Thi lớp 10 vì sao quá căng thẳng?: Chất lượng giáo dục không đồng đều

Bích Thanh
Bích Thanh
19/06/2024 05:36 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến kỳ thi lớp 10 luôn căng thẳng tại TP.HCM là do chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các trường THPT, trong khi tâm lý chung phụ huynh và học sinh đều muốn có môi trường giáo dục tốt nhất.

SỰ CHÊNH LỆCH GIỮA CÁC TRƯỜNG LÀ RẤT LỚN

Theo hiệu phó một trường THPT tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), nguyên nhân dẫn đến kỳ thi lớp 10 luôn căng thẳng là do chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các trường THPT. Trong khi tâm lý chung phụ huynh và học sinh (HS) đều muốn có môi trường giáo dục tốt nhất, uy tín, chất lượng và được học ở những trường "top" hay trường nổi tiếng.

Thi lớp 10 vì sao quá căng thẳng?: Chất lượng giáo dục không đồng đều- Ảnh 1.

Phụ huynh chờ đón con với nhiều tâm trạng trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM

NHẬT THỊNH

Đặc biệt ở TP.HCM, sự chênh lệch giữa các trường là rất lớn. Việc cho con học ở một trường THPT tốp trên sẽ giúp HS trúng tuyển vào các trường ĐH nổi tiếng hoặc du học nước ngoài cao hơn. Điều này có thể thấy thông qua kết quả tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH và chính sách xét tuyển thẳng HS của các trường ĐH. Có thể dễ dàng thấy được những trường hợp phụ huynh sẵn sàng cho con đi học xa để được học các trường như chuyên Lê Hồng Phong, Phổ thông Năng khiếu, chuyên Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thượng Hiền…

Ngoài ra, theo vị hiệu phó trên, còn có sự chênh lệch giữa các loại hình giáo dục sau THCS về chất lượng, cơ sở vật chất và các hoạt động giáo dục cũng như công tác quản lý giữa loại hình THPT, GDTX và GDNN là rất lớn. Việc có nhiều sự khác biệt và chất lượng không tương đồng, từ đó khiến phụ huynh HS mặc định chỉ có con đường vào học THPT là tốt nhất.

CÔNG TÁC PHÂN LUỒNG SAU THCS CHƯA TỐT

Một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn tuyển sinh lớp 10 cho rằng kỳ thi lớp 10 căng thẳng còn có nguyên nhân từ công tác phân luồng HS sau THCS chưa tốt. Dù công tác truyền thông và tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh thời gian qua được quan tâm nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Điều này xuất phát từ công tác phối hợp chưa hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước (Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB-XH); đội ngũ tư vấn hướng nghiệp phần lớn là giáo viên cơ hữu, chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về tư vấn hướng nghiệp phân luồng; công tác phối hợp giữa trường THCS với các trường cao đẳng, trung cấp chưa hiệu quả.

3 lần cùng con thi lớp 10, mẹ vẫn không bớt lo

Trong đó, phụ huynh vẫn nặng về thành tích, luôn mong muốn con mình đậu vào trường top, trường nổi tiếng, chính vì thế đôi khi không "chấp nhận" năng lực thật sự của con mình.

Thêm vào đó, "phần lớn phụ huynh không có thông tin, không am hiểu về hệ thống giáo dục, kể cả hệ thống trường lớp. Điều kiện kinh tế, tài chính, công việc của phụ huynh cũng là một nguyên nhân dẫn đến quyết định chọn trường của HS. Áp lực của phụ huynh HS với kỳ thi vào lớp 10 là vấn đề học phí (học phí trường công và tư thục chênh lệch quá cao) nên vào trường công vẫn là mục tiêu của hầu hết các gia đình", hiệu phó một trường THPT của Q.Tân Phú nêu.

TĂNG DÂN SỐ CƠ HỌC, THIẾU TRƯỜNG LỚP CỤC BỘ

Chuyên viên của Phòng GDTX Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra nguyên nhân có thể dẫn đến áp lực cho thi tuyển sinh lớp 10 là sự gia tăng dân số cơ học. Hiện nay, việc tăng sĩ số HS khá nhanh so với quy mô xây dựng trường lớp. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra cục bộ một vài quận, huyện hoặc một số trường.

Chuyên viên này nhấn mạnh việc thiếu trường lớp là có nhưng không phải là nguyên nhân chính. Điển hình ở nhiều quận huyện, nhiều trường THPT tuyển không đủ chỉ tiêu và điểm chuẩn tuyển sinh thấp. Chẳng hạn như năm học 2023 - 2024, Sở GD-ĐT TP.HCM thống kê có gần 5.000 thí sinh trúng tuyển lớp 10 công lập nhưng không nộp hồ sơ nhập học. Sở GD-ĐT đã tổ chức tuyển bổ sung đối với những trường THPT chưa đủ chỉ tiêu nhưng cũng chỉ có khoảng 1.000 HS nhập học trong đợt này.

Thi lớp 10 vì sao quá căng thẳng?: Chất lượng giáo dục không đồng đều- Ảnh 2.

Theo đánh giá, kỳ thi vào lớp 10 ở các thành phố lớn hiện nay còn căng thẳng hơn cả tuyển sinh ĐH

ĐÀO NGỌC THẠCH


GIẢI PHÁP "HẠ NHIỆT" THI LỚP 10

Lãnh đạo một trường THPT tại TP.Thủ Đức cho rằng giải pháp quan trọng là thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng mạng lưới trường lớp. Đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ và nâng cao chất lượng giáo dục giúp giảm sự chênh nhau giữa các trường và giữa các loại hình trường (THPT, GDTX, trường nghề). Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện trong đổi mới dạy học với kiểm tra đánh giá HS theo mục tiêu Chương trình GDPT 2018.

Ngoài ra, cần tăng cường các giải pháp phân luồng, tư vấn hướng nghiệp sớm cho HS THCS. Trong đó, vai trò nhà trường và giáo viên làm công tác hướng nghiệp tại các trường THCS là rất quan trọng. Cần đẩy mạnh tư vấn, truyền thông cho phụ huynh và HS THCS về hệ thống trường lớp lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Còn chuyên viên Phòng GDTX của Sở GD-ĐT thì cho rằng cần tính toán sắp xếp lại hệ thống trường nghề theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, và đào tạo nghề trình độ quốc tế. 

Đổi mới công tác hướng nghiệp

Ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông (Q.6), cho rằng để phân luồng hiệu quả thì cần công tác tư vấn hướng nghiệp "nhẹ nhàng", trong đó tuyệt đối tránh hành vi hay thái độ thể hiện HS học dở, học kém phải đi học nghề. Điều này vô hình trung sẽ dẫn đến thái độ tiêu cực, suy nghĩ ép buộc HS…

Từ thực tế tại Trường THCS Nguyễn Văn Luông, ông Đinh Phú Cường cho hay để phụ huynh, HS chủ động tích cực trong việc lựa chọn mô hình học tập phù hợp sau khi hoàn thành bậc THCS, trước hết, giáo viên, nhà trường nắm rõ hoàn cảnh gia đình, năng lực học tập của từng HS. Trong quá trình giảng dạy, biết được những HS nào sẽ gặp khó khăn khi tiếp tục theo học chương trình phổ thông thì giữa năm lớp 9 giáo viên chủ nhiệm tiếp cận với phụ huynh, trao đổi, chia sẻ nhẹ nhàng để phụ huynh hiểu, đồng lòng, ủng hộ.

Tuy nhiên, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông cho hay, sở dĩ trường thực hiện việc phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho HS đáp ứng đúng mục tiêu bởi nhà trường và giáo viên tìm hiểu và tận dụng tâm lý của đại đa số phụ huynh của trường. Trong đó, với lực lượng phụ huynh là người Hoa có nghề truyền thống, có tâm lý muốn con em tiếp nối nghề truyền thống của gia đình nên nhà trường nghiên cứu, tìm hiểu các ngành nghề phù hợp để định hướng cho HS theo mong muốn của phụ huynh.

Tương tự, theo bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Q.1), quan niệm của phụ huynh HS về việc học sau THCS hiện nay có thay đổi so với những năm trước. Không phải phụ huynh nào cũng kiên quyết cho con học lớp 10 THPT công lập mà đã mạnh dạn chủ động cho con học trường THPT tư thục, GDTX. Thế nhưng, quan điểm sau THCS cho con em mình theo học một ngành nghề nào đó thì vẫn còn chưa phổ biến…

Theo bà An, một trong những nguyên nhân là sự chưa đồng bộ trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, về cả đào tạo lẫn cơ hội nghề nghiệp, vì thế chưa tác động mạnh đến nhận thức, quan điểm của phụ huynh, HS, xã hội trong việc chọn lựa hướng đi này sau THCS. Bên cạnh đó, còn là các khó khăn trong công tác hướng nghiệp ở bậc THCS như giáo viên phải kiêm nhiệm, chưa có nhiều chuyên môn sâu để triển khai hiệu quả…

Do đó, theo bà An, nhà trường chú trọng thực hiện đổi mới hướng nghiệp HS sau THCS bằng nhiều hình thức. Song song với việc đưa HS đến trải nghiệm trực tiếp các trường trung cấp nghề, nhà trường còn thiết kế đa dạng các hoạt động trong môn học để HS được trải nghiệm thực tế.

Chẳng hạn, với địa bàn Q.1, việc kinh doanh dịch vụ du lịch là ngành nghề phát triển nhất. Vì vậy, khi mời các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về trường hướng nghiệp cho HS, trường đều mời các đơn vị có đào tạo về ngành nghề này đồng thời đặt hàng tư vấn sâu vào lĩnh vực nghề nghiệp. Tuy vậy, bà An thông tin, mặc dù có chuyển biến khi một bộ phận phụ huynh tìm hiểu và đăng ký cho con em mình theo học nghề nhưng tỷ lệ này còn khiêm tốn, chưa thể đạt 30% như tỷ lệ chung của TP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.