Thí sinh Đường lên đỉnh Olympia có phải là 'gà chọi'?

21/03/2023 10:41 GMT+7

Có ý kiến châm biếm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là "đường lên đỉnh Australia". Và trong đó, các thí sinh như các chiến binh gà chọi được huấn luyện, nhồi nhét ngày đêm với đủ thứ kiến thức hầm bà lằng để tranh giành suất học bổng vài chục nghìn USD và cái danh hão là "nhà vô địch"

Mới đây, một thành viên trên mạng xã hội Facebook có tên T.Q.Đ. (với hơn 11.000 người theo dõi) đã viết bài với nội dung châm biếm về cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Trong bài viết, T.Q.Đ. cho rằng đây là "cuộc thi đường lên đỉnh Australia", các chiến binh gà chọi được huấn luyện, nhồi nhét ngày đêm với đủ thứ kiến thức hầm bà lằng để tranh giành suất học bổng vài chục nghìn USD và cái danh hão là "nhà vô địch". Sau khi lên đỉnh thì họ Tây du và thực tế đến nay cũng chẳng thấy ai đạt được đỉnh cao gì trong khoa học. Bởi các chiến binh này thông minh, trí nhớ tốt chứ chưa phải là tài năng xuất chúng, họ thành công trong một cuộc thi có tính chất học thuộc lòng...".

Bài viết này đã tạo "bão" trên Facebook, thu hút vô số ý kiến, bình luận. Và lập tức, những người trong cuộc, tức những thí sinh đã từng tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã phản bác với nhiều lập luận.

Thí sinh Đường lên đỉnh Olympia có phải là 'gà chọi'? - Ảnh 1.

Hà Việt Hoàng

FBNV

Vô căn cứ và quá nặng cảm tính

Theo Hà Việt Hoàng, người từng để lại ấn tượng mạnh trong chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam 2019, là 1 một trong 6 "Siêu trí tuệ" đại diện cho Việt Nam thi đấu vòng giao hữu quốc tế với các "Siêu trí tuệ" thế giới, cũng là Á quân Đường lên đỉnh Olympia 2017 khẳng định tất cả những quan điểm của T.Q.Đ. đưa ra về chương trình Đường lên đỉnh Olympia là hoàn toàn vô căn cứ và quá nặng cảm tính.

Hoàng đã trích dẫn những quan điểm sai sự thực của T.Q.Đ. Cụ thể, theo Hoàng: "các chiến binh gà chọi được huấn luyện, nhồi nhét ngày đêm với đủ thứ kiến thức hầm bà lằng... là không đúng. Có lẽ T.Q.Đ được nghe về một vài trường hợp cá biệt và cho rằng đó là bản chất của cuộc thi chăng? Ở tư cách của một cựu thí sinh, tôi xin phép khẳng định rằng không có bất kì ai bắt ép thí sinh chúng tôi phải trở thành những con "gà chọi", phải nhồi nhét ngày đêm như anh đấy nói. Chúng tôi là những người trẻ có hoài bão và mục đích, chúng tôi muốn được trở thành một phần của Đường lên đỉnh Olympia để hiện thực hóa mong muốn của bản thân. Cảm phiền anh ấy đừng biến một cuộc thi truyền hình của tuổi học trò trở thành một sới chọi gà đậm mùi tiền bạc, máu me và bụi bẩn như thế".

Với ý kiến cho rằng "sau khi lên đỉnh thì họ Tây du và thực tế đến nay cũng chẳng thấy ai đạt được đỉnh cao gì trong khoa học", Hoàng phản bác: "Đỉnh cao khoa học mà anh ấy nhắc đến ở đây là gì? Nếu như ý của anh ấy là một công trình nghiên cứu đỉnh cao mang tầm cỡ thế giới, thì chưa bàn đến Đường lên đỉnh Olympia, ở Việt Nam hiện nay liệu được mấy người, và việc sử dụng những công trình tầm cỡ đến vậy như một tiêu chí đánh giá liệu có phải là phù hợp? Còn về thành tích nghiên cứu nói chung, nếu sử dụng thời gian để tìm hiểu thêm về các Quán quân Đường lên đỉnh Olympia và thành tích của họ ở bậc đại học, cao học, chắc sẽ có thêm những kiến thức mới, thay vì biên ra một câu nói nực cười như vậy".

"Hơn nữa, còn phải tính đến việc thực sự định hướng của các Quán quân Đường lên đỉnh Olympia có phải là làm những điều đao to búa lớn? Vì dù lớn, dù nhỏ, đóng góp thì vẫn là đóng góp, ở bất kỳ một khía cạnh, một lĩnh vực nào, họ vẫn đang tạo ra giá trị cho cuộc sống, và quan trọng là họ không sử dụng thời gian vàng bạc của mình để lên bài phê phán vô căn cứ", Hoàng nói thêm.

Còn ý kiến của T.Q.Đ. nói các thí sinh Đường lên đỉnh Olympia rằng: "Họ thành công trong một cuộc thi có tính chất học thuộc lòng", Hoàng đã phản bác: "Xin hỏi anh ấy có dẫn chứng cụ thể nào về cái gọi là "tính chất học thuộc lòng" của Đường lên đỉnh Olympia hay không?".

Theo Hoàng: "Suy cho cùng, có một điều mà mình muốn tất cả mọi người phải làm rõ quan điểm: Đường lên đỉnh Olympia là một trò chơi truyền hình, không hơn không kém. Những thí sinh Đường lên đỉnh Olympia không phải và không nên được đánh đồng với các bạn học sinh tham dự các kỳ thi học sinh giỏi, vì tính chất cũng như quy mô kiến thức của hai cuộc thi là hoàn toàn khác nhau. Bản thân các thí sinh Đường lên đỉnh Olympia cũng không nên quá đề cao cái danh hiệu trên trường quay của mình để quên mất mình là ai. Ngược lại, các khán giả cũng hãy là những người xem thông minh, để hiểu rằng các thí sinh Đường lên đỉnh Olympia cũng chỉ là những học sinh bình thường như bao bạn khác, với đam mê, với khát khao được bước đến một sân khấu mà họ hằng mơ ước".

Thí sinh Đường lên đỉnh Olympia có phải là 'gà chọi'? - Ảnh 2.

Nguyễn Thiện Hải An

FBNV

Suy diễn phiến diện và võ đoán

Nguyễn Thiện Hải An, Á quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21, cũng lên tiếng sau những chỉ trích của T.Q.Đ. An cho rằng: "Anh T.Q.Đ. không đủ hiểu biết về Đường lên đỉnh Olympia, vì vậy xin đừng phát biểu những suy diễn phiến diện và võ đoán của mình về thí sinh của cuộc thi này".

An nói thêm: "Thứ nhất, khẳng định cho rằng thí sinh Đường lên đỉnh Olympia được "huấn luyện, nhồi nhét ngày đêm" là một khẳng định vô căn cứ. Anh T.Q.Đ. đã phỏng vấn được bao nhiêu người, hay chỉ nhìn thấy một trường hợp đơn lẻ không có tính đại diện? Thứ hai, anh T.Q.Đ. có ý gì khi gọi những học sinh tham gia cuộc thi là những con "gà chọi"? Là chúng tôi không đủ năng lực hành vi dân sự để đưa ra quyết định cho cuộc đời của mình, hay là chúng tôi chỉ là những con tốt được cử đi thi cho đẹp mặt mái trường và tỉnh nhà? Anh T.Q.Đ. dường như đã quên rằng đằng sau mỗi gương mặt thí sinh trên sóng là một con người, một con người bằng xương bằng thịt với những ý chí, đam mê, tài năng và quá khứ riêng nên anh T.Q.Đ. mới chỉ nhìn thấy những thuyết âm mưu và những lò luyện thi".

Cũng theo Á quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21, T.Q.Đ. đã có những diễn ngôn khinh thường người trẻ.

An cũng thắc mắc: "Không rõ anh T.Q.Đ. có ý gì khi bỉ bôi rằng các nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia từ khi đi du học đến nay đều chưa có thành tựu nào đáng kể về khoa học công nghệ? Đưa người sang Australia để đào tạo thành nhà khoa học không phải mục đích lớn nhất của chương trình, và sẽ thật là ngớ ngẩn và ngây thơ nếu như cho rằng một năm nước Việt Nam chỉ có một người tài được sang Australia để phục vụ con đường này. Mỗi thí sinh Olympia là một con người, và là con người thì có quyền được tự quyết định cuộc đời của mình, có quyền được làm nhà khoa học, kĩ sư, doanh nhân, nhà giáo, nghệ sĩ, hay hàng tỉ nghề nghiệp khác mà anh T.Q.Đ. không có quyền đòi hỏi".

Câu chuyện này hiện vẫn tiếp tục thu hút những ý kiến từ dân mạng, đặc biệt là những thí sinh từng tham gia Đường lên đỉnh Olympia.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.