Thi đánh giá năng lực, ôn tập như thế nào?

Hà Ánh
Hà Ánh
03/05/2018 07:10 GMT+7

Năm nay nhiều trường ĐH sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để tuyển thí sinh. Dù không kiểm tra kiến thức thuộc lòng nhưng để đạt điểm cao, thí sinh vẫn cần sự chuẩn bị và rèn luyện.

Nắm vững kiến thức nền
Năm nay, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM sẽ sử dụng kết quả kỳ thi kiểm tra năng lực để xét tuyển cho 65% chỉ tiêu các ngành của trường. PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đề thi sẽ kiểm tra kiến thức về khoa học tự nhiên, tư duy logic, kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng viết thông qua các kiến thức của chương trình THPT: toán, vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh. Trong đó, câu hỏi kiểm tra năng lực ghi nhớ và vận dụng kiến thức gồm 50% mức độ dễ, 20% suy luận tổng hợp, 15% tính toán và suy luận phức tạp, 10% mức độ khó và 5% sáng tạo.
Theo PGS-TS Phong, kiến thức môn toán và lý chỉ tập trung vào chương trình lớp 12, hóa và sinh kiểm tra thêm kiến thức lớp 10 và 11. Đề sẽ kiểm tra kiến thức trong chương trình học nhưng đòi hỏi khả năng vận dụng, suy luận và vận dụng cao hơn. Vì vậy để làm tốt bài thi, ngoài việc hệ thống hóa kiến thức đã học, thí sinh (TS) còn phải thực hành nhiều. Ngoài đề thi mẫu trường đã công bố, TS có thể làm quen với các đề thi SAT II của Mỹ. “Các câu hỏi dù được ra với mức độ khó dễ khác nhau nhưng tính điểm bằng nhau, do vậy khi làm bài chú ý lấy điểm nhanh ở những câu hỏi dễ”, PGS-TS Phong lưu ý.
Lịch thi cụ thể
- ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực vào ngày 7.7, thí sinh đăng ký thi từ ngày 2 - 30.5.
- Trường ĐH Quốc tế dự kiến tổ chức thi vào 26 và 27.5, nhận hồ sơ đến hết 25.5
- Trường ĐH Việt Đức tổ chức thi vào ngày 19 và 20.5, nhận hồ sơ hết ngày 2.5.
- Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức thi vào ngày 19.7 và đăng ký thông tin trên website trường trước ngày 13.7.
Cũng trong năm nay, lần đầu tiên ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển vào một phần chỉ tiêu các trường thành viên. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH này, cho biết bài thi đánh giá năng lực học ĐH của TS về khả năng đọc hiểu tiếng Việt và tiếng Anh, tư duy logic, xử lý số liệu và giải quyết các vấn đề tự nhiên - xã hội. Việc đánh giá toàn diện nên đòi hỏi TS phải có cách tiếp cận khoa học, khả năng tư duy suy luận, phản biện, nhận xét, đánh giá và tổng hợp.
“Các câu hỏi trong đề thi được ra trên cơ sở kiến thức THPT và không có nội dung nào nằm bên ngoài. Vì vậy, để thực sự đạt điểm cao TS cần nắm vững kiến thức nền trong chương trình để có thể hiểu, áp dụng, phân tích, đánh giá và tổng hợp nhằm giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nếu chỉ nhớ kiến thức thôi thì sẽ không đạt được điểm cao vì hầu hết dữ liệu đã được đưa sẵn vào đề thi”, tiến sĩ Chính nói.
Trang bị hiểu biết xã hội
Một trong 2 phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Việt Đức là TS tham dự kỳ kiểm tra năng lực của Viện Khảo thí Đức được tổ chức tại trường. Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường dành tới 80% chỉ tiêu để xét tuyển bằng kết quả kỳ thi này.
Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, kỳ thi sẽ kiểm tra kiến thức chung và chuyên môn tổng hợp cho từng khối ngành. Chẳng hạn, với các ngành kỹ thuật của trường, bên cạnh bài chung, TS còn phải thi kiến thức toán, lý và hóa. Nếu thi vào ngành khoa học máy tính thì tập trung toán, lý và kiến thức khoa học chung. Nếu thi quản trị kinh doanh thì kiểm tra năng lực chung và kiểm tra kiến thức toán, kinh tế.

“Bài thi này không cần ôn luyện vì đó là sự tích lũy kiến thức, đặc biệt trong 3 năm phổ thông. TS không cần tốn sức, bỏ thời gian học luyện vì bài kiểm tra khả năng xử lý, suy luận, phán đoán, hơn là tập trung kiến thức phải sử dụng trí nhớ”, tiến sĩ Viên nói.
Trong khi đó, Trường ĐH Luật TP.HCM sử dụng kết quả bài kiểm tra năng lực do trường tổ chức để xét tuyển TS sau khi đã qua vòng sơ tuyển bằng học bạ và kết quả thi THPT. Bài kiểm tra này gồm 100 câu hỏi liên quan đến 4 nhóm kiến thức: kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, kiến thức xã hội tổng hợp, kiến thức pháp luật, tư duy logic và khả năng lập luận. Trong đó kiến thức xã hội tổng hợp liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử, gia đình, giới tính, địa lý, nông thôn, công bằng xã hội, quyền con người, đạo đức công dân.
Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng khẳng định để làm bài kiểm tra năng lực do trường tổ chức, TS không cần tham gia các lớp luyện thi. Đề thi này cũng không ra lại kiến thức vừa thi trong kỳ thi THPT mà là kiến thức xã hội tổng hợp. Vì vậy để làm tốt bài thi này, TS cần tự trang bị cho mình vốn kiến thức bên ngoài xã hội thông qua sách báo, tin tức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.