Thi biếm họa chống tham nhũng !

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/06/2018 06:33 GMT+7

Lần đầu tiên trên cả nước, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm phát động triển lãm tranh biếm họa chủ đề “Phòng chống tham nhũng”, trong đó bao hàm cuộc thi với quan điểm “không có vùng cấm”.

Sáng 22.6, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm phát động triển lãm tranh biếm họa chủ đề phòng chống tham nhũng. Theo đó, mọi công dân VN, từ 18 tuổi trở lên đều có thể tham gia. Tranh được sáng tác trong thời gian 2016 - 2018.
Triển lãm có 1 giải nhất trị giá 30 triệu đồng, 3 giải nhì 10 triệu đồng/giải, 6 giải ba 5 triệu đồng/giải và 10 giải khuyến khích. Thời gian nhận tác phẩm từ 4 - 7.9 tại 38 Cao Bá Quát, Hà Nội.
Đề tài “nặng”
Đúng như Tổng bí thư nói lò đốt lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy. Vốn dĩ chúng tôi là lực lượng chiến đấu từ thời đánh Mỹ đánh Pháp. Bây giờ, chúng tôi làm nhiệm vụ công dân. Tạm gọi là tổng tiến công đánh giặc, giặc đây là giặc nội xâm
Họa sĩ Trịnh Lập, hội viên Hội Mỹ thuật VN
Hoạ sĩ Lý Trực Dũng, một thành viên của ban giám khảo cuộc thi tranh biếm họa chống tham nhũng, vẫn nhớ như in kỷ niệm về một nhà nghiên cứu người Úc cách đây vài chục năm. Khi đó, nhà khoa học này sang VN nghiên cứu về tham nhũng.
“Ông ấy hỏi một cán bộ ở Văn phòng Chính phủ lương bao nhiêu, trả lời một trăm bốn mấy đồng. Rồi ông ấy đi hỏi người xích lô mỗi cuốc xe giá thế nào. Sau đó, ông ấy bảo đất nước các anh quá chừng tham nhũng. Chúng tôi choáng. Ông ấy nói lương anh như thế này, anh mua xe đạp như thế này, con anh đi học tiền thế kia, thì thế nào cũng phải tham nhũng”, ông Dũng nhớ lại và nhận xét chuyện tham nhũng nhiều và cũng tế nhị như thế.
Theo ông Dũng, việc tổ chức một triển lãm biếm họa toàn quốc vô cùng khó khăn dẫn đến hay bị gián đoạn. Vì thế, ông rất ngạc nhiên khi Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm liên lạc và nói cương quyết tổ chức cuộc triển lãm tranh biếm họa chống tham nhũng.
“Nói hài hước là đề tài nóng và rất nặng. Chúng ta đều biết chống tham nhũng khó khăn như thế nào. Tổ chức minh bạch quốc tế định nghĩa tham nhũng là hành vi người lạm dụng chức vụ quyền hạn để phục vụ lợi ích cá nhân. Nói thế là dân thường không tham nhũng được”, ông Dũng nói.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, chia sẻ: “Đây là triển lãm rất nhạy cảm và nhiều đơn vị ngại ngần không làm nên Cục đứng ra làm”. Ông cũng cho biết, sau khi tuyển chọn toàn bộ tác phẩm cũng như trao giải, các tác phẩm sẽ được in vựng tập. Tác phẩm cũng sẽ được in trên chất liệu gọn nhẹ và chịu được mưa nắng để trưng bày ngoài trời. Triển lãm vào tháng 10, khi trao giải dự kiến sẽ trưng bày ở Bảo tàng Phụ nữ VN.
Các biếm họa của Zĩn, Mai Sơn, Duy Liên, Tín Nhượng Ảnh: Cục MT-NA-TL cung cấp

Cũng theo ông Thành, ban giám khảo dự kiến sẽ là những họa sĩ vẽ biếm họa tài năng. Đặc biệt, ông sẽ mời cả những giám khảo đến từ Thanh tra Chính phủ - những người làm công việc đấu tranh với tham nhũng, tham gia chấm giải.
Cuộc chiến chống nội xâm thực sự
Theo ông Dũng, ở giải thưởng biếm họa Cúp rồng tre năm đầu tiên, họa sĩ Lê Phương đã đoạt giải với một tác phẩm chống tham nhũng. Trong tác phẩm đó, họa sĩ vẽ một ông quan đang gặm đất. Cuộc thi đó không có nhiều tác phẩm chống tham nhũng. Tuy nhiên, ông Dũng dự kiến trong cuộc thi tranh biếm họa tới đây sẽ có nhiều tác phẩm liên quan đến đất đai. “Một đề tài chắc chắn sẽ được nói là tham nhũng đất đai. Đất ở VN là tài sản vô giá. Các vấn đề khiếu tố đều liên quan đến đất”, ông Dũng nói.
Một đề tài khác, theo ông Dũng, cũng sẽ được lặp đi lặp lại là tham nhũng vặt. Chẳng hạn, việc câu kéo thời gian để người dân phải đút lót cho đỡ việc đi lại làm thủ tục. “Thời gian là quý mà quan chức hành cho dăm bảy ngày thì thôi đành đút lót cho xong”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, họa sĩ biếm Lê Phương, Hội Mỹ thuật VN, lại nhận xét việc tham nhũng quyền lực sẽ được nhiều họa sĩ thể hiện. “Tham nhũng kinh tế cũng có, nhưng nó không nóng bằng tham nhũng quyền lực, nạn con ông cháu cha”, ông Phương nói.
Cũng theo ông Dũng, cuộc thi sẽ là một cuộc chiến thực sự bởi biếm họa là một vũ khí sắc bén. “Vũ khí sắc bén này trong chiến tranh đánh kẻ thù thì hay nhưng mà cầm không khéo cũng đứt tay. Đây là một cuộc chiến thực sự, có thể là một cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ của tất cả mọi người”, ông Dũng nói.
Họa sĩ Trịnh Lập, hội viên Hội Mỹ thuật VN, rất hào hứng với cuộc thi. “Đúng như Tổng bí thư nói lò đốt lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy. Vốn dĩ chúng tôi là lực lượng chiến đấu từ thời đánh Mỹ đánh Pháp. Bây giờ, chúng tôi làm nhiệm vụ công dân. Tạm gọi là tổng tiến công đánh giặc, giặc đây là giặc nội xâm”, ông nói.
Không biếm họa chính trị gia cụ thể ?
Tuy nhiên, cuộc thi có lẽ sẽ không có biếm họa chính trị gia cụ thể. Theo ông Dũng, sau cuộc thi biếm họa về giao thông 2014, có một tác phẩm khi được giải mang vào TP.HCM trưng bày thì không được chấp nhận, lý do vì nhân vật đó giống một phó chủ tịch TP. “Mà giống thật. Họa sĩ nên tránh vẽ nhân vật giống vì biếm họa có nhiều cách lắm, không cần giống để người ta biết”, ông Dũng chia sẻ.
Trong khi đó, về việc vẽ nhân vật giống hệt chính trị gia nào đó, ông Thành cho rằng: “Cái này thuộc về kỹ thuật của hội đồng và hội đồng sẽ làm việc theo quy chế. Quy chế sẽ không công khai với báo chí”.
Ông Vi Kiến Thành cho biết: “Tất cả nội dung về phòng chống tham nhũng đều là chủ đề. Nói đơn giản là không có vùng cấm”.
 
Một điểm thú vị là trong triển lãm khi cuộc thi kết thúc sẽ có trưng bày cả tác phẩm chống tham nhũng không tham gia cuộc thi. Giám khảo cuộc thi cũng có thể gửi tác phẩm để trưng bày (không được dự chấm giải). Các tác phẩm đó còn có thể là cả điêu khắc, sắp đặt chứ không chỉ là tranh. “Thứ trưởng Vương Duy Biên hiện nay ít nhất có 2 tác phẩm đã hoàn thành. Một là tác phẩm điêu khắc Cái ghế, thể hiện nhiều người đua nhau leo lên cái ghế. Tác phẩm nữa là cái chum kinh nghiệm với sợi dây từ bên trong được kéo ra nhưng kéo mãi không hết”, ông Thành nói.
Biếm họa là phản biện xã hội
Theo họa sĩ Lý Trực Dũng (ảnh), người nhiều năm nghiên cứu và vẽ biếm họa, thể loại này cũng chính là phản biện xã hội của người họa sĩ.
Đó là điều ông chia sẻ khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngày 22.6.

Từ trước tới nay, tình hình tranh biếm họa về tham nhũng ở nước ta như thế nào thưa ông?
Tranh biếm họa về tham nhũng chỉ xuất hiện độ mười mấy năm nay. Trước đây, họa sĩ có vẽ biếm họa là về việc khác chứ không phải tham nhũng. Chẳng hạn, có thể vẽ về chuyện cửa quyền, hống hách, rồi cái gì đó nữa chứ không phải tham nhũng. Tuy nhiên, các họa sĩ cũng vẫn vẽ biếm họa chính trị.
Ở sân khấu chẳng hạn, có những câu chuyện khó nói thẳng thì họ nói bằng tích xưa, những vở lịch sử. Ông có nghĩ cách mượn xưa nói nay đó sẽ được áp dụng lại trong cuộc thi vẽ tranh biếm họa chống tham nhũng lần này không?
Trong kịch, câu chuyện có một thời gian để diễn, một quá trình. Nhưng tranh biếm họa khác, ngay lập tức nó phải đập vào mắt người xem. Vì thế, khi “đọc” tranh biếm họa, người ta không dễ quay lại hết lịch sử thế này thế khác. Thứ tranh biếm họa có thể nói là sự phóng đại và cường điệu kinh khủng, song vẫn phải làm sao để dễ dàng nhận ra trực diện. Như thế, để mỗi người đều hiểu chứ không phải một người hiểu, thậm chí quốc tế cũng hiểu chứ không chỉ một nước hiểu.
Tôi cũng nói với anh em họa sĩ: nếu các bạn có tài thì các bạn cứ vẽ. Hầu như không có họa sĩ biếm họa VN nào được đăng tranh trên các tờ báo lớn của nước ngoài như Mỹ, Anh, Pháp. Cũng có họa sĩ biếm họa của ta khi ra nước ngoài thì chỉ được trưng bày trong các cuộc nhỏ bên hành lang… Để nói rằng quan trọng nhất là tầm của họa sĩ, tầm tranh của họa sĩ, cái mà không có lời nhưng người xem đều hiểu hết.
Có một thời gian biếm họa không có môi trường tốt. Điều đó có gây sự đứt gãy nào trong thế hệ sáng tác biếm họa không?
Muốn vẽ biếm họa phải nói đến ý thức chính trị của cá nhân đấy. Không phải cứ có học là trí thức. Ở châu Âu có hàng trăm định nghĩa trí thức nhưng tôi thích nhất định nghĩa: những người có khả năng phản biện xã hội để tiến lên. Tiến lên chứ không phải để chửi bới vùi dập nó. Nếu như chức năng của họa sĩ biếm họa đúng thì họ phải phản biện xã hội.
Có thể nói, số tranh biếm họa chống tham nhũng ít thôi. Nhiều khi đã biên tập rồi vẫn có thể bị thế này thế khác. Chẳng hạn, việc xe công đã được nhiều báo viết bài. Không ai tưởng tượng số lượng xe công khủng khiếp thế, mỗi năm tốn như thế cho nó. Nhưng tranh biếm họa về xe công có báo lại không đăng. Tôi đã từng biên tập và xem có bạn vẽ tranh rất hay về xe công. Sau khi có báo không đăng thì may quá Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh đăng. Hiện tại cũng chỉ vài báo có tranh biếm họa thường kỳ như Báo Nhân Dân chủ nhật, Nhân Dân cuối tháng, Mỹ thuật Nhiếp ảnh, Báo Thanh Niên...
Nhưng đứt gãy giữa các thế hệ vẽ là có. Xưa, tôi đã từng được nhuận bút biếm họa hơn độ khoảng 4 lần lương của mình. Bảo tàng Mỹ thuật cũng mua tranh biếm họa. Nhuận bút biếm họa trước khá nhiều tiền. Giờ nó chỉ còn vài trăm ngàn đồng, tùy từng báo.
Ông kỳ vọng gì ở cuộc thi tranh biếm họa chủ đề phòng chống tham nhũng này?
Tổ chức cuộc thi cho thấy việc phản biện xã hội có thể có chông gai, tuy nhiên nó vẫn tiến lên được. Không có cái gì đấu tranh để có một xã hội tốt đẹp hơn mà lại chỉ có nhung lụa. Phải có thách thức chứ.
Tôi nghĩ là cuộc thi sẽ tốt. Nếu mọi người đều biết đến cuộc thi thì mọi thứ sẽ ổn. Khi có chủ trương và nhiều người ủng hộ chắc chắn sẽ có nhiều tranh chống tham nhũng hay. Chất lượng tranh không chỉ nằm ở họa sĩ mà còn nằm ở môi trường nào cho họa sĩ phát triển.
Ngữ Yên (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.