Sáng 9.7, Trường ĐH Sài Gòn tổ chức thi năng khiếu vào ngành giáo dục mầm non với hai môn thi là kể chuyện-đọc diễn cảm và hát. Có mặt ở điểm thi từ tờ mờ sáng, thí sinh Lê Trần Thu Huyền, học sinh Trung tâm GDNN-GDTX huyện Củ Chi (TP.HCM), chia sẻ ngành giáo dục mầm non chính là nguyện vọng 1 của em, thế nên nữ sinh đã dồn rất nhiều tâm huyết cho bài thi năng khiếu hôm nay.
"Để chuẩn bị cho bài thi kể chuyện, em thức ngày thức đêm 3 ngày liền để thiết kế, lắp ghép nên đạo cụ vòng xoay khung hình này, với mỗi khung hình là một diễn biến trong câu chuyện. Em đã mua nhiều miếng formex về rồi cắt ra và dán lại với nhau, sau đó tự tô vẽ hình ảnh minh họa ở trên. Em thi vào ngành một phần cũng vì rất thích làm những đạo cụ thế này bên cạnh thích chơi với các bạn trẻ con", Huyền chia sẻ.
Nữ sinh nói thêm, câu chuyện em định kể tên "Thỏ ngoan". "Bác gấu đang đi giữa rừng thì trời đổ mưa ào ào, bác đến nhà cáo thì cáo không cho bác vô nhà. Bác gấu buồn quá, nhưng khi đi đến nhà thỏ thì lại được thỏ tiếp đón nồng nhiệt, đốt lửa cho bác gấu sưởi... Thông điệp em muốn truyền tải cho các bé chính là hãy luôn giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình dù chuyện lớn hay nhỏ, chứ đừng bỏ mặc nhau", Huyền bộc bạch.
Theo Trường ĐH Sài Gòn, để xét tuyển vào ngành giáo dục mầm non, thí sinh cần tham gia 2 môn thi năng khiếu. Môn đầu tiên là kể chuyện-đọc diễn cảm, yêu cầu thí sinh tự chọn một truyện để kể với nội dung giáo dục thiếu nhi, đọc diễn cảm một tác phẩm văn học có trong đề thi; và trả lời câu hỏi về kiến thức xã hội và hiểu biết về nghề giáo viên mầm non. Môn thứ 2 là hát, yêu cầu thí sinh hát và kết hợp động tác múa minh họa.
Phan Thị Bảo Như, học sinh Trường TH-THCS-THPT Tre Việt (TP.HCM), chia sẻ em đã dành nhiều ngày lên ý tưởng và thực hiện một chiếc tivi làm bằng bìa carton đựng những bức tranh do em tự vẽ về câu chuyện "Ba chú heo con". Còn với phần thi hát, nữ sinh chọn thể hiện một bài ca thiếu nhi ý nghĩa mang tên "Mẹ ơi có biết". "Trước đó em cũng có đi học năng khiếu ở trường trong 3 tuần để trau dồi thêm", Như cho hay.
Bắt chuyến xe xuyên đêm để di chuyển hơn 350km từ Đắk Lắk đến TP.HCM vào rạng sáng nay, Nguyễn Thị Thùy Trang, học sinh Trường THPT Ea Súp (Đắk Lắk), chia sẻ em "hơi lo" trước phần thi năng khiếu. "Em đã học thuộc truyện và bài hát, cũng như tập múa nữa. Lý do em chọn ngành giáo dục mầm non là vì ban đầu em thích trẻ em và càng tìm hiểu thì càng thấy đam mê công việc đồng hành với các bạn nhỏ", Trang kể.
Trịnh Ngọc Minh Châu, học sinh Trường THPT Dương Văn Dương (TP.HCM), nhận xét giáo dục mầm non là công việc sư phạm đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài của trẻ em, và đó cũng là điều thu hút nữ sinh bên cạnh việc yêu thích trẻ em. Cùng chung niềm yêu thích làm việc với trẻ, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, học sinh Trường THPT Vĩnh Kim (Tiền Giang), cho biết em đã tự tập hát, kể chuyện trước khi đi xe đò lên TP.HCM.
Ông Trọng Tấn, phụ huynh học sinh đến từ Q.Tân Bình, TP.HCM, nói dù biết giáo viên mầm non được cho là một ngành nặng nhọc, ông vẫn ủng hộ và động viên con thực hiện ước mơ của mình. "Ở nhà con hay chơi với các em và được các em yêu thích lắm, nên từ đó cũng nuôi đam mê làm việc với trẻ em. Mấy hôm nay, ngày nào con cũng đứng trước gương tập kể với tập múa hát để chuẩn bị tốt cho buổi thi này", ông Tấn kể.
Sau khi kết thúc buổi thi năng khiếu ngành giáo dục mầm non, ngày mai (10.7) thí sinh sẽ tiếp tục dự thi năng khiếu các ngành sư phạm âm nhạc (hát-nhạc cụ; xướng âm-thẩm âm-tiết tấu) và sư phạm mỹ thuật (hình họa; trang trí). Trường ĐH Sài Gòn sẽ công bố điểm thi năng khiếu vào ngày 17.7, trùng với ngày công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024.
Bình luận (0)