Sáng 13.11, Hội nghị thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì được tổ chức tại TP.HCM.
Các trường có phương án tuyển sinh riêng bằng xét điểm học bạ cũng không tuyển đủ sinh viên - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Tham dự hội nghị có đại diện hơn 20 trường ĐH lớn từ Đà Nẵng trở vào. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng nên duy trì phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển như năm 2015.
Điểm sàn = điểm xét tốt nghiệp?
Đề xuất gây ra nhiều tranh cãi với các trường là duy trì hay bãi bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) trong năm tới. Bộ đặt vấn đề, nếu bỏ điểm sàn sẽ mở rộng cửa vào ĐH nhưng làm sao để đảm bảo nguồn tuyển cho bậc CĐ và giáo dục nghề nghiệp? Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ thì không nhất thiết phải giữ điểm sàn. Bởi lẽ việc xét tuyển của các trường tốp trên không bị vướng bởi điểm sàn, còn nếu có trường nào chấp nhận mức điểm xét tuyển quá thấp thì chính xã hội sẽ đánh giá theo quy luật đào thải tự nhiên.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng nói điểm sàn với kỳ thi ba chung trước đây là rất cần thiết nhằm không để các trường tuyển mức điểm quá thấp đồng thời có tác dụng phân luồng. Tuy nhiên với cách thi và xét tuyển như hiện nay, nhiều trường xét tuyển thí sinh thông qua học bạ và kết quả học tập THPT thì tự thân việc xét tốt nghiệp THPT đã trở thành ngưỡng điểm sàn. Tiến sĩ Nghĩa nêu ý kiến, thay vì Bộ đặt ra ngưỡng điểm sàn chung thì mỗi trường đặt ra mức sàn cụ thể, thậm chí đến từng ngành. Mức điểm sàn thấp nhất các trường có thể đặt ra chính là ngưỡng điểm xét tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng ít nhất trong vài năm tới vẫn cần có ngưỡng điểm tối thiểu để các trường ĐH và CĐ tuyển sinh thí sinh. Ngưỡng này sẽ là “bức tường rào” để ngăn chặn những rối loạn trong xét tuyển có thể xảy ra ở một số trường. Cũng theo thạc sĩ Sơn, tuy nhiên năm tới các trường cần xác định điểm sàn xét tuyển sát thực hơn cho từng nhóm ngành nghề, tránh việc tạo ra mức sàn ảo khiến thí sinh mất công sức khi xét tuyển.
Đề xuất xem xét giảm mức điểm ưu tiên khu vực và đối tượng xuống còn một nửa so với mức điểm năm 2015 của Bộ cũng được nhiều trường đồng tình. Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, sau nhiều năm trôi qua những cách biệt phát triển các vùng miền đã giảm xuống, vì vậy điểm ưu tiên tuyển sinh cũng chỉ nên được tính theo mức 0,25 thay vì 0,5 như lâu nay.
Coi ngoại ngữ như năng khiếu?
Một trong những nội dung quan trọng được hội nghị đưa ra lấy ý kiến liên quan đến cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, Bộ nêu vấn đề có nên rút ngắn thời gian diễn ra kỳ thi này vào năm tới xuống còn 3 ngày (thay vì 4 ngày như năm 2015). Theo lịch thi dự kiến, các môn toán, văn, ngoại ngữ và vật lý sẽ tổ chức thi mỗi môn một buổi. Bốn môn còn lại sẽ được tổ chức theo từng cặp (gồm 2 cặp sinh - sử và hóa - địa) sẽ thi trong một buổi và bắt đầu cùng giờ. Như vậy, ở ngày thi cuối cùng thí sinh chỉ được chọn lựa dự thi 1 trong 2 môn của từng cặp môn thi trên. Điều này theo nhìn nhận từ phía Bộ, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến những thí sinh có nguyện vọng thi cả 2 môn thi trong cùng một cặp.
Trao đổi bên lề hội nghị, thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng dù chỉ rút ngắn 1 ngày nhưng sẽ giúp giảm bớt nhiều áp lực cho toàn xã hội. Vấn đề nhiều người lo ngại thí sinh bị trùng môn ở ngày cuối, thạc sĩ Sơn cho rằng có thể giải quyết được. Thực tế số thí sinh cùng lúc thi 2 môn trong cùng 1 cặp trên không nhiều, nếu có thì giải quyết thi bằng đề dự trữ vào buổi thi tiếp theo.
Một đề xuất cũng rất đáng lưu ý trong phương án điều chỉnh được nêu ra là nên chăng tiếp tục tổ chức thi một số môn ngoại ngữ không phải là tiếng Anh, hiện có rất ít thí sinh đăng ký dự thi hoặc coi các môn này như môn năng khiếu, để các trường ĐH và CĐ tự tổ chức thi. Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nói, sẽ rất khó cho các trường về đề thi. Hơn nữa, không thể xem các môn ngoại ngữ là môn năng khiếu vì bản thân các môn này không phải môn năng khiếu và xét ở nhiều khía cạnh thì cần có cái nhìn giống nhau giữa tiếng Anh và các ngoại ngữ này.
Theo tiến sĩ Nghĩa, để giải quyết vấn đề này, nên chăng tập trung thí sinh dự thi các môn ngoại ngữ khác vào cùng 1 điểm ở mỗi hội đồng thi để thuận tiện việc tổ chức thi và chấm thi.
Không nên phân biệt đề của 2 cụm thi
Cách thức tổ chức cụm thi cũng được Bộ nêu ra để lấy ý kiến các trường. Cụ thể là nên tổ chức cụm thi liên tỉnh hay mỗi tỉnh, duy trì điểm thi ở huyện cho thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT... Về trách nhiệm tổ chức kỳ thi, Bộ GD-ĐT cũng muốn làm rõ để lấy ý kiến là trách nhiệm thuộc Bộ GD-ĐT hay thuộc sở GD-ĐT, trách nhiệm chủ trì cụm thi nên quy định cho các trường ĐH hay các sở GD-ĐT.
PGS-TS Đỗ Văn Xê đề xuất năm tới nên tiếp tục duy trì 2 loại hình cụm thi (thí sinh chỉ thi xét tốt nghiệp; thí sinh thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ) như năm nay. Trong đó, các cụm thi dành cho thí sinh dự thi với mục đích xét tốt nghiệp vẫn giao cho các sở GD-ĐT tổ chức. Tuy nhiên, tiến sĩ Xê đề nghị không nên có sự phân biệt về đề thi dành cho thí sinh giữa 2 loại cụm thi. Bởi lẽ tất cả thí sinh đều có chung mục đích xét tốt nghiệp, nếu đề thi cụm địa phương dễ hơn sẽ “vênh” chuẩn trong cấp bằng.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cũng đồng ý với quan điểm tránh tạo ra sự xáo trộn cho kỳ thi năm tới, tuy nhiên cũng phải đặt ra vấn đề tính nghiêm túc trong các cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì. Tiến sĩ Nghĩa chỉ ra: năm 2015 có tới 766 thí sinh bị xử lý vi phạm quy chế thi tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì, cao gấp 3 lần số lượng thí sinh bị vi phạm trong 3 đợt thi tuyển sinh năm 2014. Trong khi đó, theo văn bản báo cáo tổng kết của Bộ thì các cụm thi địa phương do sở GD-ĐT chủ trì không nghe nói trường hợp nào bị xử lý vi phạm. Từ đó, theo tiến sĩ Nghĩa, các cụm thi này nếu tổ chức nên chăng giao do UBND tỉnh phối hợp với sở GD-ĐT và trường ĐH cùng tổ chức.
Dự kiến tuần tới hội nghị tương tự sẽ diễn ra tại miền Bắc. Trên cơ sở ý kiến các trường, Bộ mới hoàn thiện phương án thi và xét tuyển cho năm sau.
Xét học bạ vẫn không tuyển được thí sinh
Thống kê từ Bộ GD-ĐT, năm 2015 có khoảng 60 trường trong cả nước có điểm trung bình trúng tuyển từ 21 điểm trở lên với số lượng trúng tuyển thực tế khoảng 100.000 thí sinh. Trong đó có khoảng 40 trường ĐH có điểm trúng tuyển trung bình từ 22,5 điểm trở lên với tổng số thí sinh trúng tuyển là 60.000. Ngược lại, nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu, kể cả những trường có đề án tuyển sinh riêng bằng xét tuyển điểm học bạ THPT.
Trong số 198 trường ĐH và CĐ có đề án tuyển sinh riêng dựa vào kết quả THPT, theo báo cáo của 80 trường ĐH sau 2 đợt xét tuyển, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển thông qua xét học bạ THPT đạt 54% chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển này được các trường tốp dưới lựa chọn, tuy nhiên không có trường nào ở tốp trên chọn phương thức này.
|
Bình luận (0)