Phí giữ chỗ 4,6 triệu đồng/ thí sinh
Theo phản ánh của thí sinh, Trường ĐH FPT hiện đang yêu cầu thí sinh dù chưa tốt nghiệp THPT nhưng đủ điều kiện xét tuyển vào trường, nộp phí giữ chỗ nhập học với số tiền 4,6 triệu đồng/ thí sinh.
Cụ thể, sau khi thực hiện đăng ký xét tuyển vào trường, thí sinh này đã nhận được thông báo chúc mừng của nhà trường đã đủ điều kiện đăng ký giữ chỗ nhập học để được ưu tiên giữ chỗ nhập học. Bước thứ 3 trong thủ tục đăng ký này ghi rõ: “Bạn cần hoàn tất việc đóng phí giữ chỗ nhập học (chỉ nhận qua chuyển khoản) số tiền 4,6 triệu đồng. Nếu thí sinh đủ điều kiện nhập học nhưng không nhập học sẽ không được hoàn lại phí này”.
Liên hệ qua số điện thoại nóng của trường, một cán bộ tuyển sinh cho biết thêm thí sinh có quyền lựa chọn đóng phí đăng ký giữ chỗ hoặc không. Tuy nhiên, nếu không đóng phí này, đến thời điểm nhập học nếu trường đã tuyển đủ chỉ tiêu, thí sinh sẽ không còn cơ hội vào trường.
Theo cán bộ tư vấn này, số tiền 4,6 triệu đồng này tạm gọi là phí giữ chỗ, khi đi học số tiền này sẽ cấn trừ vào học phí, coi như học phí tạm thu.
Trường ĐH: "Không vi phạm quy định"
Trả lời phóng viên Thanh Niên, bà Vũ Thu Chinh, Trưởng ban Tuyển sinh Trường ĐH FPT, cho biết năm 2021 là năm thứ 2 trường tuyển sinh theo ngưỡng chất lượng SchoolRANK – chỉ nhận các thí sinh trong TOP50 học sinh THPT toàn quốc. Theo quy định trong đề án tuyển sinh, các thí sinh có SchoolRANK đạt ngưỡng chất lượng và tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện nhập học Trường ĐH FPT.
Thí sinh chưa tốt nghiệp THPT có thể nộp trước hồ sơ cùng phí đăng ký nhập học, khi nhận đủ chỉ tiêu trường sẽ ngừng nhận hồ sơ và kết thúc tuyển sinh (có hướng dẫn chi tiết cho các thí sinh). Quy định tuyển sinh của trường đảm bảo công khai, minh bạch, khi nhận đủ hồ sơ theo chỉ tiêu sẽ ngừng nhận đăng ký, và không vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo bà Chinh, việc Trường ĐH FPT quy định và quản lý phí đăng ký nhập học nhằm ràng buộc trách nhiệm và tính nghiêm túc trong việc chọn trường của thí sinh. Nếu không có những ràng buộc nhất định thì trong tình hình hiện nay sẽ có nhiều hồ sơ ảo, và số hồ sơ ảo này không chỉ làm phức tạp cho việc tuyển sinh của trường mà quan trọng hơn là sẽ chiếm chỗ hợp pháp của các thí sinh khác khi trường nhận đủ hồ sơ đăng ký và khóa sổ. "Nếu trường không có các cam kết mang tính ràng buộc khi nộp hồ sơ nhập học thì số hồ sơ ảo sẽ rất lớn vì thí sinh nào cũng chọn nhiều trường, và để tuyển đủ chỉ tiêu, thông thường các trường đều phải nhận số hồ sơ lớn hơn, khi đó rất dễ vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT từ năm nay là không được tuyển vượt quá 3% chỉ tiêu, nếu tuyển quá sẽ bị xử phạt vi phạm rất nặng", bà Chinh nói.
"Cũng như năm 2020, năm 2021 tiếp tục có nhiều biến động do dịch bệnh Covid-19, và những quy định của Trường ĐH FPT cũng nhằm mục đích rút ngắn thời gian tuyển sinh để bắt đầu năm học 2021-2022 theo thời gian như các năm trước", bà Chinh nói thêm.
Bộ GD-ĐT: "Vi phạm quy chế và công văn hướng dẫn tuyển sinh"
Phản hồi thông tin này, đại diện vụ GD-ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết “Việc trường yêu cầu thí sinh nộp lệ phí giữ chỗ trước có thể coi là một hình thức để giữ thí sinh đảm bảo nhập học. Vì vậy, nếu đúng trường yêu cầu thí sinh nộp phí giữ chỗ nhập học, xem như đóng học phí tạm thu, khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT là vi phạm quy chế và công văn hướng dẫn tuyển sinh. Cụ thể, quy định theo quy chế là các “trường không thông báo trúng tuyển dưới mọi hình thức khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT”.
Cũng theo đại diện Vụ Giáo dục ĐH, thực tế trong năm trước, một số trường đã yêu cầu thí sinh nộp chứng chỉ ngoại ngữ bản gốc, giấy chứng nhận đoạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, giấy chứng nhận tốt nghiệp bản gốc… khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường.
“Do vậy, trường có thể có hình thức khác để đảm bảo sự cam kết của thí sinh sẽ nhập học chứ không nên thu và giữ tiền của thí sinh. Vụ cũng đã nhắc nhở về điều này với các trường nhiều lần trong các hội nghị, chương trình tập huấn về tuyển sinh trước đó”, đại diện này nói.
Bình luận (0)