Thi THPT quốc gia 2019: Đề văn yêu cầu thí sinh bàn về ý chí khát vọng

25/06/2019 09:35 GMT+7

Sáng nay 25.6, sau khi kết thúc 2/3 thời gian làm bài môn văn, nhiều thí sinh cho biết đề văn năm nay phần đọc hiểu và nghị luận xã hội đi theo một chủ đề xuyên suốt là nói về ý chí khát vọng sống.

Thí sinh Đặng Trúc Lan, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1): Đề ngữ văn dễ hơn so với đề năm trước. Phần đọc hiểu gồm 4 câu và hỏi về thể thơ, đoạn trích và cảm nhận. Phần NLXH yêu cầu thí sinh thể hiển suy nghĩ về sức mạnh ý chí của con người.
Thí sinh Huỳnh Cao Tường Lam, học Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) cho biết đề thi văn năm nay phần đọc hiểu và NLXH đi theo 1 chủ đề xuyên suốt là nói về ý chí khát vọng sống.
Bích Thanh (ghi)
* Minh Trí, học sinh Trường THPT Vĩnh Lộc, Bình Chánh, cho biết câu nghị luận văn học về tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? không khó.
"Câu đọc hiểu văn bản số 1 thách thức hơn cả. Em không biết rõ hoàn cảnh sáng tác nên chỉ làm bừa" Hương Thảo, học sinh Trường THPT Vĩnh Lộc, Bình Chánh, nói. 
Gia Ny, học Trường THPT Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, cho biết câu nghị luận xã hội bàn về ý chí con người trong cuộc sống không khó. Câu cảm nhận về hình tượng dòng sông Hương trong tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa tầm, em đã từng ôn những chủ đề giống như vậy nên không thấy hoang mang.
"Câu số 1 về bài thơ Trước biển của Vũ Quần Phương là khó hơn. Vì em chưa đọc bài thơ này trước đó, cũng không nắm rõ hoàn cảnh sáng tác như thế nào nên khi viết về ý nghĩa của giọt mồ hôi... trong câu thơ nó khá mơ hồ, em không chắc chắn lắm", Gia Ny nói.
Trong khi đó, Trọng Vinh, học Trường THPT Vĩnh Lộc B thì cho hay em "toát mồ hôi" với đề thi văn năm nay. "Câu 1 về bài thơ của Vũ Quần Phương và câu nghị luận văn học Ai đã đặt tên cho dòng sông? đều không phải là thế mạnh của em...", Vinh nói.
Thúy Hằng (ghi)
* Nhiều thí sinh tại hội đồng thi THCS Phan bội Chậu, quận Tân Phú, TP.HCM vui mừng và cho rằng đề văn dễ thở
Những thí sinh ra khỏi phòng thi đầu tiên tại điểm thi THCS Đồng Khởi MỸ QUYÊN
Thí sinh Hoàng Ngọc Mai, Trường THPT Tân Bình, cho biết năm nay đề thi văn không quá khó khi toàn bộ các câu đều đưa ra dẫn chứng, thí sinh chỉ cần phân tích thêm, đồng thời vận dụng kiến thức đã học, trải nghiệm của bản thân để làm bài.  “Câu nghị luận xã hội cũng lấy luôn ý từ trong phần đọc hiểu để triển khai. Em thấy đề năm nay học sinh trung bình cũng có thể làm bài để lấy điểm 5-6. Nhưng chỉ học sinh giỏi văn mới có thể làm hay được”, Mai nhận xét.
Thí sinh vui vẻ sau khi kết thúc môn văn MỸ QUYÊN
Thí sinh Trần Mạnh Tuấn, Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Phú, là một trong những người ra đầu tiên với tâm trạng hết sức vui vẻ.
Tuấn chia sẻ: “Đề đưa ra dữ liệu để học sinh vận dụng thực tế nên em làm được. Thậm chí câu 1 ở phần đọc hiểu khá dễ khi hỏi thí sinh đoạn thơ trên thuộc thể thơ nào. Những kiến thức trong đề tụi em đều đã được ôn tập kỹ. Em làm được 4 trang, dù không quá xuất sắc nhưng chắc cũng đạt điểm trên trung bình”.
Mỹ Quyên (ghi)
* Là thí sinh đầu tiên bước ra khỏi điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM), Kim Thoa (học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, TP.HCM) cho rằng đề thi không khó nhưng khá an toàn. Phần NLVH đúng như dự đoán, nếu có học bài trên lớp sẽ làm được.
Riêng phần NLXH hỏi về ý chí con người, theo Kim Thoa, không phải nội dung mới vì đã được đề cập nhiều trong các kỳ thi trước. “Trong bài viết 200 chữ nói về ý chí này, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là một tấm gương nghị lực mà em hướng tới”, Kim Thoa cho hay.
Các thí sinh theo ban khoa học tự nhiên cũng nhận xét đề thi văn không “đánh đố”. Ngọc Nhi, có mặt tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) cho biết đã “trúng tủ” vì các nội dung đề nêu ra đều đã ôn tập. Đặc biệt là phần NLXH, câu 5 điểm về tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? đã được ôn kỹ.
Hà Ánh (ghi)
* Là một trong số những thí sinh đầu tiên bước ra khỏi trường thi, Bùi Lê Thanh Phương (học Trường THPT Hoàng Hoa Thám) chia sẻ: “Em thấy đề thi văn không quá khó, không quá dễ. Do ở trường tụi em cũng có ôn thi rồi nên em làm bài được”.
Theo em Dương Văn Tuấn, học sinh Trường THPT Thanh Đa thì: “Đề thi văn năm nay vừa phải. Trong đề thi cũng có sẵn các dữ liệu để làm bài nên không cần nhớ kiến thức nhiều”.
Em Phan Ngọc Bảo Trân, học Trường THPT Hoàng Hoa Thám nhận xét: “Em thấy đề thi năm nay khá dễ. Phần NLVH thì gần gũi với cuộc sống nên dễ làm. Tính ra em trúng tủ nên làm rất nhanh. Phần bài đọc hiểu em cũng làm được”.
Chị Lê Thị Phương, ngụ đường Võ Duy Ninh (Bình Thạnh) có con học Trường THPT Gia Định chia sẻ: “Hôm nay thấy con đi về tươi tỉnh, bảo làm bài được, tôi cũng an lòng”.
Nguyên Trang (ghi)
* Theo ghi nhận của chúng tôi, dù chưa kết thúc thời gian làm bài thi môn văn, nhưng nhiều thí sinh tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) đã ra khỏi phòng thi.
Nhiều thí sinh ra về sau khi kết thúc môn thi tại điểm Trường chuyên Nguyễn Bình Khiêm ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Em Trịnh Lê Gia Huy (học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), cho biết đề văn năm nay dễ hơn so với năm ngoái.

“Em học chuyên hóa, với đề văn năm nay em làm được khoảng 60%. Em nghĩ, đối với những bạn thi chuyên văn thì đề văn sẽ không làm khó các bạn ấy được”, Huy nói.

Trong khi đó, em Trần Thục Giang (học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), cũng cho hay đề văn năm nay dễ hơn mọi năm.

“Đề văn năm nay em làm hết 100%. Em nghĩ mình cũng đạt tầm 7-8 điểm”, Giang nhận định.

Mạnh Cường (ghi)
* Kết thúc buổi thi môn văn, nhiều thí sinh dự thi ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) rời khỏi hội đồng thi với tâm trạng vui vẻ, thoải mái. Nhiều thí sinh cho rằng đề thi năm nay tương đối dễ hơn so với mọi năm. Với đề thi này, thí sinh cần phải biết vận dụng kiến thức tổng hợp, thực tiễn để làm bài thi.
“Đề thi như vậy phù hợp với sức học của em. Em đã hoàn thành bài thi trong thời gian cho phép”, thí sinh Nguyễn Ngọc Minh Thư, thi tại Hội đồng thi Trường THPT Trưng Vương (TP.Quy Nhơn) nói.
Kết thúc giờ thi môn Ngữ văn tại Hội đồng thi Trường THPT Trưng Vương (Quy Nhơn) ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Thí sinh Ngô Thành Đức (thi tại Hội đồng thi Trường THPT Trưng Vương) cho rằng đề thi năm nay không có câu nào quá khó. Tuy nhiên, Đức chỉ dự đoán mình sẽ được khoảng từ 6,5 - 8 điểm đối với môn văn.
Hoàng Trọng (ghi)
* Tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) hầu hết các thí sinh đều phấn khởi sau khi thi xong môn văn. Nhóm học sinh lớp 12 chuyên lý Trường THPT chuyên Thăng Long Đà Lạt, tụ họp trước cổng trường trao đổi về bài làm văn.
Em Nguyễn Văn Đạt cho biết: “Đề thi năm nay khá hay, thiên về hiểu nhiều hơn. Phần nghị luận viết về ý chí. Đây là điều cần cho các bạn trẻ, học xong 12 sẽ vào đại học mình cần nhiều ý chí tiếp tục đi trên con đường tương lai”.
Phấn khởi trao đổi đề thi nghi luận Lâm Viên
Em Ngô Trường Thành, học lớp 12 C2, Trường THPT Yersin (Đà Lạt) bày tỏ: “Em rất thích đề thi văn năm nay khi đề cập đến ý chí, nghị lực vì đây là điều sát thực cuộc sống. Em nghĩ mình sẽ đạt từ 6-7 điểm”.
Tương tự, em Cil Eny, học lớp 12 Trường THPT Tà Nung (Đà Lạt) cũng rất phấn khởi vì cảm thấy đề văn dễ hơn năm trước, và có thể đạt từ 6 điểm trở lên. Cil Eny mong ước được học sư phạm Anh hoặc giáo dục tiểu học để làm cô giáo sau này.
Lâm Viên (ghi)

* Tại TP.Đà Nẵng, nhiều thí sinh cảm thấy khá thú vị với đề văn. Đặc biệt ở phần thi đọc hiểu, các thí sinh thoải mái thể hiện cảm nhận của mình về ý chí, khát vọng của con người.

Em Nguyễn Thị Phương Uyên (học Trường THPT Nguyễn Hiền) cho biết nội dung bài thi không làm khó thí sinh, từ  phần ngữ pháp đến nghị luận. “Đa số các bạn làm tốt bài thi. Đặc biệt là phần liên hệ cảm nhận về sức mạnh và ý chí con người trong cuộc sống”, Uyên cho biết.

Thí sinh Đà Nẵng kết thúc môn thi đầu tiên, môn văn ẢNH: AN DY
Riêng với phần cảm nhận về hình tượng sông Hương trong đoạn trích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khiến thí sinh khá “hóc”. “Vì đề văn nằm trong chương trình ngữ văn 12 nên học sinh ôn tập đều sẽ không bất ngờ...", thí sinh Nguyễn Quang Hinh (điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh) cho biết.

Tại điểm thi THPT Phan Châu Trịnh (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), em Nguyễn Gia Huy (học Trường THPT Phan Châu Trinh) cho biết sau 120 phút làm bài Huy thích câu số 1 phần làm văn (2 điểm). Phần này dù chỉ giới hạn 200 chữ nhưng ở đó em có thể thể hiện được quan điểm sống, suy nghĩ và khát vọng vượt qua những sóng gió trong cuộc sống mà ở độ tuổi các em sắp vượt qua...

Sĩ tử quên mang thẻ dự thi THPT quốc gia, phụ huynh tức tốc chạy “có khói” - ảnh 5
Em Nguyễn Gia Huy vui vẻ sau giờ thi môn đầu tiên ẢNH: HUY ĐẠT

“Em hoàn thành bài thi hơn 70%, dù kết quả có tốt hay không thì em cũng đã được viết những suy nghĩ, những hoài bão của bản thân…”, Huy vui vẻ chia sẻ.

An Dy - Huy Đạt (ghi)

* Sáng 25.6, kết thúc môn thi văn, hầu hết thí sinh Thừa Thiên-Huế bày tỏ vui mừng vì đề thi văn có nội dung yêu cầu thí sinh nêu cảm nhận của mình về một trích đoạn hình tượng sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

"Ở Huế, sông Hương là biểu tượng, là niềm tự hào và tình yêu của tất cả người dân. Tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?, thuộc chương trình ngữ văn lớp 12 và em cũng đã đọc tác phẩm này rất nhiều lần, nên em làm bài được. Nhiều bạn của em cũng vậy", Phù Mỹ Uyên Nhi, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, dự thi tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, cho biết. 
Thí sinh tự tin chụp ảnh sau môn thi đầu tiên BNL
Thí sinh Phan Quốc Chung, học sinh Trường THPT Quốc học, cho biết: “Em ước có nhiều thời gian hơn để làm bài, phần đọc hiểu không quá khó. Còn phần làm văn do không kịp thời gian nên em hơi tiếc”.
Hoàng Thùy Dương - Minh Cương (ghi)
* Là thí sinh đầu tiên rời phòng thi, em Trương Thanh Vi, học sinh lớp 12C1 Trường THPT Phú Quốc (H.Phú Quốc, Kiên Giang), cho biết em làm bài khá tốt, làm hết tất cả các câu, tuy nhiên em chỉ tự tin mình đạt trên điểm trung bình.
Còn em Bùi Tấn Quang cho rằng đề thi văn nằm trong nội dung mà em đã được giáo viên ôn tập trước đó nên em rất tự tin với bài làm của mình...
Hoàng Trung (ghi)
* Bước ra khỏi điểm thi sau giờ làm bài môn văn, kỳ thi THPT quốc gia ở Trường THPT Phước Hòa, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương), Nguyễn Thị Hoàng Trinh, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Nguyễn Huệ, nói: “Đề văn khá hay”.
Theo Hoàng Trinh, đề thi này có một số câu tụi em đã được làm trong lần thi thử gần đây do trường tổ chức, chẳng hạn như câu trong phần 2 (làm văn) nói về sông Hương là em đã từng làm qua rồi. Chính vì vậy, khi tiếp xúc với đề thi, em rất tự tin và làm bài rất thoải mái, chẳng có một chút áp lực gì cả.
Thí sinh Nguyễn Thị Hoàng Trinh, sau giờ thi văn Lê Thanh
“Em dự đoán môn văn của mình làm được trên 7 điểm, vì em làm được hết tất cả các câu hỏi trong đề đặt ra. Ngoại trừ câu 3 của phần 1 (đọc hiểu) thì em làm không được hoàn hảo cho lắm, nhưng không sao vì câu này tối đa cũng chỉ có 1 điểm thôi”, Hoàng Trinh, chia sẻ.
Không ra khỏi phòng thi sớm như Hoàng Trinh nhưng Nguyễn Hoàng Minh Phương, học sinh lớp 12A11, Trường THPT Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo), nhận xét: “Với đề văn này tất cả học sinh trung bình đều có thể làm bài đạt từ 5 điểm trở lên. Bởi đề không đánh đố, các câu hỏi khá quen thuộc. Câu 2 của phần làm văn (5 điểm) cũng khá hay và ai cũng có thể diễn đạt được ý, dù ít hay nhiều chứ không xảy ra tình trạng cắn bút ngồi chơi”. Nói về điểm bài thi môn văn của mình, Minh Phương cho biết: “Em đoán mình làm được khoảng 6 điểm”.
Lê Thanh (ghi)
* Thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Kha, Trường THPT Lê Thành Phương (H.Tuy An, Phú Yên), cho biết cấu trúc đề thi ngữ văn vẫn như mọi năm và giống với các đề thi thử mà thầy cô giáo đã cho em làm trong thời gian qua. Em thích nhất là phần nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày về ý chí và nghị lực chinh phục của con người. Với đề thi này, em làm được khoảng 60% nội dung đề bài yêu cầu”.
Theo các thí sinh của Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, đề thi năm nay dễ hơn so với năm trước, đảm bảo được chuẩn kiến thức và kỹ năng, chạm đến những vấn đề mang tính thời sự và có thể phát huy được những trải nghiệm của học sinh. Thí sinh Ksor Hờ Kiều, lớp 12B chia sẻ: Chỉ có câu nghị luận văn học tương đối khó, còn các câu còn lại em làm được ở mức độ trung bình - khá. Với đề này, em làm trên mức trung bình.
Đức Huy (ghi)
*** Nguyễn Thị Thương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) nhận xét đề thi văn năm nay tương đối rõ ràng, vừa sức nhưng vẫn có khả năng phân loại được học sinh.
Phần đọc hiểu đảm bảo những kiến thức và kỹ năng cơ bản. Ở câu 4 có tính mở. Nhưng nếu học sinh không tinh ý và kỹ năng kém sẽ dễ lặp lại ý ở câu nghị luận xã hội.
Nhìn chung đề văn năm nay vừa đảm bảo kiến thức, kỹ năng, vừa phân hóa được năng lực người học.
Bích Thanh (ghi)
* Đề thi môn văn:
 
Đón đọc Gợi ý giải đề thi trên Báo Thanh Niên
Trong các ngày 26, 27, 28.6, mỗi ngày Báo Thanh Niên sẽ gửi tặng các TS 4 trang phụ trương Gợi ý giải đề thi THPT quốc gia 2019 do các giáo viên có nhiều kinh nghiệm thực hiện.
Ngoài ra, trong những số báo này sẽ tăng cường các thông tin liên quan đến tình hình thi khắp nơi, nhận xét, đánh giá về đề thi, tiếp sức mùa thi…
Trong khi đó trên website Thanh Niên tại địa chỉ thanhnien.vn, báo sẽ cập nhật thông tin mới nhất về các vấn đề xung quanh kỳ thi THPT quốc gia 2019.
*Lịch thi THPT quốc gia 2019:
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.