Thí điểm cộng đồng đạt danh hiệu “cộng đồng chấm dứt phóng uế bừa bãi”

Đến hết tháng 12.2015, hoạt động thí điểm hướng dẫn thẩm định và công nhận cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng chấm dứt phóng uế bừa bãi” đã được triển khai tại 23 huyện thuộc 7 tỉnh dự án: Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai; Kon Tum, Ninh Thuận, An Giang và Đồng Tháp. Dự án đã góp phần tạo thói quen đảm bảo vệ sinh môi trường sống, ngăn nguy cơ dịch bệnh từ việc giảm nhanh tình trạng phóng uế bừa bãi.

Trong năm 2016, qua rà soát, đánh giá thực trạng, những khó khăn, thuận lợi và bài học kinh nghiệm trong triển khai áp dụng thí điểm việc thực hiện Hướng dẫn thẩm định và công nhận cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng chấm dứt phóng uế bừa bãi” tại 07 tỉnh trên cho thấy tình trạng phóng uế tại cộng đồng đã giảm rất rõ rệt, nhận thức của người dân tăng lên, coi đi vệ sinh trong nhà tiêu là một nhu cầu quan trọng.
Thuận lợi của triển khai dự án là sự vào cuộc sát sao của chính quyền địa phương tại một số huyện, xã đóng vai trò quan trọng, có tính chất quyết định sự thành công của hoạt động (như huyện Tuần Giáo, xã Mường Thín, Điện Biên). Khi có sự vào cuộc này, các ban ngành đoàn thể khác như HPN, Hội Cựu chiến binh, Đội chăm sóc sức khỏe nhân dân… cũng tham gia nhiệt tình, phối hợp hiệu quả hơn. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, các địa phương nhận được sự hỗ trợ kinh phí tổ chức của nhà tài trợ UNICEF, hỗ trợ chuyên môn của VIHEMA. Thêm vào đó, các địa bàn triển khai thí điểm kiến thức của người dân đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, từ đó, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, nhiều HGĐ đã đứng ra vay tiền làm nhà tiêu bền vững.
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số dó khăn do bên cạnh những huyện/xã có sự quan tâm của UBND thì một số huyện chính quyền địa phương còn lơ là, chưa quan tâm.
Chất lượng nhà tiêu là một vấn đề rất đáng quan tâm. Trong khi các hộ gia đình ở huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận có hệ thống nước sạch dẫn đến từng nhà và hộ gia đình đa số xây nhà tiêu tự hoại bền vững, thì nhiều hộ gia đình ở địa phương khó khăn hơn (cả về kinh tế và về địa hình địa lý) xây dựng loại nhà tiêu chủ yếu là chìm ống thông hơi, kém bền vững. Đặc biệt một số nơi do nền đất yếu nên rất nhanh hỏng; một số xã miền núi ở Điện Biên, Lào Cai thì một số hộ có nhà tiêu tạm bợ bị gia súc như trâu, bò phá hoại. Loại nhà tiêu này khả năng bền vững kém, cần có một can thiệp để chuyển sang dạng nhà tiêu bền vững.
Cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương
Khi triển khai, việc quan trọng nhất là sự ủng hộ và vào cuộc của UBND. Trong các buổi truyền thông kích hoạt, nên mời cả thôn/bản, xã chưa tham gia, hiệu quả tuyên truyền và hiệu ứng lan tỏa sẽ cao hơn. Với địa phương mới hoàn toàn thì giai đoạn đầu tỉnh phải xuống trực tiếp thôn bản, hướng dẫn bà con, cùng bà con làm và phải kêu gọi UBND xã tham gia. Đồng thời, trong các buổi đó, giới thiệu các mô hình nhà tiêu bền vững giá rẻ cho cộng đồng.
Duy trì “Cộng đồng chấm dứt phóng uế bừa bãi”
Khả năng duy trì tình trạng không phóng uế bừa bãi sau khi cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng chấm dứt phóng uế bừa bãi” là có thể. Bởi nhận thức của người dân tại các địa bàn can thiệp đã có sự cải thiện rõ rệt.
Qua khảo sát tại một số nơi triển khai dự án có 32/35 hộ gia đình được phỏng vấn hiểu được chấm dứt phóng uế bừa bãi là gì; 34/35 hộ gia đình được hỏi nêu được ảnh hưởng của phóng uế bừa bãi (bao gồm ảnh hưởng sức khỏe, môi trường và du lịch). Các hộ gia đình đều tự xây nhà tiêu, có hộ sẵn sàng đi vay tiền để xây nhà tiêu tự hoại. 35/35 hộ gia đình khẳng định, sau khi có nhà tiêu, thành viên trong gia đình họ không còn đi phóng uế bừa bãi ngoài cộng đồng. Với những hộ thuộc thôn đã được đón nhận danh hiệu “Cộng đồng không phóng uế bừa bãi”, khi được hỏi, người dân khẳng định hoạt động này là rất tốt. Thậm chí tại các thôn được hỏi ở xã Bắc Phong, Ninh Thuận, 5/5 hộ đồng tình việc đưa tiêu chí cộng đồng chấm dứt phóng uế bừa bãi vào tiêu chí thôn văn hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.