Chiều qua 23.2, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi THPT quốc gia 2016. Trong đó đáng chú ý là những thay đổi về quy định làm tròn điểm thi.
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Điểm thay đổi lớn nhất của dự thảo này so với năm 2015 là quy định mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một cụm thi do các trường ĐH chủ trì (quy chế hiện hành quy định ít nhất 2 tỉnh/thành phố trở lên có một cụm thi này).
Cụm thi cho thí sinh (TS) dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD-ĐT và với trường ĐH, CĐ khác (gọi tắt là cụm thi ĐH). Cụm thi cho TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp do sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH, CĐ (gọi tắt là cụm thi tốt nghiệp).
Bộ bỏ độc quyền công bố điểm thi
Về quản lý và sử dụng dữ liệu thi, quy chế thi 2015 quy định Bộ chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu thi của TS trong kỳ thi, phân phối dữ liệu liên quan cho các sở để xét tốt nghiệp và cho các trường để làm căn cứ tuyển sinh. Dự thảo quy chế mới quy định: Các hội đồng thi công bố kết quả thi sau khi chuyển dữ liệu kết quả thi về Bộ và hoàn thành việc đối chiếu giữa dữ liệu kết quả thi gửi về Bộ với dữ liệu kết quả thi lưu tại hội đồng thi. Bộ chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu thi của TS; các sở sử dụng dữ liệu thi để xét công nhận tốt nghiệp; các trường sử dụng dữ liệu thi để tuyển sinh.
Sau khi duyệt kết quả thi và gửi dữ liệu thi về Bộ, chủ tịch hội đồng thi chỉ đạo ban thư ký hội đồng thi in giấy chứng nhận kết quả thi cho TS có đăng ký xét tuyển sinh ĐH, CĐ (theo mẫu thống nhất do Bộ quy định), ký tên, đóng dấu và gửi cho các sở nơi TS đăng ký dự thi.
Một thay đổi quan trọng khác, nếu quy chế hiện hành quy định mỗi TS được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi thì dự thảo mới sửa thành mỗi TS được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất.
Không quy định thời hạn đăng ký dự thi
Quy chế hiện hành quy định hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi là trước ngày 30.4 hằng năm. Dự thảo mới đã bỏ quy định cứng này, thời gian nộp phiếu đăng ký dự thi được quy định trong văn bản hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ. Trao đổi thêm với phóng viên Thanh Niên, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết Bộ mong muốn đẩy thời gian bắt đầu đăng ký dự thi sớm hơn năm ngoái, có thể bắt đầu từ trung tuần tháng 3 và kết thúc sau đó một tháng. Nếu không được dư luận đồng tình thì có thể vẫn giữ nguyên như năm 2015, bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 1.4 và kết thúc vào ngày 30.4.
Khi hết hạn nộp phiếu đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, TS phải thông báo kịp thời cho hiệu trưởng trường phổ thông hoặc thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc cho hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.
Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị.
Bỏ làm tròn đến 0,25 điểm cho bài thi trắc nghiệm
Việc chấm thi vẫn giữ thang điểm 10 không quy tròn điểm. Về chấm thi trắc nghiệm, quy chế hiện hành quy định: Tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10 (lấy đến 0,25) cho từng bài thi trắc nghiệm. Dự thảo mới sửa đổi như sau: Tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm.
Giải thích thêm với PV Thanh Niên về sửa đổi này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết: “Quy định mới này nhằm tăng độ chính xác và công bằng nhất trong việc sử dụng kết quả thi của TS để xét tốt nghiệp và tuyển sinh. Thực tế năm 2015, các môn thi trắc nghiệm như vật lý, hóa học và sinh học có 50 câu trắc nghiệm, như vậy mỗi câu là 0,2 điểm. Điểm số 0,2 làm tròn lên 0,25; 0,8 làm tròn xuống 0,75, trong khi điểm số 0,4 và 0,6 làm tròn về cùng 0,5. Có ý kiến cho rằng, việc làm tròn như vậy là thiếu nhất quán và gây thiếu công bằng trong xét tuyển. Bộ đã tiếp thu các ý kiến này, do vậy sẽ quy định làm tròn đến hai chữ số thập phân. Thay vì “lấy đến 0,25 điểm” như quy chế 2015, làm tròn đến 2 chữ số thập phân là có thể lấy đến 0,01 điểm. Nghĩa là nếu TS được 4,99 cũng không được cộng tròn thành 5, chỉ trường hợp là 4,995 trở lên thì mới được cộng tròn điểm”.
Quy định về cộng điểm khuyến khích với học sinh có giấy chứng nhận nghề cũng sẽ được bổ sung như sau: Học sinh giáo dục THPT, học viên GDTX trong diện xếp loại hạnh kiểm có giấy chứng nhận nghề do sở GD-ĐT hoặc các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề do ngành giáo dục cấp trong thời gian học THPT hoặc học viên GDTX tham gia học đồng thời chương trình trung cấp kết hợp với chương trình văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong giấy chứng nhận nghề. Cụ thể, loại giỏi cộng 2 điểm; loại khá cộng 1,5 điểm; loại trung bình cộng 1 điểm.
Những lưu ý quan trọng khác
Kỳ thi năm nay vẫn tổ chức thi 8 môn: toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ.
Để xét công nhận tốt nghiệp, TS phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong các môn thi còn lại. Để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ, TS dự thi 4 môn quy định nói trên và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.
Theo quy chế, TS được miễn thi ngoại ngữ là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ. TS được miễn thi môn ngoại ngữ được tính 10 điểm cho môn này để xét công nhận tốt nghiệp.
Ngày thi vẫn như năm 2015 (từ ngày 1 - 4.7), lịch thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi của mỗi môn thi sẽ được quy định trong hướng dẫn riêng của Bộ. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.
|
Bình luận (0)