Thí sinh có nên đăng ký vào ngành điểm chuẩn không cao?

Hà Ánh
Hà Ánh
29/07/2023 06:06 GMT+7

Thực tế tuyển sinh ĐH các năm trước, có ngành thí sinh cần đạt 8 - 9 điểm/môn mới trúng tuyển nhưng có những ngành chỉ trên mức trung bình. Thí sinh có nên lựa chọn vào những ngành điểm chuẩn không cao ở các năm trước?

Câu hỏi trên đã được giải đáp trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên với chủ đề Lời khuyên trước khi kết thúc đăng ký nguyện vọng hôm qua 28.7. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

NHỮNG LƯU Ý CHO THÍ SINH CHƯA ĐĂNG KÝ

Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT đã ghi nhận 530.000 thí sinh (TS) đăng ký nguyện vọng (NV) xét tuyển ĐH, tính đến tối 25.7. Với tổng số 2,4 triệu NV, trung bình mỗi TS đăng ký 4,6 NV. So với con số khoảng 950.000 học sinh đăng ký xét tuyển khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, tới thời điểm trên mới có khoảng hơn 1/2 số TS thực hiện đăng ký.

 Thí sinh có nên đăng ký vào ngành điểm chuẩn không cao ?  - Ảnh 1.

Các chuyên gia cung cấp nhiều thông tin và lời khuyên hữu ích cho thí sinh vào những ngày cuối đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, dữ liệu trên cho thấy tiến trình đăng ký và số NV trung bình khá tương đồng so với tình hình của 2 năm trước. Đồng quan điểm, ông Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng con số gần 50% TS tham gia thi tốt nghiệp chưa đăng ký NV là không khác năm trước mấy. Số còn lại có thể rơi vào 2 hướng, trong đó hướng tích cực là TS đã có những lựa chọn khác, ví dụ như học nghề. Nhưng "đáng lo" là những trường hợp tới hôm nay vẫn đang phân vân chưa biết nên lựa chọn gì.

Với trường hợp chưa đăng ký, tiến sĩ Hải cho rằng TS nên rà lại lần cuối danh mục các NV. TS không nên đợi đến ngày cuối cùng mà chậm nhất ngày 29.7 cần thực hiện việc đăng ký NV lên hệ thống. Ông Hải nói: "Ngày cuối cùng nên là ngày dự trữ, nếu có sự cố nào mới sử dụng để thực hiện điều chỉnh. Việc chờ đến ngày cuối, nếu mạng trục trặc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai các em".

Với những TS đã đăng ký, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân khuyên: "Các em có thể tham khảo thêm về thứ tự các NV đã đăng ký. Trừ tình huống thực sự cần thiết TS mới nên điều chỉnh NV, còn lại hãy tự tin với lựa chọn của mình".

Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, khuyên: "Đến thời điểm này, TS nên hạn chế sự tác động từ bên ngoài dẫn đến việc thay đổi NV". Thạc sĩ Trắng thông tin một số vấn đề liên quan đến kỹ thuật TS cần lưu ý. Chẳng hạn, có những trường hợp chưa tìm hiểu kỹ sự khác nhau giữa ngành và chuyên ngành. "Cùng 1 tên gọi nhưng có trường là ngành nhưng có trường là chuyên ngành. Trong khi theo quy định của Bộ GD-ĐT, chỉ ngành mới có mã ngành. Do đó, TS muốn đăng ký vào chuyên ngành của ngành phải thực hiện đăng ký bằng mã ngành có đào tạo chuyên ngành đó", ông Trắng hướng dẫn.

Cũng theo đại diện Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, một số phát sinh gây khó khăn khi thực hiện đăng ký nguyện vọng liên quan đến số điện thoại của TS. Ông Trắng cho biết có những TS khi thực hiện xác nhận mã OTP nhưng tài khoản không đủ tiền nên không hoàn tất được việc đăng ký. Có trường hợp TS đăng ký số điện thoại của bố mẹ nhưng bố mẹ hiện đang công tác ở châu Âu nên không có mã OTP…

Thí sinh có nên đăng ký vào ngành điểm chuẩn không cao? - Ảnh 2.

Chỉ còn 2 ngày nữa sẽ hết hạn đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH

ĐÀO NGỌC THẠCH

HÀNG CHỤC NGÀN THÍ SINH CHỈ ĐĂNG KÝ 1 NGUYỆN VỌNG

Thông tin trong chương trình, ông Võ Ngọc Nhơn cho biết có hơn 72.000 TS chỉ đăng ký 1 NV. Trong số này có những TS đã trúng tuyển sớm và xác định rõ lựa chọn NV này để nhập học - đây là lựa chọn phù hợp. Nhưng trường hợp thứ hai, theo chuyên gia này là "khá đáng lo ngại" khi không lựa chọn NV trúng tuyển sớm nhưng chỉ đăng ký 1 NV. Liên quan đến điểm này, ông Nhơn phân tích từ thực tế năm 2021, có 61 TS dù đạt 29,5 điểm trở lên nhưng vẫn trượt ĐH.

"Các em đừng quá tự tin và quá chủ quan khi chỉ đăng ký 1 NV nếu đó không phải NV đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm. TS nên cho mình những phương án dự phòng cần thiết", ông Nhơn khuyên.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải cũng ý kiến: "Với trường hợp chỉ đăng ký 1 - 2 NV, tôi nghĩ nên tăng thêm". Ông Hải lý giải thêm cho lời khuyên của mình: "Dù điểm thi năm nay tương đồng so với năm ngoái nhưng điểm chuẩn còn phụ thuộc rất nhiều vào số lượng TS đăng ký và chỉ tiêu các trường. Đôi khi điểm chuẩn có những sự biến động đột biến, ví dụ năm ngoái có một số ngành liên quan lĩnh vực công nghệ thông tin như khoa học máy tính điểm chuẩn tăng mạnh và cao hơn cả khối ngành y".

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, còn lưu ý thêm TS khi cân nhắc giữa việc xác nhận nhập học đợt 1 và chờ xét tuyển bổ sung. Ông Trị cho rằng trong một số trường hợp việc từ chối cơ hội trúng tuyển đợt 1 sẽ rất nguy hiểm. TS cần tìm hiểu thật kỹ khả năng xét tuyển bổ sung của trường, ngành mong muốn xét tuyển đợt này.

Thí sinh có nên đăng ký vào ngành điểm chuẩn không cao? - Ảnh 3.

Các chuyên gia khuyên thí sinh hãy căn cứ vào sở thích và năng lực bản thân để có lựa chọn phù hợp với mình

NHẬT THỊNH


NGUYỆN VỌNG CUỐI LÀ NGUYỆN VỌNG CHẮC CHẮN TRÚNG TUYỂN

Tiến sĩ Võ Thanh Hải phân tích, điểm chuẩn trúng tuyển được xác định dựa vào số lượng TS đăng ký và chỉ tiêu từng ngành. Trong đó, những ngành "hot" như công nghệ thông tin, marketing, ngôn ngữ… số lượng TS đăng ký nhiều, chắc chắn điểm chuẩn cao hơn nhiều so với điểm sàn.

Các chương trình học bổng dành cho sinh viên

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Ngoài 2.000 suất học bổng trực tiếp cho tân sinh viên khi nhập học sớm, trường còn nhiều loại học bổng với tiêu chí xét duyệt khác nhau.

Trường ĐH Duy Tân: Trường hiện có 10 loại học bổng khác nhau, dự kiến khoảng 4.000 TS được hưởng chính sách học bổng của trường năm nay.

Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn: Có nhiều học bổng cho sinh viên, trong đó loại học bổng mới dành cho các tăng ni theo học ngành Đông Phương học. Ngoài nhận học bổng toàn bộ học phí, người học còn được nhận 2 triệu đồng/tháng sinh hoạt phí.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Dành 50 tỉ đồng cấp học bổng và hỗ trợ tài chính cho tân sinh viên gồm: học bổng thủ khoa, học bổng khi nhập học, học bổng cho sinh viên khó khăn, sinh viên giỏi…

"Cách đây 4 năm, chỉ một số trường sử dụng xét tuyển học bạ nhưng nay gần như các trường đều sử dụng phương thức này. Ngoài học bạ, các trường còn thêm các phương thức khác, chỉ tiêu còn lại cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT bị giới hạn lại. Điều này càng làm điểm chuẩn các ngành "hot" tăng cao. Ngược lại, những ngành TS ít quan tâm hơn thì ngay trong các phương thức sớm TS cũng không đăng ký nhiều. Vì vậy, điểm chuẩn so với điểm sàn cũng chênh lệch không nhiều", tiến sĩ Hải phân tích.

Ông Võ Ngọc Nhơn cũng nói ngược lại với những ngành "hot" điểm chuẩn cao thì có những ngành do quan điểm lựa chọn của người học, số TS đăng ký ít nên mức điểm chuẩn bằng ngay điểm sàn. Vấn đề điểm chuẩn, theo ông Nhơn, không phản ánh được bức tranh toàn cảnh của thị trường lao động sau khi sinh viên ra trường. Minh họa nhận định trên, ông Nhơn dẫn dắt một thống kê của Bộ GD-ĐT về việc làm sinh viên được công bố cuối năm 2022. "Kết quả này khá bất ngờ khi nhóm ngành ít TS lựa chọn theo học nhất như nông - lâm - ngư nghiệp nhưng tỷ lệ sinh viên có việc làm lại cao nhất. Điều này cho thấy TS đừng băn khoăn khi lựa chọn một ngành học điểm chuẩn thấp mà lo ngại việc làm không nhiều, không ổn định. Hãy căn cứ vào sở thích và năng lực bản thân để có lựa chọn phù hợp với mình", ông Nhơn tư vấn.

Theo ông Nhơn, TS có thể đăng ký 5 - 7 NV nhưng về mặt kỹ thuật cần lưu ý những NV cuối là NV chắc chắn trúng tuyển. Ngược lại, ở NV đầu tiên hãy mạnh dạn đăng ký ngành điểm chuẩn năm ngoái có thể cao hơn điểm thi của mình năm nay. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.