Thí sinh đừng để bị điểm sàn 'đánh lừa'

Hà Ánh
Hà Ánh
03/08/2022 06:03 GMT+7

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH đã hoàn tất việc công bố điểm sàn xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Trên cơ sở đó, thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển đến hết 17 giờ ngày 20.8.

Theo chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH, thí sinh (TS) cần đặc biệt lưu ý về điểm sàn khi đăng ký nguyện vọng.

Các thông tin này được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên chiều qua (2.8), với chủ đề “Biết điểm sàn, chọn phương thức xét tuyển tối ưu”. Chương trình diễn ra ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.

Điểm chuẩn cao hơn điểm sàn mấy điểm ?

Theo thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, hôm qua (2.8) là thời hạn cuối các trường ĐH công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển. Năm nay, điểm sàn phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM dao động từ 16 - 18 điểm. Trong đó, trường có 5 ngành có điểm nhận hồ sơ từ 18 điểm trở lên, TS cần lưu ý để đăng ký cho phù hợp.

Về căn cứ xác định điểm chuẩn, theo thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, mức điểm này được xác định dựa vào chỉ tiêu, phương thức từng ngành, số TS đăng ký và phổ điểm của TS. Năm nay môn sử và văn phổ điểm tăng nhẹ, TS sử dụng điểm thi các môn này để xét tuyển có lợi thế hơn.

Các chuyên gia tham gia chương trình cung cấp thông tin cần thiết để thí sinh lựa chọn đăng ký nguyện vọng xét tuyển

ĐÀO NGỌC THẠCH

Dự báo chung về tình hình điểm chuẩn, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên nhìn nhận: “Thông thường, điểm sàn và điểm chuẩn trúng tuyển hằng năm có sự chênh lệch có thể từ 0 - 5 điểm tùy ngành, tùy trường. TS nên tham khảo điểm sàn năm nay và điểm chuẩn trúng tuyển các năm trước, nếu TS có điểm thi cao hơn điểm sàn 1 - 3 điểm sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn”.

Theo tiến sĩ Đinh Văn Phúc, Trưởng đại diện tuyển sinh Trường ĐH Duy Tân tại TP.HCM, điểm sàn phương thức xét tuyển học bạ của trường dao động từ 18 - 24. Với phương thức thi tốt nghiệp THPT, điểm sàn các ngành từ 14, riêng các ngành đào tạo sức khỏe từ 19 - 22 điểm. Giải đáp câu hỏi của TS liên quan đến ngành y khoa, tiến sĩ Đinh Văn Phúc cho biết trường nhận hồ sơ xét tuyển ngành này từ 22 điểm và TS đạt 22,5 điểm là có cơ hội trúng tuyển.

Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng thông tin trường ĐH này đã công bố điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp THPT theo 2 mức 17 và 18 điểm. “Tuy nhiên đó chỉ là điểm sàn, điểm chuẩn dự kiến có thể nhích hơn chút xíu với nhóm ngành khoa học máy tính. Đặc biệt, TS muốn chinh phục các suất học bổng giá trị của trường cần lưu ý đặt đúng tổ hợp mình có điểm cao nhất”.

Trong khi đó, Trường ĐH Việt Đức đã công bố điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp THPT các ngành theo nhiều mức từ 19 - 23. Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó phòng Đào tạo trường này, cho hay: “Trường xác định điểm sàn dựa trên các yếu tố: phổ điểm các khối thi tốt nghiệp, số hồ sơ TS nộp vào trường 3 năm gần đây. Mức điểm sàn này cũng được xác định rõ giữa các ngành, có sự cách biệt nhất định để TS có sự lựa chọn phù hợp nhất”.

Thầy Võ Ngọc Nhơn, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết trường xét tuyển 59 ngành với điểm sàn 16 - 21. Trong đó, riêng ngành dược nhận hồ sơ từ mức 21 điểm trở lên. TS đã trúng tuyển bằng phương thức sớm nếu xác định học tại trường thì đặt nguyện vọng 1 khi đăng ký trên hệ thống.

Còn thạc sĩ Nguyễn Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, nói: “Trường cũng công bố điểm sàn từ 15 - 18 tùy ngành. Điểm chuẩn của trường không chênh lệch nhiều so với điểm sàn. Năm nay, TS thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT dù xét tuyển bằng phương thức nào”.

Có nên sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ?

Cũng trong chương trình, chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH có nhiều lưu ý về chiến lược đăng ký nguyện vọng xét tuyển, trong đó có lời khuyên về việc có nên tiếp tục sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển.

Ý KIẾN

Ảnh

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Xác định kỹ ngành nghề khi đăng ký nguyện vọng

Về nguyên tắc, không giới hạn số lượng nguyện vọng và số lần đăng ký nhưng chỉ trúng tuyển duy nhất một nguyện vọng. Không chỉ quan tâm đến cơ hội trúng tuyển, trước khi đăng ký, TS còn cần xác định bản thân có phù hợp với ngành nghề đó không. Đồng thời, cần theo dõi điểm chuẩn, môi trường học tập, học phí…

Thạc sĩ Trần Văn Trắng: Chỉ đăng ký thêm khi có lợi

Ảnh

Nếu TS thấy việc xét tuyển bằng điểm thi có lợi ích nhiều hơn thì mới đăng ký, còn không thì giữ nguyên phương thức xét tuyển sớm cho nguyện vọng 1. Trong giai đoạn này, TS hãy mạnh dạn đến trực tiếp trường mình muốn đặt nguyện vọng 1 để tìm hiểu thông tin, có những trải nghiệm để lựa chọn môi trường học tập phù hợp.

Tiến sĩ Đinh Văn Phúc: Cân nhắc sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển

Ảnh

Ngoài nguyện vọng đã trúng tuyển sớm, TS có thể cân nhắc việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển. Nếu điểm thi thực tế cao hơn 5 - 7 điểm so với điểm sàn thì đăng ký thêm nguyện vọng. Nhưng ngược lại, nếu đã trúng tuyển đúng nguyện vọng yêu thích và điểm thi không cao hơn điểm chuẩn các năm trước, TS không nên băn khoăn nhiều.

Tiến sĩ Đinh Văn Phúc phân tích: “Ngoài nguyện vọng đã trúng tuyển sớm, TS có thể cân nhắc việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển. Nếu điểm thi thực tế cao hơn 5 - 7 điểm so với điểm sàn thì tại sao TS không đăng ký thêm nguyện vọng? Nhưng ngược lại, nếu đã trúng tuyển đúng nguyện vọng yêu thích và điểm thi không cao hơn điểm chuẩn các năm trước, TS không nên băn khoăn nhiều”.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho rằng: “Nếu đã trúng tuyển đúng ngành, trường yêu thích bằng phương thức xét tuyển sớm thì chỉ cần lựa đúng ngành đã trúng tuyển cho nguyện vọng 1. TS chỉ tính đến việc đăng ký mới nếu mong muốn một ngành khác, vào trường khác mà điểm thi cao hơn điểm chuẩn năm trước”.

Nếu có kết quả thi tốt nghiệp THPT cao, thí sinh có thể sử dụng để đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học

đậu tiến đạt

Trong trường hợp này, tiến sĩ Vũ Quốc Huy chia sẻ: “Nhiều TS có kết quả thi tốt nghiệp đạt điểm cao và muốn sử dụng kết quả này tiếp tục xét tuyển. TS cần xác định rõ ràng nguyện vọng của mình, trong trường hợp có điểm thi đủ cao thì có thể sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển nhưng nên luôn đưa thêm các nguyện vọng trúng tuyển sớm vào danh sách đăng ký”. Từ thực tế tiếp nhận thông tin tại trường, thạc sĩ Nguyễn Thanh Tâm cũng nói: “Có những TS thấy điểm thi cao và không quan tâm tới ngành mà mình đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm”. Trường hợp này, thạc sĩ Tâm cũng khuyên: “Các em cứ đăng ký nhưng không quên dự phòng bằng cách đưa nguyện vọng mình đã trúng tuyển sớm vào danh sách đăng ký”.

Thầy Võ Ngọc Nhơn nhấn mạnh: “Điểm sàn chỉ là kênh tham khảo, đừng để bị “đánh lừa”. Thực tế có những ngành điểm chuẩn sẽ bằng điểm sàn hoặc cao hơn không nhiều. Nhưng cũng có một số trường tốp trên hoặc những ngành “nóng”, điểm chuẩn có thể cao hơn điểm sàn tới 6 - 7 điểm và TS có thể bị ngã ngửa”. Do vậy, thầy Nhơn khuyến cáo: “Năm nay TS có rất nhiều quyền lựa chọn, cơ hội để quyết định nguyện vọng xét tuyển. TS khi đăng ký nguyện vọng cần sắp xếp khoa học, đăng ký đừng quá nhiều cũng đừng quá ít vì năm ngoái có những TS 27 - 28 điểm vẫn rớt, là do các em đặt nguyện vọng chưa đúng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.