Từ câu chuyện thí sinh bị 0 điểm môn tiếng Anh vì ngủ quên trong phòng thi tốt nghiệp THPT, khi trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên cùng cho rằng đây là bài học không chỉ cho thí sinh, giám thị, điểm thi tốt nghiệp nơi sự việc đã xảy ra mà còn là kinh nghiệm để xử lý tình huống bất ngờ trong các kỳ thi sắp tới, tránh để lại hậu quả nghiêm trọng sau khi kết thúc kỳ thi.
Khi trạng thái buồn ngủ chợt đến, thí sinh nên kiểm soát ngay và khắc phục bằng cách nhai kẹo cao su, uống nước lọc chứ không được nằm ngủ sẽ mất tinh thần và rơi vào trạng thái ngủ say |
n.d |
Thí sinh bị điểm 0 môn tiếng Anh vì ngủ quên: Bộ GD-ĐT yêu cầu báo cáo |
Chưa biết phân bổ thời gian hợp lý
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho rằng việc học luôn có áp lực, một ngày có 24 giờ nên học sinh phải biết phân bổ thời gian hợp lý cả ở nhà cũng như ở trường. Đó là sắp xếp thời gian làm bài tập về nhà, rèn luyện bài tập nâng cao và có thời gian nghỉ ngơi dung nạp năng lượng tích cực, xả năng lượng tiêu cực. Thêm vào đó cần thiết dành thời gian nhất định trong ngày để tập thể dục, rèn luyện thân thể để có một cơ thể khỏe mạnh đi chặng đường dài phía trước. Ngoài ra còn phải rèn luyện tâm lý, cần hết sức bình tĩnh trước mọi tình huống để có thể tìm ra phương thức giải quyết vấn đề.
Khi vào phòng thi, làm bài thi, dù bài tự luận hay trắc nghiệm cũng cần phân bổ thời gian hợp lý, khoa học. Theo ông Phú, đây là một kỹ năng, giáo viên có thể hướng dẫn để học sinh tự rèn luyện, hình thành thói quen để khi vào phòng thi không lúng túng.
Thí sinh trao đổi bài sau kỳ thi |
B.T |
Thiếu kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm
Tương tự, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM) chia sẻ khi bước vào điểm thi, thí sinh cần giữ cho mình tâm trạng thoải mái và tỉnh táo. Có thể thời gian thi vào buổi chiều dễ phát sinh cảm giác buồn ngủ hơn buổi sáng, nên các em cần chuẩn bị kẹo ngậm, nước lọc. Theo các chuyên gia tâm lý, động tác nhai kẹo giúp nâng cao tinh thần cũng như trí nhớ do gia tăng nhịp tim và lưu lượng máu.
Với môn trắc nghiệm, việc đầu tiên khi vào phòng thi là thí sinh nghe theo sự hướng dẫn của cán bộ coi thi và thực hiện các thao tác: tô mã số báo danh, điền các thông tin cá nhân lên trên tờ giấy làm bài thi, giấy nháp. Sau khi cán bộ coi thi phát đề, các em đọc sơ kiểm tra đề thi có rõ nét hay nhòe, mờ, rách thì yêu cầu đổi nếu có. Tiếp theo cần tô ngay mã đề thi vào giấy làm bài rồi mới bắt đầu làm bài.
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh cho rằng một loạt chuỗi các hoạt động đó sẽ giúp thí sinh quên đi cảm giác buồn ngủ. Khi làm bài thi, thí sinh nên dành 2 phút đọc lướt xem có câu nào quen thuộc và xử lý được ngay thì tô ngay vào phiếu làm bài thi chứ không làm nháp hay tô nháp vào đề vì lúc sau sẽ dễ quên tô vào tờ trả lời trắc nghiệm. Trường hợp này cũng xem như thí sinh không làm bài.
Chưa có biện pháp chế ngự cơn buồn ngủ
Khi trạng thái buồn ngủ chợt đến ở dạng lừ đừ, thí sinh nên kiểm soát ngay và khắc phục bằng cách nhai kẹo cao su, uống nước lọc chứ không được nằm ngủ sẽ mất tinh thần và rơi vào trạng thái ngủ say. Các em có thể xin phép cán bộ coi thi cho em đi vệ sinh rửa mặt tỉnh táo rồi vào làm bài.
Cũng theo thạc sĩ Phạm Lê Thanh, theo quy chế với môn thi trắc nghiệm, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài. Nhưng nếu trường hợp cần thiết không thể khống chế cơn buồn ngủ các em có thể xin cán bộ coi thi được đi vệ sinh, rửa mặt tỉnh táo rồi vào làm bài. Khi đó thí sinh sẽ chịu sự giám sát của cán bộ hành lang.
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú cũng cho rằng khi vào phòng thi, nhận thấy bất cứ dấu hiệu gì khác lạ của cơ thể, thí sinh cần báo ngay với giám thị để được hỗ trợ kịp thời, cần thiết.
Từ câu chuyện thí sinh bị điểm 0 vì ngủ quên trong phòng thi, các giáo viên đưa ra những lời khuyên để thí sinh có thể tránh những sự cố dẫn đến hậu quả đáng tiếc trong một kỳ thi quan trọng.
Bình luận (0)