Thi để làm gì ? - Quan trọng là chất lượng và trung thực

02/08/2014 03:00 GMT+7

Ý kiến tham gia diễn đàn Thi để làm gì? đa dạng với nhiều thành phần từ các chuyên gia, những người hưu trí đến học sinh mới tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Dù ủng hộ hay phản đối với kỳ thi nào, đa số đều xuất phát từ mong muốn thi là phải trung thực, đảm bảo chất lượng, đánh giá đúng năng lực người học.

 
Dù kỳ thi nào thì yêu cầu đầu tiên là tính trung thực, nghiêm túc, chất lượng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trên số báo này, chúng tôi tập hợp những ý kiến đa chiều của bạn đọc tham gia diễn đàn nhằm đóng góp cho những người làm giáo dục thêm góc nhìn về vấn đề thi cử mà giáo dục VN cần hướng đến. 

Bỏ kỳ thi tốt nghiệp, tự chủ tuyển sinh ĐH

Ở Anh cũng như nhiều nước phát triển khác, bậc ĐH không thi tuyển mà xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, vì việc đánh giá, thi cử của họ từ nhỏ tới lớn vô cùng nghiêm túc, phản ánh chính xác năng lực của học sinh. Theo tôi, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì năm nào tỷ lệ đạt cũng gần 100%. Còn tuyển sinh ĐH thì nên giao về cho các trường tự chủ. Mục đích của kỳ thi ĐH là tuyển người cho chính trường đó. Nếu trường nào tốt thì sẽ thu hút được thí sinh, trường nào đào tạo kém thì về dài sẽ không tuyển được, tự động đóng cửa. Đó là một cuộc cạnh tranh lành mạnh và cần thiết. Chính hình thức “3 chung” hiện nay là giúp các trường ĐH yếu vẫn có người học và những học sinh yếu vẫn học được ĐH, trong khi đúng ra, họ nên đi học nghề. Chúng ta đang thiếu thợ giỏi, nhưng thừa thầy kém.

Tiến sĩ Dương Quang Trung
(Giảng viên Trường ĐH Queens, Vương quốc Anh)

Đã đến lúc bỏ thi và chuyển qua phương án xét tốt nghiệp vì một mặt vẫn đảm bảo được tính nghiêm túc, công khai mà quan trọng hơn là cả xã hội nhẹ gánh bớt một kỳ thi hình thức mà rất tốn kém. Bằng tốt nghiệp sẽ do sở GD-ĐT cấp và có giá trị quốc gia. Quyền tự chủ của ĐH trong việc tuyển sinh đã được Bộ GD-ĐT khẳng định với điều kiện các trường đủ tiêu chuẩn mà Bộ đưa ra.

Kinh nghiệm cho thấy ở một số trường đại học lớn nằm trong top 5 Philippines (top 500 thế giới) đều tổ chức các kỳ thi riêng với sự giám sát chặt chẽ của bộ giáo dục.

Trần Nam
(Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM)

“Hậu quả sẽ không lường hết được” 

Tôi đồng tình với việc tổ chức một kỳ thi quốc gia nhằm đồng thời cả hai mục tiêu: xác nhận trình độ tương đương tốt nghiệp phổ thông cho người học và cung cấp kết quả cho những thí sinh muốn dự xét tuyển vào các trường.

Hiện nay "bệnh thành tích" còn quá nặng trong khi hệ thống kiểm định cho giáo dục phổ thông lại chưa hình thành, nên nếu bỏ mục tiêu thi tốt nghiệp phổ thông ở tầm quốc gia sẽ phải chấp nhận hy sinh toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm - một hậu quả nghiêm trọng không thể lường hết được. Cũng có ý kiến cho rằng 2 kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ có mục tiêu khác nhau nên không thể nhập làm một. Hiểu như vậy là không chính xác bởi điều 34 luật Giáo dục ĐH đã khẳng định trường tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Dựa vào kết quả của kỳ thi quốc gia chung đa số các trường có thể đặt ra những tiêu chí thích hợp khác nhau để tuyển sinh vào trường mình.

Bộ phải trực tiếp chỉ đạo, có kết hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương để giữ gìn kỷ cương cho kỳ thi quốc gia, cả trong công tác coi thi, lẫn chấm thi. Trên thực tế, chúng ta đã làm tốt được điều đó ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007.

PGS-TS Lê Viết Khuyến
(Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT)

Tổ chức kỳ thi tú tài cấp quốc gia ?

Có hai mục tiêu chiến lược nhằm cải tổ hoạt động khảo thí trong tổng thể đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục mà Bộ phải hướng đến: Giải quyết việc tốt nghiệp THPT cho học sinh đã học hết lớp 12 để kết thúc bậc học và cơ bản ổn định tâm lý nhân dân. Tổ chức kỳ thi tú tài cấp quốc gia để thống nhất tạo nguồn nhân lực quốc gia, cung cấp dữ liệu về nhân sự cho các trường xét tuyển hoặc sơ khảo.

Vì thế, giải pháp đáp ứng yêu cầu tình thế và bền vững phải là một kỳ thi quốc gia với tiền đề và cấu trúc toàn cục như sau: xét cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp bậc học phổ thông cho học sinh đã học hết lớp 12, giấy chứng nhận này do hiệu trưởng nhà trường đề nghị giám đốc sở GD-ĐT chuẩn thuận. Tổ chức kỳ thi tú tài quốc gia do Bộ quản lý về điều hành thí vụ - điều động nhân sự - công nhận trúng tuyển - xét cấp văn bằng. Tại các tỉnh có khung lãnh đạo hội đồng khảo thí do Bộ bổ nhiệm, kiêm nhiệm công tác coi thi và chấm thi. Giám thị và giám khảo được điều động liên tỉnh từ nguồn giáo viên THPT và giảng viên ĐH, CĐ cả nước. Tổ chức chấm tại tỉnh. Văn bằng chính thức do Bộ cấp.

Mở rộng việc ghi danh tự do vào ĐH, CĐ. Các trường trọng điểm và đặc thù sơ khảo sinh viên từ kết quả tú tài và được phép tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng.

Tạ Quang Sum
(Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP.Cam Ranh)

Tôi nghiêng về ý kiến là nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà thay bằng kỳ thi quốc gia vì những lý do sau: Giảm bớt căng thẳng, áp lực cho việc học và thi cử. Tránh phải tốn kém về tài chính cho các trường và nhà nước. Kỳ thi tốt nghiệp những năm gần đây không phản ánh đúng mục đích hoặc không có ý nghĩa. Thi là để nhằm đánh giá năng lực của người học nên không cần phải có bao nhiêu kỳ thi mà quan trọng là tổ chức thi thế nào. Qua sự khảo sát, thăm dò nhiều thế hệ học sinh lớp 12, tôi thấy đa phần các em coi kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là một bước đệm để đủ điều kiện thi tuyển sinh CĐ, ĐH chứ không phải đó là ngưỡng học để các em ra đời. Thế thì việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp riêng có thật sự cần thiết? Trong 3 phương án thi quy định thi theo môn, theo bài, trước mắt Bộ nên chọn phương án 1. Vì phương án này gần với cách thức thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, vừa đơn giản nhất, thuận lợi cho việc tổ chức coi, chấm thi trong bối cảnh bước đầu có sự kết hợp giữa trường THPT và các trường CĐ, ĐH...

Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM) 

Bệnh thành tích len lỏi khắp nơi 

Bệnh thành tích len lỏi muôn nơi và ở nhiều hình thức khác nhau. Điều quan trọng nhất là làm thế nào để hạn chế tối đa bệnh thành tích này, có như thế thì giáo dục VN mới thực sự đổi mới, chất lượng và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tôi xin đưa ra một số ý kiến của cá nhân mình trong việc chống bệnh thành tích và hướng tới một kỳ thi quốc gia thực sự trong sạch và chất lượng.

Năm học vừa qua, việc Bộ lấy kết quả học bạ để xét tốt nghiệp là rất hay, bởi vì việc học là một quá trình chứ không chỉ là kết quả điểm thi của kết quả tốt nghiệp trong mấy ngày. Nhưng vì bị bệnh thành tích, một số trường đã lợi dụng chủ trương này. Vừa rồi, khi sắp kết thúc năm học, một giáo viên bức xúc: “Mấy em học trò năm ngoái chỉ đạt học sinh trung bình, có những em chỉ đạt trung bình yếu, thế mà năm nay khoe đạt loại khá, giỏi. Không biết tiến bộ kiểu gì mà nhanh thế?!”. Bởi vậy, cần chấm dứt việc xét học bạ trong kỳ thi quốc gia.

Kết quả thi tốt nghiệp đạt gần như 100% thì không nên tổ chức nữa, không những gây lãng phí mà còn gieo cho học sinh có cái nhìn tiêu cực - xem thường kỳ thi tốt nghiệp. Ngoài ra, hình thức thi tự chọn như năm nay thì tốt hơn nên tổ chức một kỳ thi vừa đỡ tốn kém vừa đỡ mất thời gian. Việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp cần áp dụng trong năm 2015, thay bằng một kỳ thi quốc gia là phù hợp nhất. Giao cho các trường tự tổ chức tuyển sinh. Tuy nhiên, nếu các trường tự ra đề, tự chấm thi như trước e không ổn. Vì thế, đề thi vẫn do Bộ ra thì sẽ khách quan hơn.

Thái Hoàng
(Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)

Cần đánh giá đúng năng lực học sinh

Hãy nhìn lại kỳ thi năm 2007, năm đầu tiên thực hiện "hai không", kỷ cương trường thi đã cơ bản được lập lại. Do đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trung bình cả nước từ 94% (năm 2006) xuống 66%. Có 12 tỉnh đỗ dưới 50%. Thậm chí, Tuyên Quang tụt từ 95% (2006) xuống còn 14% học sinh THPT đỗ tốt nghiệp; Bắc Kạn từ 91% xuống 20%; Nghệ An từ 96% xuống 44%; Hà Tây 99% xuống 57%; Bắc Giang 97% xuống 60%... Và nhiều trường không có thí sinh nào đỗ tốt nghiệp. Những năm sau đó thì tỷ lệ tăng nhanh chóng, đều đặn và cho đến nay trên 99%.

Tôi không bàn bỏ thi tốt nghiệp hay gộp 2 kỳ thi làm một. Nhưng trước hết, lãnh đạo các cấp của ngành giáo dục cũng như địa phương cần thấy được giá trị thực chất từ những đợt kiểm tra, thi được tổ chức khoa học, nghiêm túc và trung thực sẽ kéo theo sự phát triển về nhân cách, đạo đức cho học sinh… Do đó, hãy đánh giá đúng năng lực của học sinh sau 12 năm học phổ thông đồng thời siết chặt đầu ra của sinh viên.

Đình Tuấn
(TP.Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận)

Thanh Niên

>> Bệnh thành tích cản trở tính tự giác của giới trẻ
>> Có chữa được bệnh thành tích trong thi cử ?
>> Lại nóng chuyện “bệnh thành tích và tiêu cực" trong trường học
>> Bệnh thành tích trong giáo dục nhiều nguy hại hơn là chúng ta tưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.