Thi hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi): Vi phạm luật mới, xử lý theo chế tài cũ ?

30/06/2009 00:34 GMT+7

Sau khi Thanh Niên có bài viết phản ánh từ ngày 1.7, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực nhưng do chưa kịp ban hành nghị định mới nên cơ quan chức năng sẽ áp dụng các chế tài theo Nghị định 146/2007 để xử phạt, nhiều phản hồi cho rằng, việc áp dụng nói trên là sai vì Nghị định 146/2007 được căn cứ theo Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và sau ngày 1.7 thì luật này hết hiệu lực. Do vậy, không thể đem chế tài cũ để áp dụng cho luật mới.

Trao đổi với Báo Thanh Niên, tiến sĩ Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết: "Về  nguyên tắc, luật ban hành rồi và có hiệu lực thì nghị định cũ buộc phải được sửa đổi bổ sung, thay thế". Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng nghị định cũ vẫn có thế áp dụng nếu các chế tài phù hợp với luật mới. Ngược lại, nếu trái với luật mới thì không được áp dụng. Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Đình Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng nếu các chế tài áp dụng không đúng với Luật Giao thông đường bộ sẽ rất tai hại, trong đó không chỉ ảnh hưởng đến việc thực thi luật mà cơ quan áp dụng có thể bị kiện vì làm trái luật. Cũng theo ông Nhã, tình trạng luật có hiệu lực nhưng các văn bản dưới luật chưa kịp ban hành xảy ra  không chỉ có riêng đối với Bộ GT-VT. Và trách nhiệm ở đây thuộc về cơ quan chuẩn bị, cụ thể là Bộ GT-VT.

So với luật hiện hành, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 gồm 8 Chương với 89 điều, trong đó chỉ có 3 điều được giữ nguyên cả nội dung và kết cấu; có 68 điều bổ sung, sửa đổi và 18 điều mới. Trong việc sửa đổi, ngoài các hành vi vi phạm bị xử lý theo hướng tăng nặng hơn thì còn có một số điểm thay đổi hẳn. Do vậy, cơ quan chức năng cần cẩn trọng khi áp dụng chế tài nghị định cũ đối với luật mới.

Một thẩm phán của TAND tối cao tại TP.HCM cũng thừa nhận Luật bị thay thế thì nghị định và các văn bản dưới luật đương nhiên cũng bị bãi bỏ theo nguyên tắc văn bản con phụ thuộc vào văn bản có giá trị cao hơn. Tuy nhiên, vào thời khắc giao thời khi luật mới được áp dụng mà các văn bản dưới luật vẫn chưa ra đời kịp thì vẫn áp dụng các văn bản dưới luật đó miễn không trái với luật mới. Những quy định của các văn bản dưới luật này nếu "nặng" hơn luật mới thì không thể áp dụng mà phải chờ. Trả lời câu hỏi: "liệu người dân có thể khởi kiện các cơ quan ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì căn cứ vào nghị định đã hết hiệu lực?", vị thẩm phán này cho biết: "Rất khó".

Thái Sơn - L.Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.