Thí sinh cần lưu ý gì trước những thay đổi đăng ký xét tuyển đại học?

Hà Ánh
Hà Ánh
18/03/2022 06:15 GMT+7

Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ có nhiều điều chỉnh về kỹ thuật trong tuyển sinh, đặc biệt là cách thức đăng ký xét tuyển đại học. Vậy, thí sinh cần lưu ý gì trước các điểm mới này?

Câu hỏi này đã được giải đáp trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua (17.3) với chủ đề “Tuyển sinh đại học 2022 có gì mới?”.

Tác động gì tới thí sinh ?

Chia sẻ trong chương trình, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết một thay đổi dự kiến về quy định tuyển sinh năm nay liên quan đến kỹ thuật đăng ký xét tuyển. Thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển vào các trường sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong khoảng thời gian dự kiến 3 - 4 tuần, TS được quyền đăng ký và thay đổi nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.

“Đây là điểm mới có lợi với học sinh, đặc biệt trong trường hợp các em chưa hiểu rõ hoặc đăng ký cảm tính một ngành học nào đó. Sự thay đổi này giúp người học lựa chọn được ngành và trường học mong muốn”, tiến sĩ Hạ nêu quan điểm.

Năm nay thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển sau kỳ thi tốt nghiệp THPT

NGỌC THẮNG

Bên cạnh đó, cũng theo ông Hạ, một điều chỉnh khác liên quan đến cách thức xét tuyển các trường. Cụ thể, các trường phải nhập dữ liệu đăng ký xét tuyển của TS ở tất cả các phương thức lên cổng dữ liệu chung của bộ và thực hiện xét tuyển lọc ảo chung. Cách làm này không chỉ áp dụng với phương thức tuyển sinh chung dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn các phương thức tuyển sinh riêng.

“Sự thay đổi này là yếu tố kỹ thuật. Nếu giải pháp kỹ thuật tốt xử lý được tất cả các đặc thù riêng trong phương thức xét tuyển từng trường thì vừa thuận lợi cho việc xét tuyển các trường, vừa thuận lợi cho người học. Các trường cũng sẽ có những thay đổi phù hợp với quy định của bộ và điều chỉnh trong đề án tuyển sinh”, ông Hạ nhận định.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phân tích việc cập nhật và sử dụng cơ sở dữ liệu chung quốc gia kết quả học tập THPT của học sinh năm nay, cũng giảm bớt thủ tục hành chính của học sinh trong xét tuyển. Thay vì phải nộp nhiều bộ hồ sơ thì các trường thực hiện xét tuyển các phương thức từ kết quả dữ liệu chung này.

“Cơ sở dữ liệu này được nhập từ hệ thống các sở GD-ĐT cũng hạn chế những sai sót xảy ra trong quá trình nộp hồ sơ của TS. Thực tế trường chúng tôi các năm có khoảng 20 - 30% TS bị sai sót thông tin trong quá trình nộp hồ sơ”, ông Quốc nói thêm.

Thí sinh phải quan tâm tới đề án tuyển sinh các trường

Thạc sĩ Trần Duy Can, chuyên viên đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường đã mở cổng cho TS đăng ký một số phương thức xét tuyển riêng. TS cứ đăng ký xét tuyển theo hướng dẫn của trường, việc thay đổi và cập nhật dữ liệu trên cổng thông tin chung trường sẽ có hướng dẫn sau để TS hoàn thành việc đăng ký chính thức.

Các chuyên gia tham dự chương trình hướng dẫn thí sinh đăng ký dự thi vào đại học năm nay

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thạc sĩ Trần Minh Tuấn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, lưu ý: “Dù bộ đã có những động thái kỹ thuật tạo thuận lợi cho người học nhưng các bạn cũng phải chủ động trong việc tham gia xét tuyển của mình”.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho biết hiện nhiều trường ĐH đang thu hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét học bạ. TS cứ đăng ký xét tuyển theo hướng dẫn của các trường ĐH với các phương thức tuyển sinh riêng này. Nếu có những thay đổi chính thức về quy định xét tuyển, các trường sẽ có thông báo để đảm bảo quyền lợi TS. “Dù đăng ký xét tuyển trước hay sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT thì quan trọng nhất vẫn là lựa chọn được ngành học mình thực sự yêu thích. Các em cần có suy nghĩ nghiêm túc, kỹ lưỡng trong việc chọn ngành học này của mình”, ông Hạ nhấn mạnh.

Liên quan đến lựa chọn nguyện vọng, thạc sĩ Trần Minh Tuấn đưa ra lời khuyên: “Ngành yêu thích nhất nên được chọn làm ưu tiên số 1. Trong số các ngành đăng ký, các em nên chia thành 3 nhóm để đảm bảo an toàn: nhóm 1 gồm những ngành cao hơn sức học của mình, nhóm 2 gồm những ngành vừa phải và nhóm còn lại là những ngành thấp hơn”.

Thạc sĩ Trần Duy Can cũng nói: “Việc cho TS điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần vừa thuận lợi nhưng cũng là điều lo lắng. TS cần sáng suốt và tự tin vào lựa chọn của mình, đừng để xảy ra tình trạng nghe theo bạn bè rồi có những điều chỉnh nguyện vọng liên tục”. Ngoài ra, theo ông Can, các trường có nhiều phương thức tuyển sinh, TS nên tận dụng tất cả các phương thức đủ điều kiện để tăng cơ hội trúng tuyển.

Về kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thạc sĩ Lê Phan Quốc lưu ý, sẽ có nhiều môn thi khác nhau. Kết quả kỳ thi này kết hợp điểm học bạ và chỉ sử dụng xét tuyển tỷ lệ chỉ tiêu nhất định của một số ngành. Kỳ thi dự kiến tổ chức nhiều lần trong năm, trường đang đợi kế hoạch tuyển sinh chung của bộ để sắp xếp tổ chức kỳ thi riêng phù hợp và thuận lợi với TS. “Ngoài ra học sinh lớp 11 cũng có thể đăng ký tham gia kỳ thi này, nếu kết quả tốt thì có thể bảo lưu vào năm sau để xét tuyển”, ông Quốc cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.