Thi THPT quốc gia: Chiến lược ôn thi từng phần kiến thức tiếng Anh

Bích Thanh
Bích Thanh
09/05/2019 15:12 GMT+7

Để đạt kết quả thi môn tiếng Anh tốt nhất ở kỳ thi THPT quốc gia, việc ôn thi cần có phương pháp, chiến lược cụ thể cho từng phần kiến thức

Theo giáo viên Nguyễn Thanh Khương, Trường Quốc tế Á Châu (TP.HCM), thời gian ôn thi không còn nhiều nên học sinh cần có những phương pháp, chiến lược cụ thể để có sự tự tin về kiến thức tiếng Anh bước vào kỳ thi THPT quốc gia.

Trước hết, với phần ngữ âm, học sinh cần nắm vững các quy tắc nhấn trọng âm, phát âm, một số trường hợp ngoại lệ và áp dụng vào bài tập sao cho thuần thục. Học sinh nên học từ vựng và tra kỹ cách phiên âm, trọng âm của các từ. Để nhớ lâu hơn,  nên đọc liên tiếp từ đó thành tiếng nhiều lần và hơi cường điệu thanh điệu của từ lên một chút. Ngoài ra, cũng có thể chuyển những quy tắc thành những câu nói, câu văn của riêng mình có thể dễ dàng nhớ những quy tắc đó hơn.

Phần đọc hiểu (gồm 2 bài đọc) chiếm khoảng 30% số điểm của toàn bài thi. Đề tài trong các bài đọc hiểu thường liên quan đến lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học... Trong quá trình ôn, học sinh cần chú ý đọc câu hỏi trước để nắm thông tin, tìm từ khóa trong câu hỏi, xác định xem yêu cầu câu hỏi là gì?

Phần đọc- điền từ vào đoạn văn, cần quan tâm đến kiến thức liên quan đến cấu trúc ngữ pháp, nghĩa của từ hoặc loại từ vựng.

Về phần ngữ pháp, học sinh bám sát những cấu trúc trong sách giáo khoa của lớp 10, 11, 12 vì nội dung đề thi bám sát khung chương trình. Cần chú trọng các dạng ngữ pháp đặc biệt, ví dụ như dạng đảo ngữ của câu điều kiện hoặc dạng unless, dạng mix; câu bị động đặc biệt, dạng rút gọn dùng V-ing hoặc V3…

Phần tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa thường là những từ mới, từ khó hoặc thành ngữ. Khi học cần đặt chúng trong một ngữ cảnh cụ thể, có thể đoán nghĩa dựa vào những thông tin mà đề bài cung cấp. Học sinh cần lưu ý rằng phần này đòi hỏi kiến thức từ vựng rộng đi kèm với kỹ năng suy đoán nghĩa của từ trong câu. Do đó, hãy luôn áp dụng kỹ năng suy luận và loại trừ để đưa ra đáp án đúng nhất.

Phần chuyển đổi câu và nối câu nên tập trung vào các chủ đề của câu điều kiện, câu bị động, đảo ngữ, quan hệ đại từ, câu trực tiếp, gián tiếp, hoặc các cấu trúc phổ biến… Và cần nắm chắc những cấu trúc này, sự hài hòa giữa chủ ngữ và động từ, cách dùng thì…

Trong quá trình ôn luyện, cần chú ý trau dồi từ vựng để có vốn từ vựng tốt giúp làm tốt phần đọc hiểu, hoặc điền từ vào đoạn văn, học từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, phrasal verbs, phrases, idioms, word forms…. Bên cạnh đó, học sinh cần dành thời gian để ‘luyện” đề giúp tạo phản xạ tốt nhất khi tiếp cận với đề thi chính thức sắp tới.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.