Trong ngày thi đầu tiên, phóng viên báo Thanh Niên đã cùng thành viên ban chỉ đạo thi THPT quốc gia thành phố Hà Nội năm 2018 đến một số điểm thi ở các huyện ngoại thành Hà Nội.
Theo ghi nhận của phóng viên, một nhiệm vụ mà năm nay các thư ký, phó điểm trưởng điểm thi là người của các trường đại học, chú tâm là… ký lên tem niêm phong. Ở nhiều nơi, các thầy cô còn phải bận rộn tạo ra… tem niêm phong.
Trong khi đó lượng tem niêm phong phải dùng trong mỗi buổi thi là khá lớn. Chẳng hạn nếu điểm thi có 25 phòng thi, riêng lượng tem niêm phong phải dùng cho các túi đựng bài thi là 75 cái. Chưa kể còn phải dùng tem để niêm phong gói đựng bài thi (gồm nhiều túi bài thi).
Chẳng hạn, tại điểm thi Trường THPT Minh Phú, cô Nguyễn Thị Lan, công tác tại Trường đại học Y Hà Nội, làm thư ký điểm thi, phải cắt những tờ giấy lụa ra thành nhiều ô vuông (mỗi chiều khoảng 5 - 6 cm) để làm tem niêm phong. Trong khi đó, thầy Hà Ngọc Chiều, công tác tại Trường đại học Y Hà Nội, điểm phó điểm thi này, thì viết đầy đủ họ tên lên những ô tem niêm phong mà cô Lan vừa tạo ra.
tin liên quan
Thi THPT quốc gia 2018: Đã có gợi ý giải đề thi môn toánCô Lan cho biết theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, tem niêm phong phải “mỏng dễ rách khi bóc niêm phong”. Cô đã thử dán “tem” này lên một cái túi giả định là túi đựng bài thi, rồi thử bóc ra thì thấy đạt yêu cầu “dễ rách”. Cô Lan nói: “Làm thế này tôi thấy rất thiếu chuyên nghiệp. Giá như có thể mang giấy niêm phong chuyên biệt mà Trường đại học Y Hà Nội vẫn sử dụng lên đây! Nhưng không thể, vì trên giấy đó đã có dòng chữ của trường”.
Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cũng cho biết trong khi đi kiểm tra mấy điểm thi ở huyện Thường Tín (những nơi có cán bộ, giảng viên của trường coi thi), các cán bộ của trường làm phó điểm thi tại những điểm thi đó cũng băn khoăn vì không biết nên dùng giấy gì để làm tem niêm phong.
Cuối cùng, phương án được nhiều điểm thi cùng lựa chọn là dùng giấy ăn. Riêng điểm thi Trường THPT Tự Lập ở huyện Mê Linh, cũng là điểm thi có cán bộ giảng viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội coi thi, thầy điểm trưởng cho biết đã điều người về trung tâm Hà Nội (cách điểm thi gần 40 km) mua giấy chuyên biệt dùng để niêm phong,
Ông Tớp nhận xét: “Đây đúng là loại giấy mà ngay tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội chúng tôi vẫn thường xuyên sử dụng. Trên thị trường có sẵn giấy chuyên biệt dùng để niêm phong, thậm chí còn có loại giấy mà trên đó còn in chìm dòng chữ niêm phong, nên rất dễ nhận biết”.
Theo ông Ngô Đắc Năm, Hiệu trưởng Trường THPT Liên Hà (Đông Anh), làm trưởng điểm thi điểm Trường THPT Yên Lãng (Mê Linh), nhận xét từ trước đến nay các điểm thi vẫn dùng tem niêm phong, nhưng dùng giấy như thế nào sẽ do các điểm thi tự lựa chọn. Tuy nhiên, lãnh đạo hội đồng thi cũng chưa bao giờ đặt vấn đề giấy niêm phong cần phải như thế nào.
Năm nay có điểm khác biệt là trước kỳ thi vài ngày Bộ GD-ĐT đã gửi công văn cho các Sở GD-ĐT để đề nghị các hội đồng thi lưu ý việc thực hiện đúng yêu cầu về việc niêm phong. Trong đó nêu yêu cầu cụ thể tem niêm phong phải là loại giấy mỏng dễ rách khi bóc niêm phong (không sử dụng băng dính giấy để niêm phong), dán đủ tem niêm phong vào chính giữa các mép dán của túi đựng bài thi.
Ông Năm cho rằng các tiêu chí “mỏng”, “dễ rách” là rất chung chung, nên sẽ làm khó cho điểm thi nếu để họ phải tự chọn chất liệu giấy. Ông Năm đề xuất: “Theo tôi, lẽ ra Bộ GD-ĐT, hoặc chí ít là Sở GD-ĐT, nên trang bị đồng loạt giấy niêm phong cho các điểm thi.
Bình luận (0)