Thi để làm gì ?

30/07/2014 03:50 GMT+7

Một lá thư thông báo kết quả học tập do một trường tiểu học ở Lancashire (Anh) gửi tới các học sinh cuối cấp đã nhanh chóng được lan truyền khắp nơi và trở thành đề tài thảo luận sôi nổi ở nhiều nước. Bức thư thông báo có đoạn: “Những điểm số mà em nhận được sẽ nói một chút gì đó về em nhưng chúng không nói lên tất cả những gì thuộc về con người em”. Điều này vô tình đã đề cập đến một câu hỏi nóng của giáo dục VN hiện nay là: các bài thi có đánh giá được hết năng lực của học sinh? Câu trả lời: chưa.

Nên bỏ thi

Cách thi như hiện nay không đánh giá hết khả năng của người học, nếu không muốn nói là phiến diện. Chưa nói, thi còn là mục đích ảo để cổ súy cho các tiêu cực như: dạy thêm học thêm, tạo nên một xã hội sính bằng cấp. Vì thế cần có lộ trình tiến tới bỏ thi. Từ 1 đến 3 năm tới: xét tuyển tốt nghiệp THPT và bổ sung cách thức tuyển sinh ĐH, CĐ. Từ năm 2018, Bộ GD-ĐT giao cho các trường ĐH, CĐ tự tuyển sinh. Muốn thế ngay từ bây giờ ở cấp THCS và THPT phải có phương án chuyển dần đánh giá bằng điểm số sang đánh giá bằng nhận xét đối với học sinh, như cách chúng ta đã và đang làm đối với tiểu học.

NGUYỄN HỮU TM (Bà Rịa-Vũng Tàu)

 

Diễn đàn “Thi để làm gì?” trên số báo này đăng tải ý kiến đa chiều của bạn đọc về vai trò của các kỳ thi, đổi mới cách đánh giá... với mong muốn đăng tải các ý kiến của nhiều thành phần trong xã hội về những vấn đề của thi cử mà giáo dục VN cần hướng đến. Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến tham gia của bạn đọc. Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ

cauchuyengiaoduc@thanhnien.com.vn 

Thi để giữ chất lượng, đạo đức

Là giáo viên THCS, tôi thấy rằng khi bỏ thi tốt nghiệp lớp 9 thì học sinh không tích cực học như chưa bỏ thi. Do vậy, việc học của học sinh không được tốt, tác động ngược lại làm giáo viên dạy rất khổ. Và nếu ai đó dạy học ở bậc THCS hiện nay mới hiểu thấu cảnh khổ của giáo viên. Nếu ở bậc THPT mà không thi tốt nghiệp 12 thì đảm bảo học sinh sẽ vi phạm đạo đức nhiều hơn, chất lượng giáo dục sẽ thấp hơn, đặc biệt giáo viên sẽ khóc ròng khi lên lớp, nhất là ở các môn mà học sinh cho là môn học phụ.

Cái đích của giáo dục phổ thông là cung cấp kiến thức thật, góp phần hoàn thiện nhân cách cho học sinh, để các em chuẩn bị tư thế cho hành trình sống của mình trong tương lai nên trí tuệ và đạo đức rất quan trọng. Vì vậy, phải thi tốt nghiệp và thi cho ra thi, còn ĐH thi hoặc không tùy mỗi trường quyết định.

NGUYỄN VĂN TÚ (Trường THCS Hòa Nhơn, H.Hòa Vang, Đà Nẵng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.