Việc chọn môn thi trong kỳ thi THPT sắp tới có ý nghĩa quan trọng vì nó cũng quyết định đến việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Do vậy, nếu chọn môn thi không khéo, thí sinh có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển.
Cô Nguyễn Thị Thúy Bích, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A4 Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2, TP.HCM) hướng dẫn học sinh đăng ký môn thi kỳ thi THPT quốc gia - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
“5 môn là đẹp”
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), điều quan trọng nhất thí sinh (TS) cần nắm trong kỳ thi tuyển năm nay là có kết quả thi mới đăng ký xét tuyển nhưng quá trình xét tuyển lại phụ thuộc vào việc đăng ký dự thi và lựa chọn môn thi. Do vậy, nguyên tắc lựa chọn môn thi cần xuất phát từ ngành học yêu thích, xem xét tổ hợp xét tuyển của ngành đó so sánh với năng lực bản thân để lựa chọn cho phù hợp.
Ông Nghĩa đưa ra lời khuyên: “TS dự thi để có kết quả vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ thì chọn thi 5 môn là đẹp nhất vì vừa sức mà vẫn có nhiều cơ hội xét tuyển. Nếu chọn 6 môn có thể nói là hơi nhiều, tuyệt đối không nên chọn thi 7 - 8 môn. Còn với 4 môn, nếu TS muốn tham gia xét tuyển vào các trường theo tổ hợp toán, văn, ngoại ngữ (khối D cũ) sẽ là lựa chọn đơn giản và vừa sức, nhưng muốn tham gia xét tuyển khối A thì chưa đủ”.
Liên quan việc lựa chọn ngành học, thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết mỗi năm trường có khoảng 100 sinh viên bỏ học. “Số sinh viên rơi rụng này không phải vì không thể theo học, mà chủ yếu do chọn không đúng ngành học nên bỏ để thi lại. Do vậy, việc chọn đúng ngành quan trọng đầu tiên trước khi quyết định chọn môn thi nào”, ông Sĩ nhấn mạnh.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM bổ sung: “Bên cạnh việc chọn ngành và tổ hợp môn theo ngành, TS nên thi các môn có thế mạnh nhất có thể tạo được nhiều tổ hợp môn, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn”. Tuy nhiên, tiến sĩ Lý cho rằng TS cần cân nhắc tổ hợp mới vì theo quy định các trường chỉ được phép xét tuyển 25% chỉ tiêu theo tổ hợp mới.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng nếu đã xác định được ngành thi, TS chỉ nên tập trung vào các môn thi chính thuộc tổ hợp xét tuyển có ở nhiều trường hơn là sa đà vào các môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển lạ.
Chú ý môn có nhân hệ số, môn sở trường
Năm 2015, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có thêm nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới bên cạnh các khối thi truyền thống. Theo thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo, điều này sẽ tạo thêm cơ hội cho TS nhưng TS cần lựa chọn sao để thi ít môn nhất nhưng tạo được nhiều tổ hợp nhất, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn.
Cũng theo thạc sĩ Tứ, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có nhiều ngành giống nhau về tổ hợp xét tuyển, như: toán, văn, ngoại ngữ (xét vào các ngành ngoại ngữ); văn, sử, địa, toán, tiếng Anh (ngành khoa học xã hội); toán, lý, hóa, tiếng Anh (ngành khoa học tự nhiên). Đặc biệt, năm nay trường thêm nhiều ngành có môn thi chính nhân hệ số 2. Ở những ngành này, TS nên chọn môn nhân hệ số 2 là môn thế mạnh nhất để cơ hội trúng tuyển cao hơn, bởi nếu tổng điểm 3 môn bằng nhau mà môn hệ số cao hơn thì TS sẽ trúng tuyển trước.
Tương tự, năm nay Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng xác định môn thi chính nhân hệ số 2 ở tất cả các ngành và nhóm ngành. Trong đó, nhóm ngành kinh doanh quản lý môn thi chính là toán, ngành luật kinh tế là văn và ngành ngôn ngữ Anh là tiếng Anh. “Năm nay trường sẽ tính điểm nhân hệ số 2 môn thi chính, điểm chuẩn các ngành sẽ có điều chỉnh ít nhiều do tác động của điểm số môn thi chính này. TS có lợi thế các môn thi chính, cơ hội trúng tuyển chắc chắn cao hơn”, thạc sĩ Trương Tiến Sĩ khuyên.
Còn Trường ĐH Y Dược TP.HCM chỉ xét tuyển tổ hợp toán, hóa, sinh (theo khối B cũ). Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, TS đang học tập tại các trường THPT muốn xét tuyển vào trường cần đăng ký 5 môn tối thiểu gồm: toán, văn, tiếng Anh, hóa và sinh. Trong trường hợp TS đồng điểm nhiều hơn so với chỉ tiêu, trường sẽ xét riêng điểm môn hóa với ngành dược và môn sinh với ngành còn lại.
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, kinh nghiệm các năm trước cho thấy dù cùng ngành nhưng điểm trúng tuyển khối B thường cao hơn khối A từ 2 - 3 điểm, còn khối A, A1 và D1 thường tương đương nhau. TS cũng cần lưu ý điểm chuẩn của ngành khi chọn môn thi.
Cả nước dự kiến có 37 cụm thi do trường ĐH chủ trì Đến ngày 5.3, Bộ GD-ĐT đã hoàn tất làm việc với các địa phương trong cả nước về xây dựng cụm thi dự kiến kỳ thi THPT quốc gia 2015. Từ đề xuất của các địa phương, cụm thi dự kiến do trường ĐH chủ trì sẽ tăng từ 34 lên 37. Trong đó, khu vực tây Nam bộ đề xuất thêm 2 cụm thi (cụm thi Tiền Giang do Trường ĐH Tiền Giang chủ trì dành cho TS tỉnh này và Bến Tre; cụm thi Đồng Tháp do Trường ĐH Đồng Tháp chủ trì dành cho TS tỉnh Đồng Tháp và Long An). Khu vực Tây nguyên đề xuất thêm cụm thi Gia Lai dành cho TS tỉnh này và tỉnh Kon Tum do Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tại Gia Lai chủ trì. Riêng khu vực Tây Bắc kiến nghị TS tỉnh Lai Châu được dự thi tại Trường ĐH Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) để thuận tiện di chuyển thay vì tại Trường ĐH Tây Bắc như dự kiến trước đó. Tại TP.HCM dự kiến sẽ có 7 cụm thi do các trường ĐH chủ trì gồm: Quốc gia, Y Dược, Công nghiệp, Tôn Đức Thắng, Sài Gòn, Sư phạm và Sư phạm kỹ thuật. |
Bình luận (0)