Thí điểm trạm thu phí tự động trên QL1

11/03/2015 03:00 GMT+7

Ngày 10.3, tại cuộc họp báo công bố công nghệ thu phí không dừng (ETC) kết hợp kiểm soát trọng tải xe trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết sau thời gian thí điểm 3 trạm thu phí tự động trên một số tuyến sẽ triển khai đại trà 35 trạm thu phí dạng này trên QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ.

Ngày 10.3, tại cuộc họp báo công bố công nghệ thu phí không dừng (ETC) kết hợp kiểm soát trọng tải xe trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết sau thời gian thí điểm 3 trạm thu phí tự động trên một số tuyến sẽ triển khai đại trà 35 trạm thu phí dạng này trên QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ. Ước tính việc áp dụng công nghệ thu phí không dừng thay thế cho các trạm thu phí truyền thống, sẽ giúp tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng.

Thí điểm trạm thu phí tự động trên QL1Trạm thu phí thí điểm không cần dừng xe trên QL1 tại tỉnh Quảng Bình
- Ảnh: Hoàng Anh
Công nghệ thu phí không dừng được thí điểm áp dụng là công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) do Mỹ phát triển và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Công nghệ này có nhiều ưu điểm như: chi phí đầu tư thấp, thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện phương tiện nhanh, kết quả thu phí chính xác đến 99,99%.
Song song với công nghệ thu phí không dừng, Bộ cũng nghiên cứu áp dụng công nghệ cân xe tự động cảm biến thạch anh thay thế cho hệ thống cân tĩnh đang được sử dụng hiện nay. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Đài Loan chỉ có 127 người để điều khiển hoạt động của 350 trạm thu phí, trong khi đó tại VN, mỗi trạm thu phí dừng có khoảng 100 - 120 người điều hành. Nếu áp dụng công nghệ không dừng thì chỉ cần 10 người cho 1 trạm”.
Ông Phạm Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP TASCO cho biết năm 2016 sau khi QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên hoàn thiện việc nâng cấp, mở rộng sẽ có khoảng 100 trạm thu phí đưa vào hoạt động. Việc áp dụng các trạm thu phí ETC sẽ giúp tiết kiệm khoảng 3.400 tỉ đồng/năm so với lắp đặt các trạm thu phí kiểu truyền thống. Cụ thể, tiết kiệm tiền in vé khoảng 70 tỉ đồng/năm; chi phí nhiên liệu 233 tỉ đồng/năm; tiết kiệm tiền lương cho ngân sách nhà nước khi phải chi trả cho hoạt động của trạm cân tải trọng xe lưu động khoảng 240 tỉ đồng/năm; tiết kiệm chi phí do tinh giản biên chế bộ máy hành chính khoảng 120 tỉ đồng/năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.