Bộ Tài chính vừa có văn bản trao đổi với 3 bộ Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ và Hiệp hội Thép VN (VSA) về dự kiến áp thuế 10% với thép nhập từ Trung Quốc (TQ) chứa nguyên tố bo, crom để tránh tình trạng gian lận thuế vừa qua.
Trước đó, VSA dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ đầu năm đến ngày 15.9.2015, lượng phôi thép nhập từ TQ, kê khai là thép hợp kim (chứa nguyên tố crom) đã lên trên 1 triệu tấn, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2014 (tăng 290%).
Nhưng loại phôi thép này chỉ chứa không đến 0,3% nguyên tố crom, thực chất vẫn là thép xây dựng nhưng kê khai hải quan là thép hợp kim để được áp thuế nhập khẩu 0%. Hàng trăm ngàn tấn thép thành phẩm nhập khẩu dưới dạng thép hợp kim chứa nguyên tố bo (chỉ có hàm lượng 0,0008% bo) để hưởng thuế suất bằng 0% cũng gây thất thu lớn cho ngân sách. Sau khi nhận được phản ánh, Bộ Tài chính đã cho kiểm tra và ghi nhận thực tế trên là đúng. Trong văn bản gửi các bộ liên quan và VSA, bộ này cho biết dự kiến sẽ áp thuế suất thuế nhập khẩu 10% với thép và phôi thép hợp kim chứa nguyên tố bo hoặc crom trừ chủng loại thép cán phẳng hoặc nóng với mã HS 9811.00.00 quy định tại chương 98, Biểu thuế nhập khẩu hiện hành.
Trong một diễn biến khác, theo tin từ Bộ Công thương ngày 23.10, Văn phòng Chống gian lận Liên minh châu Âu (OLAF) vừa gửi công văn đến bộ này đề nghị phối hợp xác minh xuất xứ một số lô hàng ống nối hoặc ống dẫn bằng sắt hoặc thép xuất khẩu từ VN vào EU đầu tháng 11 tới tại TP.HCM. Theo OLAF, các lô hàng này được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu B tại VN đề xuất sang EU, nộp thuế không ưu đãi, nhưng hiện nay, hải quan các nước EU nghi ngờ các lô hàng này có xuất xứ từ TQ, Đài Loan và được chuyển tải qua VN để trốn thuế chống bán phá giá mà EU đang áp dụng với TQ. Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương đã đề nghị các cơ quan: Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Ban Quản lý khu chế xuất Linh Trung 1 (TP.HCM) cử người tham gia các buổi làm việc với đoàn kiểm tra của OLAF về các mặt hàng trên. Số mặt hàng ống nối, ống dẫn bằng sắt hoặc thép bị OLAF nghi ngờ gian lận xuất xứ được kiểm tra trong cả thời kỳ từ tháng 10.2012 đến tháng 6.2015.
Bình luận (0)