Trong Chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được phê duyệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ có liên quan nghiên cứu đề xuất thí điểm triển khai hoạt động đặt cược bóng đá hoặc dự báo tỷ số để tạo nguồn thu, phục vụ triển khai các dự án của chiến lược.
Theo một thành viên chắp bút viết chiến lược, vì là chiến lược, không phải dự án, nên không đề cập đến số tiền cụ thể triển khai. Song, một số chuyên gia bóng đá và kinh tế mà chúng tôi tham khảo cho rằng để thực hiện thành công chiến lược này sẽ tốn không dưới 10.000 tỉ đồng. Xin chỉ liệt kê những hoạt động chính nhất được đề cập trong chiến lược: Tập huấn, thi đấu các đội tuyển quốc gia (kèm chỉ tiêu); đổi mới hệ thống thi đấu các giải trong nước; xây dựng lại các CLB phong trào (lên đến 12.000 CLB), phát triển bóng đá học đường, hoàn thiện cơ sở vật chất, sân bãi, thành lập các học viện bóng đá quốc gia hiện đại; đổi mới hệ thống tuyển chọn, đào tạo cầu thủ, các tuyến trẻ; phát triển nguồn nhân lực quản lý - điều hành bóng đá; có chính sách khuyến khích cầu thủ tài năng gốc Việt về thi đấu đội tuyển…mà để triển khai “ra ngô ra khoai” sẽ ngốn kinh phí khổng lồ.
Đơn cử, chỉ riêng việc xây dựng, ban hành bộ tiêu chí đánh giá năng khiếu bóng đá (chưa từng có tại VN), sau đó tổ chức kiểm tra, tuyển chọn trên phạm vi toàn quốc, cũng có thể ngốn tới vài chục tỉ đồng. Hay theo tiết lộ của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, việc nuôi hai đội trẻ trong năm 2013 sẽ mất 8 tỉ đồng, 10 năm sẽ mất hơn 100 tỉ đồng; hoặc xây sân vận động quy mô nhỏ (nhỏ hơn sân Mỹ Đình nhưng vẫn có đầy đủ dàn đèn, khán đài…) ở Trung tâm đào tạo trẻ quốc gia, tốn 30 tỉ đồng.
Một nguồn thu lớn
Dĩ nhiên, chiến lược sẽ phá sản ngay lập tức nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước. Vì thế, điều 2 của chiến lược đã đề nghị các tổ chức thực hiện bao gồm Bộ VH-TT-DL, Bộ Tài chính cùng các ngành, các địa phương phải chủ động vận động các cá nhân, đơn vị trong và ngoài nước tài trợ (xã hội hóa).
Đáng lưu ý, trong chiến lược Thủ tướng đã mở ra một cơ chế thoáng khi phê duyệt nguyện vọng của ngành về vấn đề vẫn được coi là khá nhạy cảm tại VN: yêu cầu các bộ có liên quan nghiên cứu đề xuất thí điểm triển khai hoạt động đặt cược bóng đá hoặc dự báo tỷ số để tạo nguồn thu, phục vụ triển khai các dự án của chiến lược.
Theo một dự trù của VFF, nếu có hoạt động đặt cược, mỗi năm ước tính thu từ 150 - 200 tỉ đồng. Còn theo một quan chức từng tham gia việc xây dựng đề án cá cược bóng đá tại VN, mỗi năm tiền cá cược bóng đá bất hợp pháp tại nước ta bị "trôi" vào túi các nhà cái ở nước ngoài lên đến 1 - 1,5 tỉ USD. Quan chức này khẳng định nếu đề án được thực hiện trong năm tới thì sau khoảng 3 năm, VN có thể thu lợi 5 triệu USD và lũy tiến dần để sau 15-20 năm, lợi nhuận thu được không dưới 100 triệu USD.
Việc Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất thí điểm cá cược bóng đá không hoàn toàn ngẫu nhiên. Còn nhớ, năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc đó là ông Vương Đình Huệ trong chuyến công tác tại Singapore đã tìm hiểu khá kỹ kinh nghiệm quản lý các trò chơi cá cược, trong đó có cá cược bóng đá. Bộ Tài chính nhận định, việc hợp pháp hóa và điều tiết hoạt động cá cược các trận đấu bóng đá và các sự kiện thể thao khác sẽ giúp hạn chế những tác động bất lợi về mặt xã hội do hoạt động đánh bạc “ngầm” gây ra. Vì thế, sau khi Chiến lược phát triển bóng đá được phê duyệt, tới đây các bộ và VFF sẽ cùng nhau xây dựng các khung pháp lý cũng như kế hoạch chi tiết về việc thực hiện cá cược bóng đá.
Một thông tin đáng lưu ý khác, hiện đã có một số tập đoàn cá cược lớn của thế giới ngỏ ý xin sẵn sàng giúp đỡ VN, như Tập đoàn Landbrokes. Nếu Chính phủ VN đồng ý, Landbrokes sẽ giúp VN vận hành hệ thống cá cược bóng đá và hỗ trợ 60 triệu USD cho việc triển khai các hệ thống đánh cá, cách thức chi trả tiền, các tỷ lệ và công thức đánh cá... Một quan chức của VFF cho biết, tất cả máy móc cũng như cách vận hành, quy trình đánh cá, phải được quản lý chặt chẽ bởi Bộ Công an, Bộ Tài chính.
Kinh nghiệm từ Đông Nam Á Nhiều quốc gia như Malaysia, Singapore, Philippines và Campuchia đã phát triển mô hình đặt cược, cá cược bóng đá nhiều năm qua. Trong đó, Công ty cá cược Singapore Pools, một trong những nhà tài trợ cho S-League, hoạt động hiệu quả nhất. Hoạt động cá cược ở Singapore đã được hợp pháp hóa từ năm 1968 với sự ra đời của Công ty nhà nước Singapore Pools. Theo quy định của Singapore Pools, người tham gia bất kỳ hình thức cá cược tại bất cứ giải bóng đá nào cũng đều phải đủ 18 tuổi trở lên. Singapore chỉ giới hạn mức tối thiểu đặt cược là 5 SGD, không có giới hạn mức tối đa. Khi trúng thưởng, tiền được chuyển vào tài khoản ngân hàng. Nhờ vậy, Chính phủ Singapore có thể kiểm soát thuế thu nhập cá nhân một cách triệt để. Theo một quan chức của Singapore Pools, nhờ tổ chức tốt mà lợi nhuận nước này thu về từ cá cược bóng đá cũng như nhiều loại hình thể thao khác lên đến hàng trăm triệu SGD, đủ để họ tài trợ cho các giải đấu, các CLB cũng như tái đầu tư một phần để khang trang các sân bãi, dụng cụ tập luyện. Việc cá cược tuyệt đối không cho cầu thủ, quan chức CLB hay bất cứ thành viên nào của giải đấu dính vào, nhằm tránh trở thành “miếng mồi” cho các trùm cá cược thao túng. Điền hình như ở Malaysia đã từng có 18 cầu thủ bị treo giò 2-5 năm và 1 HLV của Selangor bị cấm hành nghề vĩnh viễn do dàn xếp tỷ số ở giải U.20. Hay ở Trung Quốc, Hàn Quốc từng có một loạt quan chức, cầu thủ bị đi tù, thậm chí có người chọn cái chết do dàn xếp tỷ số để cá cược. (T.K) |
Ngăn chảy máu ngoại tệ Bà Mae Mua, Giám đốc Công ty tiếp thị thể thao Strata, cho rằng VN đã quá lãng phí khi để nguồn tiền khổng lồ trôi ra nước ngoài qua cá cược bất hợp pháp. Do số lượng người cá độ “chui” ở VN vô cùng lớn nên rất cần một sân chơi công khai, hợp pháp để “kéo” họ lại, đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế to lớn. Nếu có được nguồn tái đầu tư từ cá cược hợp pháp, bóng đá VN sẽ được xây từ gốc chứ không phải từ nóc... (T.K) |
Lan Phương
Bình luận (0)