Chiều 10.4, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tuyển sinh đầu cấp năm học 2018 - 2019 và dự kiến phương án tuyển sinh năm học 2019-2020. Tại cuộc họp báo, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên Thanh Niên xung quanh những băn khoăn về phương án tuyển sinh này.
Ông Chử Xuân Dũng khẳng định: "Đề án về phương án tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học 2019 -2020 là một đề án hết sức nghiêm túc và trách nhiệm trước nhân dân, trước học sinh của ngành giáo dục Hà Nội. Phương án tuyển sinh lớp 10 hiện hành đã được thực hiện hơn 10 năm nay và là một phương án rất ổn định. Tuy nhiên, đã bộc lộ những hạn chế mà chúng tôi đã đề cập".
Theo ông Dũng, lý do lớn nhất khiến Sở thấy cần thay đổi là mục tiêu mong muốn trang bị cho học sinh những năng lực, kiến thức tốt nhất, toàn diện nhất ngay từ cấp học dưới để chuẩn bị đầu ra ở mỗi cấp học cũng như đầu vào của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. "Chúng tôi mong muốn học sinh Hà Nội có sự đồng đều về kiến thức, học đều, học chắc tất cả các môn", ông Dũng nói.
|
Sở GD-ĐT căn cứ vào đâu để sắp xếp 2 bài thi tổ hợp ( tổ hợp 1: ngoại ngữ, vật lí, lịch sử và giáo dục công dân; tổ hợp 2: ngoại ngữ, địa lí, hóa học và sinh học)?. Có ý kiến thắc mắc tại sao lại không phải là tổ hợp khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên riêng rẽ?
Ông Chử Xuân Dũng: Thi tuyển vào lớp 10 THPT khi học THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản, giáo dục toàn diện bắt buộc tất cả các môn học. Chính vì vậy, bài thi tổ hợp cần cần có sự đan xen cả môn thi thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, cả khoa học tự nhiên bên cạnh môn ngoại ngữ để giúp học sinh nào cũng được đánh giá công bằng khi tham dự kỳ thi này. Tránh có những năm bốc thăm chọn bài thi khoa học tự nhiên thì những học sinh có thế mạnh về môn học khoa học xã hội sẽ bị thiệt thòi, hoặc ngược lại, không có sự cân đối ổn định.
Nhiều ý kiến cho rằng, đến cuối tháng 3 mới công bố bài thi tổ hợp khiến học sinh sẽ phải học để luyện thi tất cả các môn, dẫn tới tình trạng dạy thêm học thêm căng thẳng hơn rất nhiều so với hiện nay? Vậy cách ra đề bài thi tổ hợp cũng như các môn văn, toán sẽ như thế nào để giảm áp lực học thêm quá nhiều môn cho học sinh?
Chúng tôi đã suy nghĩ và tính đến điều này rất nhiều trước khi lựa chọn phương án tuyển sinh. Áp lực dạy thêm, học thêm bắt nguồn từ cách thức thi và định dạng đề thi. Lấy ví dụ, trước đây các trường ĐH tự ra đề thi hay đề thi ra trong bộ đề thi thì luyện thi ĐH rất căng thẳng, học sinh các tỉnh thành đổ dồn về Hà Nội luyện thi. Nhưng khi cách thức thi thay đổi, với các bài thi trắc nghiệm khách quan thì việc luyện thi như trước đã không còn nữa.
Chính vì vậy, chúng tôi sẽ có phương án giảm tải cho học sinh, giảm áp lực dạy thêm học thêm trong chính định hướng ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 từ các năm học 2019-2020 để các nhà trường và thầy cô yên tâm.
Đề thi sẽ chỉ yêu cầu học sinh học từ chăm chỉ những bài học trong chương trình, sách giáo khoa THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9 hiện hành là có thể làm bài tốt mà không cần phải đi học thêm, dạy thêm, giải quyết được hài hòa bài toán mà xã hội lo lắng giữa thi cử và học thêm tràn lan.
Đặc biệt, đề thi sẽ không có phần câu hỏi mang tính “đánh đố” học sinh, đưa ra ma trận với những mức độ, yêu cầu của đề thi phù hợp hơn. Hiện nay, đề thi toán ở các kỳ thi quan trọng đều có một số câu hỏi rất khó để phân hóa học sinh. Nhưng nhiều khi chính chỉ vì 1-2 câu hỏi rất khó ấy lại gây sức ép cho việc phải đi học thêm mới làm được bài, cha mẹ nào cũng muốn con đạt điểm cao nên nhiều khi dồn sức lực, thời gian quá nhiều cho phần kiến thức khó, kiến thức nâng cao ấy trong khi lại chủ quan không học những phần cơ bản.
Chúng tôi sẽ tính toán để đề thi không có những câu hỏi quá khó như vậy, mục tiêu là để giảm áp lực dạy thêm, học thêm đối với người học.
Vậy khi tuyển sinh vào 4 THPT chuyên do Sở GD-ĐT Hà Nội quản lý thì phương án mới sẽ thực hiện ra sao để chọn được học sinh giỏi vào các môn chuyên?
Với 4 trường THPT chuyên của Hà Nội, khi áp dụng phương án tuyển sinh mới thì học sinh vẫn dự thi các môn thi, bài thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập bình thường như là các môn thi điều kiện, đồng thời sẽ dự thi thêm một môn chuyên. Cách thức thi và tính điểm môn chuyên về cơ bản vẫn giữ như quy định hiện hành, không thay đổi. Chúng tôi sẽ có bổ sung làm rõ thêm nội dung này trong hướng dẫn tuyển sinh chi tiết.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc dạy học hiện nay vẫn theo chương trình cũ thì việc thi cử theo cách mới liệu có phù hợp không, thưa ông?
Trong nhiều năm qua, Sở GD-ĐT đã có chỉ đạo các nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, kết hợp hình thức kiểm tra tự luận với trắc nghiệm; việc dạy học tích hợp, liên môn cũng đã được các trường THCS thực hiện hiệu quả, tích cực trong các năm qua
Trong thời gian gần đây nhất, chúng tôi đã tập huấn một cách kỹ lưỡng cho tất cả giáo viên trung học nội dung đó. Quan điểm của chúng tôi là khi thực hiện một thay đổi có tác động lớn tới xã hội thì phải có lộ trình chuẩn bị bài bản, có đánh giá tác động, triển khai ở các nhà trường để thấy nếu thay đổi đó là khả thi, không quá sức thì mới quyết định áp dụng.
Sẽ công bố đề minh họa vào tháng 9 tới
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc Sở GD-ĐT có công bố đề thi minh họa hay không và công bố vào thời điểm nào, ông Phạm Quốc Toản, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: tháng 9 tới, thời điểm bắt đầu vào năm học mới Sở sẽ có đề minh họa bài thi tổ hợp vào lớp 10 THPT để học sinh được biết và làm quen đồng thời tiếp nhận ý kiến góp ý của dư luận để xây dựng đề thi chính thức phù hợp nhất.
|
Bình luận (0)