Thí sinh đâu phải hàng hóa

27/08/2011 00:34 GMT+7

Chuyện trường Đại học (ĐH) Lương Thế Vinh, ĐH Thái Bình Dương thưởng tiền cho thí sinh (TS) cũng như đơn vị giới thiệu khiến người ta dễ liên tưởng đến chuyện mua bán. Bởi, thông thường trong kinh doanh, khi giới thiệu được một khách hàng, người môi giới được hưởng phần trăm hoa hồng. Nhưng giữa một món hàng và một TS, ý nghĩa lại rất khác nhau.

Nói cho đúng, trong những mùa tuyển sinh gần đây, chuyện này không còn lạ. Vấn đề là có công khai hay không. Ngay từ đầu năm, khi đi tư vấn mùa thi với Báo Thanh Niên, nhiều trường THPT đã cho chúng tôi biết có vài trường ĐH, CĐ đã về đây đặt vấn đề về chuyện giới thiệu cho học sinh nộp đơn đăng ký dự thi vào trường. Việc thưởng tiền cho hiệu trưởng trường THPT cũng được đặt ra.

Chuyện thưởng tiền cho người giới thiệu còn phổ biến hơn nữa đối với các trường THPT tư thục nhỏ tại TP.HCM. Vì là nơi tiếp nhận rất nhiều học sinh có hộ khẩu tại các tỉnh về TP.HCM học, đa số các trường này có chế độ thưởng tiền cho những người giới thiệu.
Người ta đang nói quá nhiều đến việc giáo dục bị thương mại hóa. Các trường ĐH, CĐ chuyển từ dân lập sang tư thục thời gian gần đây cũng bị lèo lái sang hướng kinh doanh sinh lời, bỏ quên mục đích đào tạo. Nhà nhà đua nhau mở trường, hút sinh viên, trong khi điều kiện học tập lại không được chú ý. Giáo dục gần đây đang trở thành một vùng đất kinh doanh béo bở, với việc người học phải trả tiền trước mà kiến thức khi ra trường chưa có thang giá trị nào đánh giá chuẩn xác được. Lượng khách hàng khổng lồ đổ về giáo dục với nhu cầu vô cùng tận.

Xét về bản chất, người học cũng như một sản phẩm được gia công để hoàn thiện hơn và đưa vào cuộc sống. Nhưng đừng để tiền bạc làm vẩn đục đi hình ảnh tốt đẹp của giáo dục, nơi làm nhiệm vụ trồng người cao quý.

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.