Thí điểm bỏ chấm điểm ở THCS

03/11/2015 07:55 GMT+7

Khoảng 1.600 trường THCS trên cả nước rục rịch thay đổi sang mô hình trường học mới (VNEN) như ở bậc tiểu học.

Khoảng 1.600 trường THCS trên cả nước rục rịch thay đổi sang mô hình trường học mới (VNEN) như ở bậc tiểu học. 

Học sinh lớp 6 Trường THCS Nam Hà, TP.Hà Tĩnh trong giờ học theo mô hình mới - Ảnh: Tuệ NguyễnHọc sinh lớp 6 Trường THCS Nam Hà, TP.Hà Tĩnh trong giờ học theo mô hình mới - Ảnh: Tuệ Nguyễn
Khi đó cũng sẽ bỏ chấm điểm thường xuyên học sinh ở bậc học này. 
Học sinh được nói nhiều hơn giáo viên
Tại lớp 6.3 Trường THCS Nam Hà, TP.Hà Tĩnh, trong giờ học môn khoa học xã hội, học sinh (HS) được chia nhóm theo tên các loài hoa, mỗi nhóm khoảng 8 người. Lớp học thiết kế theo nhóm, 4 chiếc bàn chụm vào nhau để tiện cho việc thảo luận, làm việc theo nhóm. Không khí im phăng phắc thường thấy khi cô đứng trên bục giảng bài cũng được thay thế bằng những tiếng rì rầm thảo luận sôi nổi trong từng nhóm.
Ngồi với nhóm mang tên Sen trắng của lớp học này trong suốt giờ học, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đĩnh đạc, tự tin và làm việc tích cực của những cô cậu học trò mới rời ghế nhà trường tiểu học được ít ngày. Với yêu cầu của giáo viên đặt ra, nhóm trưởng được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của nhóm. Từng thành viên trong nhóm nói lên suy nghĩ, hiểu biết của mình về một vấn đề rồi sau đó sẽ tiếp tục phản biện, bổ sung cho thành viên khác hoặc bảo vệ chính kiến của mình trước cả nhóm. Khi cả nhóm đã thống nhất được kết quả thì nhóm trưởng sẽ giơ biểu tượng hình mặt cười để xin trình bày kết quả thảo luận trước cả lớp...
Bà Nguyễn Quỳnh Trang, giáo viên dạy lớp này chia sẻ: “HS hoạt động tích cực hơn, giáo viên chữa được “bệnh” nói nhiều, độc thoại trên lớp, thay vào đó là hướng dẫn và quan sát từng HS trong chính quá trình làm việc của các em”.
Cũng theo bà Trang, trước đây giáo viên vất vả theo kiểu nói nhiều, nay thì vất vả hơn theo cách khác, thay vì nói thì dành thời gian quan sát HS; không phải soạn giáo án như trước nhưng phải ghi chép hằng ngày vào nhật ký giáo viên; phải đặt ra các tình huống và giải quyết các tình huống sẽ diễn ra khi giáo viên dạy cho HS các kiến thức mới... “Nếu bắt tôi quay lại cách cũ thì tôi sẽ thấy rất buồn dù cách mới còn đang phải mày mò trong từng giờ dạy”, bà Trang chia sẻ.
Còn bà Lê Thị Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 6 Trường THCS Nam Hồng, Hà Tĩnh, cho biết mô hình mới cũng linh hoạt hơn về thời gian. Lớp này HS đã tiếp thu bài tốt thì chỉ dạy 1 tiết nhưng lớp kia HS chậm hơn thì dạy 2 tiết chứ không quy định cứng là bài này dạy mấy tiết như trước đây. Tuy nhiên, bà Hường cũng chỉ ra rằng, nếu giáo viên hoặc nhóm trưởng của từng nhóm không quan tâm hoặc thiếu nhạy cảm thì những HS yếu sẽ bị bỏ rơi vì những HS khá giỏi sẽ làm “hộ” hết cả nhóm cho nhanh.
Đánh giá theo kiểu mới
Điểm khác biệt lớn giữa mô hình trường học mới với trường học truyền thống là cách thức kiểm tra, đánh giá. Theo đó, việc bỏ chấm điểm thường xuyên được áp dụng gần giống với trường tiểu học. Theo bà Lê Thị Hường, cách đánh giá mới ưu việt hơn rất nhiều. Ví dụ cách đánh giá cũ với môn toán một học kỳ ít nhất phải có 3 điểm kiểm tra 15 phút, 2 điểm miệng (trả bài), 3 điểm kiểm tra 45 phút, 1 điểm kiểm tra học kỳ... Còn cách đánh giá của mô hình trường học mới thì chỉ có 1 bài kiểm tra học kỳ vào sổ điểm, còn lại giáo viên chủ yếu đánh giá qua các hoạt động hằng ngày để biết HS mạnh - yếu ở điểm nào để phát huy.
Khó ở chỗ là với đánh giá bằng nhận xét, giáo viên phải rất quan tâm đến từng HS và khi nhận xét cũng phải hết sức thận trọng. HS khá giỏi thì không sao nhưng với HS yếu thì phải làm sao để động viên chứ không phải cứ chê thoải mái được. Với phụ huynh, theo bà Nguyễn Quỳnh Trang, giáo viên cũng phải làm thế nào để cho họ tin tưởng chứ không thấy con có điểm là họ sẽ thắc mắc ngay. “Thực ra chúng tôi vẫn chấm điểm khi thấy cần thiết, điểm đó ghi vào sổ điểm cá nhân của giáo viên và cũng thông báo cho phụ huynh nếu họ hỏi đến. Mục đích của việc chấm điểm này là định lượng được sự tiến bộ của HS nhưng đó không phải là căn cứ duy nhất như trước kia”, bà Trang giải thích.
Một giáo viên ở Trường THCS Nguyễn Siêu, Hà Nội chia sẻ: “Phương pháp đánh giá mới cũng còn đang ở mức độ làm quen vì năm nay mới áp dụng. Tuy nhiên, đó là xu hướng phù hợp”. Giáo viên này nói thêm: “Dạy lớp 6, tôi nhận thấy rõ sự bỡ ngỡ của HS khi thay đổi môi trường học tập từ tiểu học lên THCS. Do vậy, nếu đánh giá khắt khe quá, cho điểm nhiều quá thì chắc chắn HS sẽ tự ti khi mình liên tục bị điểm kém. Trên thực tế, có những HS bị điểm kém không phải vì không tiếp thu được kiến thức mà do các em chưa quen với cách học mới”.
Vướng điều kiện vật chất và tâm lý
Ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng GD-ĐT H.Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cho rằng mô hình trường học mới ở THCS, ban đầu HS và giáo viên còn bỡ ngỡ. Khó khăn nữa là giáo viên dạy nhiều khối lớp học một lúc nên khó tránh khỏi lẫn lộn giữa cái cũ và mới. Do đó, ông Thiềm đề nghị nên nhân rộng mô hình này lên cả những lớp trên để thống nhất cách dạy cách học trong cùng một trường. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, mô hình mới được áp dụng trên cơ sở vật chất cũ, lớp học có diện tích hẹp, đặc biệt với sĩ số 40 HS/lớp trở lên, khó cho việc chia nhóm.
Nhưng khó nhất vẫn là tâm lý của phụ huynh còn e ngại khi đón nhận cách dạy học mới. Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, tâm sự: “Phụ huynh ở đây có khao khát mãnh liệt là phải học để thoát nghèo. Điều đó tưởng như chỉ có thuận lợi nhưng thực ra cũng khiến cho việc đổi mới giáo dục có lúc gặp khó khăn. Quan niệm về việc học của người dân vẫn đơn thuần là phải học thật nhiều kiến thức. Học 2 buổi/ngày, họ cũng chỉ muốn cả ngày để con mình học toán, học văn chứ đưa thêm những hoạt động ngoại khóa vào để con được chơi, được trải nghiệm là cũng nhiều người không đồng tình”.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, một phụ huynh của Trường THCS Nam Hà cho hay một số người dân trên địa bàn khi nghe nói trường này áp dụng mô hình trường học mới, dù đây là trường “điểm” của TP.Hà Tĩnh nhưng đã quyết định xin cho con vào lớp 6 của một trường khác vì sợ con mình học hành sa sút.
Về vấn đề này, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT khẳng định: “HS dù học theo mô hình trường học mới hay không cũng đều phải đảm bảo yêu cầu chung của chương trình phổ thông hiện hành. Ngoài ra, học theo mô hình trường học mới, HS được học tập tích cực, tự lực, sáng tạo nhiều hơn thì sẽ có cơ hội hơn trong việc phát triển các năng lực toàn diện”.
Sau đại trà ở THCS sẽ lan tới THPT ?
Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho biết: Năm học 2015 - 2016, Hà Tĩnh đã chọn 14 trường THCS với 64 lớp, 3.013 HS thực hiện mô hình trường học mới ở 13/13 huyện, thị xã, thành phố.
Kế hoạch trong thời gian tới, Sở tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên THCS và một số trường THPT có điều kiện thuận lợi tiếp cận mô hình và từng bước vận dụng ở các nhà trường. Đến năm học 2016 - 2017 sẽ triển khai ở hầu hết các trường THCS và một số trường THPT trên toàn tỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.