Thi cử đâu phải 'trò ú tim' của Bộ GD-ĐT

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
04/10/2021 16:35 GMT+7

Cách đưa ra thông tin nửa vời, chẳng khác gì “trò chơi ú tim” của Bộ GD-ĐT về thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học trong năm học này, đang khiến dư luận hoang mang không đáng có.

Văn bản của Bộ GD-ĐT về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021 - 2022 nêu định hướng đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học này, sẽ được diễn ra theo "phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022 - 2025”.

Tuy nhiên, phương án kỳ thi theo giai đoạn mới ra sao, thay đổi gì so với giai đoạn vừa qua, năm học vừa qua, thì Bộ GD-ĐT không công bố kèm theo, năm học cũng đã diễn ra cả tháng trời.

Từ khi đăng thông tin về hướng dẫn nêu trên của Bộ DG-ĐT, Báo Thanh Niên nhận nhiều câu hỏi, bình luận đầy hoang mang về định hướng đổi mới kỳ thi tới Bộ GD-ĐT.

Học sinh lớp 12 đang ngóng từng ngày thông tin chính thức về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học áp dụng trong năm học này

đậu tiến đạt

Đối tượng quan tâm nhất không ai khác chính là học sinh đang học lớp 12, các trường THPT trên cả nước và cha mẹ các em. Họ cần có đủ quỹ thời gian để chuẩn bị.

Ngay lãnh đạo các sở GD-ĐT, các trường THPT đều chưa biết kỳ theo phương án của giai đoạn 2022 - 2025 có “hình hài” như thế nào. Điều đáng nói, trong văn bản phát đi đầu năm học, Bộ GD-ĐT lại đặt ra yêu cầu phải: “Đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022 - 2025”.

Hiệu trưởng một trường THPT top đầu ở Hà Nội chia sẻ: “Đọc văn bản mà sốt ruột, mà thương, mà lo cho học sinh. Hiệu trưởng còn chưa biết thi thế nào thì làm sao “truyền thông” cho học sinh hiểu về kỳ thi này như yêu cầu của Bộ GD-ĐT”.

“Lứa” học sinh thi tốt nghiệp THPT năm tới là những em chịu thiệt thòi nghiêm trọng khi trọn 3 năm học ở cấp THPT đều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Thời gian đến trường "phập phù", học trực tuyến chất lượng không thể so sánh với trực tiếp, nhiều thầy cô thẳng thắn chỉ ra rằng dù cố gắng đến đâu thì chất lượng dạy học trực tuyến nhìn trên bình diện chung chỉ bằng khoảng 50 - 60% so với việc học sinh được học ở trường.

Từ cuối năm 2019 đến nay, Bộ GD-ĐT đã ít nhất có 2 lần giảm tải chương trình ở hầu hết các môn học với quy mô lớn. Đây là việc buộc phải làm trong bối cảnh học tập khó khăn vì dịch bệnh.

Giảm tải, tưởng như học sinh được giảm bớt gánh nặng học hành nhưng thực tế các em đang phải chấp nhận thiệt thòi rất lớn khi những hoạt động ngoại khóa, những phần quan trọng nhất để hình thành năng lực, phát triển thể lực như: thực hành, thí nghiệm, trải nghiệm, thể thao… đều bị cắt bỏ để nhường chỗ cho việc nhồi nhét kiến thức cơ bản qua dạy học trực tuyến hoặc tranh thủ thời gian dịch bệnh tạm yên được đi học.

Thiệt thòi ấy của học sinh, khó khăn do dạy học trong dịch bệnh của các nhà trường, lại càng cần Bộ GD-ĐT sớm công bố thông tin và thông tin một cách minh bạch, rõ ràng về kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm học phổ thông.

Và không chỉ thi tốt nghiệp, bởi nếu kỳ thi này thay đổi thì cách tuyển sinh của các trường đại học cũng buộc phải có điều chỉnh, và như vậy sẽ tác động rất lớn đến cơ hội học tập của các em ở bậc học cao hơn.

Cách đưa ra thông tin nửa vời, mập mờ, chẳng khác gì “trò chơi ú tim” của Bộ GD-ĐT với việc đại sự của ngành đang khiến dư luận hoang mang không đáng có.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.