Thí sinh có 'né' cụm thi do đại học chủ trì ?

22/05/2015 07:19 GMT+7

Theo thống kê, một số tỉnh có tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi ở cụm địa phương khá cao. Vì thế, một trong những nội dung mà báo chí quan tâm trong buổi làm việc ngày hôm qua của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ GD-ĐT và tỉnh Hải Dương tìm hiểu việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia , là có hay không việc các địa phương vận động thí sinh chọn cụm địa phương?

Theo thống kê, một số tỉnh có tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi ở cụm địa phương khá cao. Vì thế, một trong những nội dung mà báo chí quan tâm trong buổi làm việc ngày hôm qua của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ GD-ĐT và tỉnh Hải Dương tìm hiểu việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, là có hay không việc các địa phương vận động thí sinh chọn cụm địa phương?
 
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc cùng với Bộ GD-ĐT và chính quyền tỉnh Hải Dương về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ở cụm thi do địa phương chủ trì - Ảnh: Ngọc KhangPhó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc cùng với Bộ GD-ĐT và chính quyền tỉnh Hải Dương về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ở cụm thi do địa phương chủ trì - Ảnh: Ngọc Khang
Gần 40% thí sinh Hải Dương thi cụm địa phương
Ông Lương Văn Việt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương, cho biết kỳ thi THPT quốc gia toàn tỉnh có 20.635 thí sinh (TS) đăng ký dự thi. Trong đó, số TS đăng ký dự thi tại cụm thi do Trường ĐH Hải Phòng chủ trì là 12.495 (chiếm 60,55%). Có 8.140 TS (39,55%) dự thi tại cụm thi địa phương do Sở GD-ĐT Hải Dương chủ trì phối hợp với Trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang. “Sở đã chỉ đạo các nhà trường hướng dẫn, tư vấn cho học sinh lựa chọn cụm thi, môn thi phù hợp với khả năng nguyện vọng và tổ hợp môn thi để xét công nhận tốt nghiệp hoặc xét tuyển vào ĐH, CĐ, hoặc cả hai”, ông Việt nói.
Trong buổi làm việc, các nhà báo bày tỏ băn khoăn về con số gần 40% TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp liệu có hợp lý khi tỷ lệ bình quân của cả nước chỉ khoảng 28%, đặc biệt với một địa phương được Bộ đánh giá cao về chất lượng giáo dục phổ thông như Hải Dương? Liệu có hay không việc các trường “ép” học sinh đăng ký dự thi cụm địa phương? Ông Việt cho biết hoàn toàn không có chuyện “ép”. Trước khi có các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tỷ lệ TS đăng ký dự thi tại cụm địa phương là hơn 60%. Nhưng sau khi được tư vấn thì tỷ lệ giảm xuống còn gần 40%. “Chúng tôi cũng hứa với Bộ là sẽ tổ chức thi đúng quy chế và điều này, trước hết thể hiện qua việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo coi thi thực sự là những người nghiêm túc và có nghiệp vụ chuyên môn cao”, ông Việt nói.
 
“Phải để người dân hiểu không cần gian lận”
Nhiều người cũng băn khoăn sự hiện diện của các trường ĐH phối hợp ở cụm thi sẽ chỉ là hình thức. Địa phương với lợi thế “sân nhà” sẽ thao túng kỳ thi theo chiều hướng có lợi cho TS của mình. Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ suy tính chạy theo thành tích mà chỉ đạo làm thực chất, thực hiện nghiêm túc. Từ trước đến nay, Hải Dương chưa bao giờ đứng đầu về tỷ lệ tốt nghiệp THPT”.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết quy chế đã quy định rõ cơ chế phối hợp giữa sở GD-ĐT và trường ĐH tại cụm thi địa phương. Theo đó, mỗi một điểm thi có ít nhất 3 cán bộ trường ĐH. Tuy nhiên, ông Trinh cho rằng giải pháp căn bản phải từ nội sinh của ngành GD-ĐT, từ chính những người tham gia cuộc thi ấy. “Chúng ta không thể coi việc tham gia của bên ngoài vào là giải pháp lâu dài, nó chỉ là giải pháp trước mắt. Phải bằng trách nhiệm của nhà giáo, bằng cơ chế quản lý để làm sao mỗi nhà giáo ấy thực hiện đúng vai trò trách nhiệm của mình ở các công việc khác nhau”, ông Trinh nói.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành GD-ĐT cần phải có những lý lẽ thuyết phục hơn để xã hội và người dân tin tưởng vào tính nghiêm minh, trung thực, thực chất của kỳ thi. Kèm theo những lời phát biểu phải là các con số để người dân thấy cơ hội lập nghiệp rộng mở với tất cả các em, kể cả những em dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. “Phải cho người dân thấy rằng bên cạnh những trường ĐH, CĐ tuyển sinh căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thì còn có bao nhiêu chỉ tiêu của những trường xét tuyển căn cứ vào học bạ hoặc các kỳ thi tuyển sinh riêng, để từ đó người dân sẽ hiểu là không có chuyện “ép” TS dự thi tại cụm thi địa phương. Hoặc giả sử ở đâu đó nếu có chuyện “ép” thì đó cũng là điều hoàn toàn không cần thiết. Nếu học sinh và người dân được giải thích kỹ thì áp lực gian lận sẽ giảm bớt bởi họ thấy không cần phải gian lận”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Thí sinh chọn thi môn lịch sử thấp nhất
Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, tổng số TS đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia trên toàn quốc là 1.004.484. Trong đó, tổng số TS thi chỉ để xét tốt nghiệp là 279.000 (chiếm gần 27,8%). Số TS dự thi với 2 mục đích (xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ) là 592.934 (59,03%). TS tự do dự thi với mục đích chỉ xét tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ có 132.552 (13,19%).
Cả nước có 959.299 TS đăng ký môn toán; các môn tiếp theo lần lượt là ngữ văn: 937.304; ngoại ngữ: 743.067. Với 5 môn tự chọn còn lại, số TS đăng ký dự thi môn vật lý lớn nhất: 470.867, (46,87%). Tiếp đến là môn hóa học: 459.310 (45,7%), địa lý: 386.941 (38,5%), sinh học 283.033 (28,17%), thấp nhất là lịch sử, chỉ có 153.688 (15,3%).
Tuệ Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.