Miễn 1 năm, chỉ hưởng lợi 6 tháng
|
|
Ông Nguyễn Thiên Phúc, có nhiều năm hoạt động trong ngành du lịch, chuyên tour inbound (đưa khách vào VN) nhận định, chính sách quan trọng như visa mà công bố quá “sát nút” không chỉ gây rủi ro cho DN mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của khách. Các công ty lữ hành luôn phải xây dựng chương trình tour thường trước cả 6 tháng - 1 năm. Nếu chính sách visa chưa “ngã ngũ” thì họ không dám và không thể hoàn thiện chương trình, mang đi quảng bá. Theo ông Phúc, trong nhiều lần tham dự các hội chợ du lịch tại châu Âu, các đối tác nước ngoài cũng thường xuyên phàn nàn về chính sách miễn thị thực của VN. Họ cho biết du khách thường đăng ký tour trước từ 4 - 5 tháng, trong khi chính sách miễn visa của VN lại chỉ được thông báo trước khoảng 1 tháng khiến DN lúng túng, du khách bị động. “Nhỡ đùng một cái VN ngưng gia hạn visa thì DN sao kịp trở tay? Khách mua tour đến gần ngày đi lại phải cung cấp thủ tục làm visa, đóng phí. Việc này gây tâm lý khó chịu cho khách và sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh du lịch VN. Thông báo đã sát, thời gian gia hạn chỉ kéo dài 1 năm nên thực chất các công ty, du khách chỉ được hưởng lợi khoảng 6 tháng từ chính sách miễn visa”, ông nói.
Chính sách “ngăn sông cấm chợ”
Theo Báo cáo chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong 136 nền du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh, VN xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch, thứ 30 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 37 về nguồn nhân lực du lịch nhưng mức độ cởi mở quốc tế chỉ xếp thứ 73.
Chỉ so sánh với các nước trong khu vực đã thấy, chính sách visa của VN đã luôn bị đánh giá là không có sức cạnh tranh và kém hấp dẫn. Như nói trên, sau nhiều lần “nới nhỏ giọt”, đến nay VN mới chỉ miễn thị thực cho công dân của 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi Philippines đã miễn thị thực cho 165 nước, Malaysia cho 164 nước, Singapore mở cửa cho gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, Thái Lan 61 nước. Đặc biệt, để đạt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, từ đầu tháng 3.2016, Indonesia đã miễn thị thực thêm cho công dân của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ, nâng tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn thị thực lên 169.
Chưa kể, thời hạn tạm trú chủ yếu chỉ áp dụng 15 ngày, ít hơn thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế khi đến VN. Miễn đã ít, các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc diện được miễn thị thực khi vào VN còn bị làm khó bởi quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh VN lần trước ít nhất 30 ngày.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, nhìn nhận VN đang thực hiện chính sách kiểu “ngăn sông cấm chợ”, đi ngược với xu thế và đóng cửa khách du lịch vào VN. Thay vì tạo cho du khách tâm lý luôn “được”, chúng ta đang lập nên những rào cản kỹ thuật khiến khách muốn đến VN phải đối mặt với loạt “bị”. Thực tế hiện nay, các nước ngày càng có nhiều chính sách mở, thông thoáng, khai thác triệt để thị trường VN nhưng định hướng về chính sách của ta lại khắt khe, làm hạn chế khai thác khách từ thị trường ngoại. Ngay cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vốn rất chặt chẽ về chính sách visa, an ninh nhưng một khi đã quyết định đẩy mạnh du lịch, họ ngay lập tức thực hiện nhiều chính sách linh động như miễn visa theo từng đợt, theo từng khu vực, từng nhóm du lịch. “Nhìn lại, cùng xuất phát điểm, du lịch Nhật Bản và VN năm 2011 là ngang nhau nhưng đến 2017, họ đã đón 19 triệu khách trong khi con số 12,9 triệu khách quốc tế đến VN đã được coi là kỳ tích. Ngay cạnh chúng ta, Thái Lan đang đặt mục tiêu năm 2018 sẽ đón 35 triệu du khách, còn lượng khách quốc tế đến VN hiện nay mới chỉ ngang lượng khách đến Thái Lan cách đây hơn chục năm. Khoảng cách ngày càng xa, cũng có nghĩa là du lịch VN đang thụt lùi”, ông Kỳ nói thẳng.
|
Bình luận (0)