Từ trúng thành trượt
Tối 15.7 sau khi xem thông tin về điểm chuẩn của Trường ĐH Văn Lang, thí sinh Nguyễn Thu Mai (cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) hoảng hốt vì không thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển ngành thiết kế mỹ thuật số, mặc dù Mai đã trúng tuyển có điều kiện ngành này bằng phương thức xét tuyển học bạ trước đó, đồng thời Mai cũng đã đăng ký ngành này làm nguyện vọng 1 ở hệ thống của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển ĐH |
t.b.d |
Mai kể lại: "Khi thấy mình không có tên trong danh sách trúng tuyển, em lập tức vào hệ thống kiểm tra lại thì phát hiện ra mình đã đăng ký nhầm mã ngành. Em nhớ lúc đăng ký xong và gửi đi, hệ thống thông báo là đã hoàn tất nên em không hề biết mình nhầm lẫn. Thực sự trong đầu em vẫn cứ nghĩ nếu mình đã trúng tuyển ngành thiết kế mỹ thuật số và tên đã có trong danh sách trúng tuyển thì nếu có bấm nhầm ngành khác, hệ thống sẽ báo lỗi, ai ngờ...".
Thu Mai có năng khiếu hội họa từ nhỏ, vẽ rất đẹp nên quyết tâm luyện vẽ để thi vào ngành thiết kế mỹ thuật số. Điểm năng khiếu của Mai rất cao, đạt 8,75, điểm học bạ cũng gần 9.0 nên Mai trúng tuyển có điều kiện vào ngành này.
"Vì đây là ngành em yêu thích nên em đã lên hệ thống xét tuyển để đăng ký ngành này làm nguyện vọng 1 đúng theo quy chế. Giờ hệ thống đã không thể thay đổi, từ trúng thành trượt, em rất buồn, đúng ra em phải cẩn trọng kiểm tra sớm", Mai nói.
Tương tự như Thu Mai, thí sinh Trương Thành Phát (Bảo Lộc, Lâm Đồng) cũng đau khổ từ trúng thành trượt vì nhầm lẫn mã ngành. Thành Phát cho biết: "Em đã trúng tuyển có điều kiện vào ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Đà Lạt và lên hệ thống đăng ký ngành này làm nguyện vọng 1 nhưng hiện nay em cũng không thấy tên trong danh sách trúng tuyển. Khi gọi điện hỏi trường thì em được biết em đã nhầm mã ngành và giờ thì không thể thay đổi được nữa".
Mất cơ hội trúng tuyển
Trao đổi về vấn đề mà không ít thí sinh mắc phải này, tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết: "Nếu muốn xác nhận mình vẫn học ngành mà trước đó thí sinh đã nằm trong danh sách trúng tuyển có điều kiện, thì thí sinh phải lên hệ thống của bộ đăng ký đúng mã ngành, mã tổ hợp, mã phương thức của ngành học đó ở nguyện vọng 1. Tuy nhiên, khi thí sinh ghi sai mã ngành, thì không khác gì với việc các em thay đổi nguyện vọng. Lúc này, hệ thống sẽ đưa danh sách những thí sinh này về trường để trường tiến hành lọc ảo và xét vào ngành mà các em đã đăng ký trên hệ thống, và nghiễm nhiên tên các em bị loại khỏi danh sách trúng tuyển trước đó".
Theo tiến sĩ Tuấn, khi lọc ảo, nếu ngành học đó còn chỉ tiêu và điểm của thí sinh đạt mức điểm chuẩn thì sẽ trúng tuyển, nhưng nếu điểm thấp hơn thì các em coi như trượt.
"Trong trường hợp này, việc nhầm mã ngành không chỉ khiến các em mất đi cơ hội đậu ở ngành mà các em đã trúng tuyển có điều kiện trước đó, mà còn trượt luôn ở ngành mà các em đã đăng ký nhầm", tiến sĩ Tuấn cho hay.
Đây là năm đầu tiên triển khai đăng ký xét tuyển trực tuyến, các em còn nhiều bỡ ngỡ, trong khi việc truyền thông khó mà cặn kẽ đến từng em. Vì thế, các trường nên tận dụng quyền tự chủ của mình để tạo điều kiện tối đa cho các em, đừng để các em bị mất cơ hội do một số nhầm lẫn, sai sót trong quá trình thao tác trên hệ thống
Có việc thí sinh đã trúng tuyển sớm nhưng không đăng ký trên hệ thống, vì một lý do nào đó. Nếu như điều này xảy ra do các em có sự sai sót, nếu không thể đưa vào danh sách lọc ảo bây giờ, thì các trường cũng nên xem xét xử lý cho từng trường hợp sau khi xét tuyển đợt 1 xong.
(Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm học, bàn phương hướng nhiệm vụ năm học mới chiều 12.9)
Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cũng thông tin thời gian qua rất nhiều thí sinh đăng ký nhầm các mã. "Tuy nhiên theo chỉ đạo của bộ thì chỉ trường hợp đăng ký nhầm mã phương thức hoặc mã tổ hợp môn thì các trường mới xử lý và đưa lên hệ thống lọc ảo chung của bộ. Còn đăng ký nhầm mã ngành thì coi như đã đăng ký nguyện vọng mới và được xét bình thường, nên không thể xử lý theo hướng cho thí sinh quay lại ngành đã trúng tuyển trước đó. Lý do vì nhầm mã phương thức xét tuyển hay mã tổ hợp thì phát hiện được, chứ nhầm mã ngành thì các trường không thể biết được đó là do thí sinh nhầm hay là do thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng", tiến sĩ Duy nhìn nhận.
Tiến sĩ Phạm Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng khẳng định bộ cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian rất dài, sau đó còn gia hạn thêm, vì thế các trường hợp nhầm lẫn khiến trúng tuyển thành trượt là thực sự đáng tiếc.
"Việc nhầm mã ngành các trường sẽ coi như đó là thí sinh thay đổi nguyện vọng. Đến thời điểm này, đợt xét tuyển đầu tiên đã kết thúc, điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển cũng đã được xác định. Khi thí sinh không may mất tên trong danh sách trúng tuyển do ghi sai mã ngành, thì các em xem nếu mình trúng tuyển ở nguyện vọng tiếp theo thì vẫn có cơ hội học ĐH. Còn nếu thí sinh không đăng ký nguyện vọng 2 hoặc đăng ký mà không trúng tuyển, thì có thể đợt xét tuyển ở đợt bổ sung", tiến sĩ Thanh đưa ra lời khuyên.
Cần hết sức cẩn thận
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, đây là tình huống xảy ra với không ít thí sinh trong nhiều năm qua.
"Qua đây, thí sinh những năm sau cần rút ra bài học kinh nghiệm là khi đăng ký xét tuyển cần hết sức cẩn thận, kiểm tra, rà soát lại nhiều lần. "Vì chỉ cần nhầm một chữ số là các em cũng mất đi cơ hội được nằm trong danh sách trúng tuyển. Bên cạnh đó, luôn luôn phải có phương án dự phòng, không nên chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất", thạc sĩ Vũ chia sẻ.
Bình luận (0)