Thí sinh được đặc cách tốt nghiệp sẽ xét tuyển vào ĐH ra sao?

Hà Ánh
Hà Ánh
23/07/2021 08:45 GMT+7

Đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT thay vì tổ chức thi đợt 2 cho học sinh các vùng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, các học sinh không có điểm kỳ thi chung này sẽ tham gia xét tuyển vào ĐH ra sao là việc đang được nhiều người quan tâm.
Theo chuyên gia khảo thí và tuyển sinh của nhiều trường ĐH, nếu có chủ trương chung của Bộ GD-ĐT, vẫn có nhiều cách khác nhau để đảm bảo quyền lợi xét tuyển của thí sinh.

Đề xuất 3 giải pháp

Chỉ còn gần 2 tuần nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ diễn ra với gần 26.000 thí sinh (TS) tham dự. Nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, một vài địa phương đã chủ động đề xuất với Bộ GD-ĐT không tổ chức thi mà triển khai xét đặc cách tốt nghiệp cho những học sinh (HS) đủ điều kiện.
Sở GD-ĐT TP.HCM trình UBND TP.HCM đề xuất với Bộ yêu cầu ĐH quốc gia và các trường ĐH khác triển khai bổ sung kỳ thi đánh giá năng lực, sử dụng đồng thời các phương thức khác để xét tuyển nhóm TS này. Đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ cân nhắc để xem xét đề xuất trên và hỗ trợ trong tuyển sinh ĐH phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo quyền lợi TS.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, đề xuất của UBND TP.HCM xét đặc cách tốt nghiệp cho các TS dự thi đợt 2 là rất hay, phù hợp với tình hình thực tế. Vấn đề còn lại cần bàn là làm sao đảm bảo quyền lợi và công bằng của các TS này trong xét tuyển.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính đề xuất 3 cách thức để TS xét đặc cách tốt nghiệp có thể tham gia xét tuyển trong bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, các trường ĐH cam kết dành một phần chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả học tập THPT riêng với nhóm TS này. Nếu có chủ trương thì các trường cùng thực hiện, vì thực tế có những trường theo đề án tuyển sinh đã kết thúc thời gian nhận hồ sơ xét học bạ hoặc có trường không sử dụng phương thức này để tuyển sinh. Cách thứ hai, TS có thể tham gia xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi tuyển sinh riêng do các trường tổ chức (như thi đánh giá năng lực, kỳ thi năng khiếu…).
Đặc biệt ở cách thứ 3, theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, cần thiết xây dựng một thuật toán để từ điểm các môn trong học bạ THPT tính ra một điểm số tương quan của các môn trong kỳ thi tốt nghiệp của TS không dự thi đợt này. “Mức điểm tương quan này có thể được dùng để xét tốt nghiệp, đồng thời khuyến khích các trường ĐH sử dụng điểm đó để xét tuyển. Điểm số này không thể đúng tuyệt đối nhưng có thể xem là giải pháp gần đúng, có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay”, tiến sĩ Chính nhận định.
Có cùng ý tưởng này, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng các năm trước, Bộ GD-ĐT từng công bố cột điểm đối sánh giữa kết quả học bạ và điểm thi tốt nghiệp của HS từng địa phương. Năm nay, có thể từ chính điểm trong học bạ để quy ra một mức điểm tương đối của TS trong cột điểm thi tốt nghiệp tương ứng.
“Như TP.HCM đợt 1 năm nay đã có gần 86.000 TS dự thi, đạt tỷ lệ trên 96%. Có thể từ điểm đối sánh của 96% TS đã thi này, kết hợp với kết quả đối sánh các năm trước để tính toán ra mức điểm thi tương ứng của 4% TS còn lại. Mức điểm này sẽ có tính chất tương đối nhưng chấp nhận được”, tiến sĩ Hạ phân tích thêm.

Thí sinh kết thúc môn thi ngoại ngữ đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Ngọc Thắng

Trường đại học có đồng ý xét tuyển?

Bên cạnh những đề xuất chung, đại diện các trường ĐH cũng bày tỏ ủng hộ phương án xét đặc cách tốt nghiệp cho HS các vùng dịch. Đồng thời, nếu có chủ trương chung sẽ tạo điều kiện cho TS tham gia xét tuyển.
GS-TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết nếu tình huống này xảy ra, trường sẽ cân nhắc tạo điều kiện tối đa cho HS được tham gia xét tuyển vào trường. Tuy nhiên, hội đồng tuyển sinh của trường sẽ họp bàn để thống nhất căn cứ xét tuyển phù hợp để đảm bảo tốt nhất quyền lợi TS. “Quyền lợi TS ở đây là giữa những em đã dự thi và có đủ điều kiện vào trường trước đó với những em năng lực tốt nhưng không thể dự thi do dịch bệnh”, GS-TS Diệp Tuấn nhấn mạnh.
PGS-TS Võ Tất Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, thông tin trường hiện đã kết thúc thời gian nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2 phương thức xét học bạ kết hợp với bài luận (trong đó xét dựa vào điểm thi, bài luận là điều kiện cần). Ở phương thức thi tốt nghiệp, trường vẫn đang chờ TS dự thi đợt 2 để xét tuyển theo quy định chung. Tuy nhiên, theo hiệu trưởng này, nếu có tình huống TS đăng ký xét tuyển vào trường được đặc cách tốt nghiệp, trường sẽ có phương án phù hợp để xét tuyển các TS này.
Đồng quan điểm này, thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cũng cho biết nếu Bộ có quy định với các trường về việc xét tuyển TS đặc cách, trường sẽ có những phương án phù hợp. Theo quan điểm cá nhân, ông Khang nói: “Phương án dễ nhất có thể là thêm đợt xét bổ sung dành riêng cho HS được đặc cách dựa vào học bạ. Chẳng hạn theo đề án tuyển sinh, Trường ĐH Cần Thơ đã kết thúc xét tuyển học bạ trong năm nay. Nhưng nếu tình huống trên xảy ra, trường có thể sẽ bổ sung một đợt riêng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.