Thi lớp 10: Vì sao học sinh bối rối với toán thực tế?

05/03/2023 11:15 GMT+7

Không hiểu đề, khó hình dung và liên hệ với các vấn đề cuộc sống... là những khó khăn mà một số học sinh đang phải đối mặt với toán thực tế mặc dù kiểu đề này đã xuất hiện nhiều năm nay trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM .


Tại sao TP.HCM vẫn thi tuyển lớp 10 ?

"Chật vật" vì tính lãi suất, thể tích

Toán thực tế trong đề thi tuyển sinh lớp 10 có nhiều dạng, đòi hỏi học sinh phải có vốn kiến thức từ đời sống, nhạy bén vận dụng số liệu và công thức để đưa ra đáp án.

"Chật vật" với toán thực tế, Thúy Vy (học sinh lớp 9, Trường THCS Khánh Bình, TP.HCM) cho biết thường gặp khó khăn trước phần tính lãi suất và tiền tiết kiệm gửi ngân hàng.

Thi lớp 10: Vì sao học sinh bối rối với toán thực tế? - Ảnh 1.

Học sinh trong giờ thi môn toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM năm học 2022-2023

NHẬT THỊNH

"Vì chưa có tài khoản gửi tiền nên những thông tin về phần trăm lãi suất khá xa lạ với em. Một số bài có thêm phần tính thuế, tính tiền lãi dựa trên phần vốn cộng dồn của năm thứ nhất càng khiến em bối rối, không biết phải hình dung thế nào mới đúng", Vy tâm sự.

Bên cạnh dạng tính phần trăm lãi suất, dạng toán tính thể tích cũng là "thử thách" đối với học sinh cuối cấp. Để tính thể tích, học sinh cần nắm vững kiến thức liên quan tới hình học như hình hộp chữ nhật, hình trụ, hình tròn... với nhiều công thức tương ứng.

"Em thấy dạng toán tính thể tích rất phức tạp vì nó có nhiều số liệu, dễ rơi vào 'ma trận' ngay từ khi đọc đề. Hơn nữa, dạng tính thể tích có rất nhiều công thức nên khó nhớ hết để vận dụng phù hợp với đánh đố của từng dạng", Bảo Ngọc (học sinh lớp 9, Trường THCS Khánh Bình, TP.HCM) chia sẻ.

Thi tuyển sinh lớp 10: học sinh gặp khó khăn với toán thực tế - Ảnh 1.

Dạng toán thực tế với các vấn đề về lãi suất gây bối rối cho một số học sinh

NVCC

Tương tự, dù thường xuyên luyện đề và lên mạng tìm thêm các tài liệu liên quan để bổ sung kiến thức nhưng T.G (học sinh lớp 9, Trường THCS Phước Bình, TP.Thủ Đức) cho hay vẫn lo lắng dạng tính tiền điện nước, tính vận tốc.

"Em đã tiếp xúc với toán thực tế từ lớp 7 và đang luyện thêm các dạng cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới nhưng vì đề thường dẫn những việc từ đời sống, ngôn ngữ cũng không như các dạng toán học thông thường nên sẽ gây cảm giác lạ lẫm, đặc biệt khi gặp các dạng nâng cao, số liệu phức tạp hơn", T.G cho biết.

Trước những bỡ ngỡ của học sinh với toán thực tế, giáo viên cũng hướng dẫn một số phương pháp để quá trình làm bài dễ dàng hơn. Học hỏi các "mẹo" từ thầy cô, Thúy Vy chia sẻ kinh nghiệm: "Đối với một số bài quá dài dòng, ta nên tóm tắt gọn lại sau khi đọc đề để tránh bị đánh lạc hướng. Ghi chú lại các số liệu quan trọng cũng sẽ giúp ta dễ vận dụng công thức và không bỏ sót trong khi tính toán".

Làm cho toán học gần gũi với cuộc sống

Thực tế cho thấy một số học sinh gặp khó khăn với toán thực tế do những ứng dụng của toán học vào thực tiễn chưa được quan tâm thường xuyên.

"Cụ thể, chương trình sách giáo khoa tuy đã đưa vào một số dạng toán thực tiễn nhưng số lượng bài tập không liên tục, không đều. Giáo viên khi dạy chưa chú trọng hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết mà chỉ thuần túy truyền thụ kiến thức một chiều, chưa cập nhật thực tiễn để dẫn dắt vào bài khiến tiết học khô khan, không hấp dẫn", thạc sĩ Nguyễn Hữu Hùng, giáo viên Trung tâm SunClass (TP.Đà Nẵng), nhận xét.

Do những hạn chế trên mà một số học sinh chưa có thói quen tư duy khi gặp toán thực tế, thường chỉ biết lặp lại những kiến thức của giáo viên dạy nên không giải quyết được bài tập. Một số em chưa thấy được vai trò quan trọng của toán học trong thực tiễn, chỉ mang tư tưởng học để thi nên còn thụ động, thiếu sự đam mê tìm tòi và sáng tạo trong cách giải, theo thầy Hùng.

Để học sinh hiểu và nắm các dạng đề, thầy Hùng cho hay, trong quá trình soạn bài, giáo viên nên đưa những ví dụ quen thuộc và dễ hiểu giúp học sinh thấy rõ toán học gần gũi với cuộc sống.

"Trên cơ sở đó, giáo viên có thể xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp, đặt ra những tình huống trong thực tế để học sinh tự giải quyết. Các bài toán đưa vào phải nhẹ nhàng, tự nhiên tránh làm rối tiết học và không làm ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy của bài đó. Sau đó, giáo viên có thể để học sinh đề xuất thêm các bài tập có liên quan đến bài đang giảng", thầy chia sẻ.

Thi tuyển sinh lớp 10: học sinh gặp khó khăn với toán thực tế - Ảnh 2.

Toán thực tế có nhiều dạng đòi hỏi khả năng tư duy, kiến thức từ vốn sống của học sinh

NVCC

Cụ thể, khi giảng về dạng toán lãi suất kép, thầy Hùng đưa ra hình ảnh các bảng lãi ngân hàng, sau đó giải thích cho học sinh các thông số lãi suất tính theo năm.

Thầy cho biết: "Tôi thường gọi một học sinh lên bảng, lấy ví dụ các em đem tiền lì xì gửi ngân hàng sẽ thu được bao nhiêu cả vốn lẫn lãi. Tôi thấy các em rất hào hứng thảo luận khi nói đến việc gần gũi như tiền lì xì, một số em lấy máy tính bấm ra liền đáp số khiến không khí tiết học rất sôi động, hấp dẫn".

Tương tự, thạc sĩ Hùng mở rộng các dạng toán vay vốn ngân hàng để học sinh làm quen. "Tôi thường tóm tắt các công thức và dạng toán, không chỉ cho học sinh học để thi, làm các bài kiểm tra trên lớp mà còn nhắc các em chép vào quyển sổ riêng để sau này áp dụng cho cuộc sống", thầy Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, thầy cũng cho lời khuyên: "Học sinh cần nắm vững các kiến thức cơ bản, hệ thống bài học để hiểu, ghi nhớ và vận dụng được khi gặp các bài toán thực tiễn. Ngoài ra, các em cũng cần rèn luyện năng lực phân tích, tổng hợp, quy nạp và suy diễn để thấy được vấn đề, tìm ra cách giải quyết".





Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.