Thi ngữ văn bằng... trắc nghiệm

31/10/2022 06:05 GMT+7

Lần đầu tiên, học sinh lớp 10 tại TP.HCM làm bài kiểm tra môn ngữ văn có phần trắc nghiệm và văn bản ngoài sách giáo khoa.

Thực hiện theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, nhiều trường tại TP.HCM đã mạnh dạn “cách tân” đề thi giữa kỳ môn ngữ văn khối 10 bằng cách sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa (SGK) để yêu cầu học sinh (HS) làm bài tự luận. Có nơi còn kết hợp phần trắc nghiệm khách quan với khoảng 8 câu hỏi để đa dạng đề thi.

Đỡ “ngán” khi đọc đề văn

Mới đây, HS lớp 10 Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7) khá thích thú khi lần đầu tiên làm bài kiểm tra giữa kỳ môn ngữ văn theo hình thức trắc nghiệm. Ở phần đọc hiểu, thay vì cung cấp một văn bản và HS trả lời các câu hỏi như chỉ ra văn bản trên thuộc thể loại gì, biện pháp tu từ… thì nay, các câu hỏi ở phần kiểm tra này sẽ là câu hỏi trắc nghiệm khách quan với 4 lựa chọn. Chẳng hạn, trong đề kiểm tra của Trường THPT Lê Thánh Tôn, phần đọc hiểu đưa ra văn bản Nữ thần học nghề (trích từ trang truyenxuatichcu.com) và đi kèm 10 câu hỏi, trong đó có 8 câu hỏi trắc nghiệm. Thầy Hà Văn Vụ, giáo viên (GV) trường này, nhận xét HS khá thoải mái vì sự đổi mới của đề thi yêu cầu HS có kỹ năng làm bài hơn là kỹ năng học thuộc, sao chép.

Khảo sát nhanh nhiều HS, phần lớn cho rằng không gặp khó ở phần trắc nghiệm hay tự luận. Như ở Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1), Trần Thanh Nguyên và Đặng Khải Long (lớp 10A11) chia sẻ dù phải đối mặt với văn bản ngoài SGK, nhưng vì đã được GV cho ôn dạng đề từ trước cũng như hiểu rõ thể loại văn bản nên các em đều tự tin sẽ đạt điểm cao.

Đề kiểm tra giữa kỳ 1 môn ngữ văn của học sinh lớp 10 tại TP.HCM có phần trắc nghiệm khách quan

ĐÀO NGỌC THẠCH

“Bài kiểm tra ít ra kiến thức, khái niệm trong sách mà đa số là những câu hỏi dựa vào tư duy logic và vận dụng bài tập đã làm trên lớp để trả lời chính xác. Em nghĩ đề tập trung vào sự hiểu bài thay vì bỏ nhiều thời gian ra để học thuộc như trước đây”, Nguyên thông tin.

“Đỡ ngán khi đọc đề văn” là suy nghĩ của Trương Ngô Gia Bảo, lớp 10A6 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3). Bảo cho biết nội dung câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi liên quan kiến thức tiếng Việt và những văn bản trong SGK. “Cách này rất hay để “kiểm tra nhanh” và hiệu quả những gì đã được học. Còn ở đề tự luận, dù không được ôn tập trước nhưng văn bản ra thi có nội dung liên quan với bài trong sách”, nam sinh đánh giá.

Giảm áp lực thi cử

Theo cô Mai Thu Thủy, GV ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, đề thi theo định hướng mới bắt buộc ra văn bản ngoài SGK để đánh giá kỹ năng đọc hiểu và viết. Trong đó, đọc hiểu có 2 hình thức trả lời là trắc nghiệm và tự luận ngắn, được thiết kế theo mức độ nhận biết - thông hiểu và vận dụng thấp. Cấu trúc là 3 - 4 điểm trắc nghiệm, 2 - 3 điểm tự luận ngắn.

Cô Thủy nhận định cách kiểm tra này có ưu điểm là giảm áp lực thi cử. HS chỉ cần nắm vững kỹ năng đọc hiểu theo thể loại, viết theo kiểu bài là có thể làm tốt, không cần thuộc lòng như trước. “Điều này đòi hỏi các em phải tăng cường thực hành để thuần thục kỹ năng, phù hợp với mục tiêu của chương trình phổ thông mới”, cô Thủy chia sẻ.

Đề thi môn ngữ văn giữa kỳ 1 năm học 2022-2023 cho học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM)

ngọc long

“Làm trắc nghiệm có ảnh hưởng đến tư duy của HS không?” là mối quan tâm của nhiều người. Phản hồi vấn đề này, cô Thủy cho biết hình thức nào cũng hướng đến tiêu chí đánh giá HS có hiểu, nắm bắt bài hay không. Dù đáp án có sẵn, theo GV này, không dễ để chọn vì bao giờ cũng có 1 đáp án đúng nhất, các đáp án còn lại gây nhiễu, nếu không vững kiến thức sẽ lập tức làm sai.

Chia sẻ thêm về phần làm văn, cô Thủy cho hay: “Khi viết bài về một văn bản hoàn toàn mới, HS sẽ gặp không ít khó khăn vì lâu nay đã quen với cách học tiếp nhận tác phẩm, đôi lúc bị thụ động theo sự áp đặt của thầy cô. Nhưng ở đề kiểm tra, dù văn bản là mới nhưng thể loại thì đã học. Trên lớp, các em được hướng dẫn cách tìm hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại và viết theo kiểu bài”.

Tương tự, GV Nguyễn Ái Trà My, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cho hay việc sử dụng văn bản ngoài SGK đưa vào đề kiểm tra đối với HS lớp 10 không phải là mới vì ngay bậc THCS các em đã làm quen và đề thi tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM đã có định hướng này từ nhiều năm nay, nhưng câu hỏi trắc nghiệm thì hoàn toàn mới. Trong đề kiểm tra môn ngữ văn của trường có 2 điểm dành cho một số câu hỏi trắc nghiệm ở phần đọc hiểu, đơn thuần là kiểm tra kiến thức đã học nên HS dễ dàng hoàn thành chứ không phải gây khó, đánh lạc hướng…

Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cũng cho hay việc đa dạng các hình thức đánh giá ở khối 10 tạo không khí nhẹ nhàng trong kiểm tra, giảm bớt áp lực học tập cho HS.

Dễ đạt điểm trung bình khá ?

Bà Lê Tường Quyên, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (Q.1), nhìn nhận HS lớp 10 năm nay không chỉ gặp những áp lực của việc chuyển cấp mà còn học chương trình mới lần đầu tiên áp dụng, thay đổi phương pháp học tập cho đến lựa chọn bộ môn học. Theo quan sát của các GV, không ít HS lúng túng, thậm chí chưa bắt nhịp kịp với sự thay đổi nên nhà trường cũng có kế hoạch tổ chức kiểm tra phù hợp, đảm bảo mục tiêu đánh giá được HS nhưng vẫn tạo động lực để các em phát huy năng lực, thể hiện sự tiến bộ, tự đánh giá được năng lực bản thân.

Còn theo cô Mai Thu Thủy, vì vừa thay đổi cách học, cách kiểm tra theo chương trình mới trong thời gian ngắn nên không thể đòi hỏi quá cao ở HS. Vì thế, đáp án và hướng dẫn chấm chỉ tập trung đánh giá về kỹ năng viết theo kiểu bài. “Còn quan điểm, suy nghĩ, ý tưởng là của các em, nếu phù hợp với văn bản, yêu cầu đề thì thầy cô luôn trân trọng”, nữ GV kết luận.

Theo thạc sĩ Đặng Thị Kiều Oanh (GV ngữ văn Trường Quốc tế Quy Nhơn và một trường THPT tại Quy Nhơn, Bình Định), cấu trúc đề mới giúp HS dễ đạt điểm trung bình khá vì trắc nghiệm chỉ kiểm tra nhận biết, thông hiểu, tổng điểm dao động từ 4 - 6. Còn ranh giới của HS khá, giỏi sẽ được quyết định bởi phần tự luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.