xuất trong nước.


PGS-TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ VN

Hiện tại lượng thép HRC nhập khẩu vào VN đã vượt qua sản lượng sản xuất trong nước và Bộ Công thương mở cuộc điều tra là phù hợp với các quy định quốc tế cũng như VN. Việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá hay không hoặc ở mức độ như thế nào sẽ tùy thuộc vào kết quả điều tra. Nhưng VN phải theo quan điểm nhất quán như các nước là phải bảo vệ sản xuất trong nước nói chung và sản xuất thép, sản phẩm HRC nói riêng.

PGS-TS Ngô Trí Long


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.