"Trúng tủ, lệch ngăn" và cả "lệch tủ"
Tại điểm thi tốt nghiệp THPT Trường THPT Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM, ngay sau khi kết thúc môn văn, rất nhiều thí sinh có tâm trạng vui vẻ, phấn khởi và nhẹ nhõm vì đề thi không khó.
Nguyễn Bảo Hân, học sinh Trường THPT Vĩnh Lộc B, cho biết: "Đối với em đề thi này 'trúng tủ' nhưng "lệch ngăn" do em không để ý tới đoạn cuối của tác phẩm Vợ nhặt. Tuy nhiên cả phần đọc hiểu lẫn phần làm văn đều tương đối dễ nên em làm được 6 trang cả hai phần. Em đoán mình được thấp nhất 7,5 điểm".
Trong khi đó, Trần Thành Đạt, học sinh Trường THPT Năng khiếu giáo dục thể thao Bình Chánh, cho rằng mình đã bị lệch tủ khi học sâu phần tác phẩm Vợ chồng A Phủ và Người lái đò sông Đà.
"Tuy nhiên để tương đối dễ. Phần đọc hiểu em làm được nhiều. Phần làm văn tuy không học kỹ tác phẩm Vợ nhặt nhưng cách đặt câu hỏi khiến thí sinh vẫn có thể làm được, không đánh đố hay khó khăn gì", Thành Đạt nhận xét.
Đề thi văn xuất hiện trên mạng xã hội trong giờ thi, Bộ GD-ĐT nói gì
Trần Minh Đức, học sinh Trường THPT Vĩnh Lộc B, nhận định đề thì không có gì bất ngờ, hoàn toàn dễ hiểu và dễ làm, nhưng chính vì thế để làm hay và đạt điểm cao sẽ rất khó.
Không bất ngờ nhưng ấn tượng
Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: "Đề văn không bất ngờ, cấu trúc như đề thi tham khảo mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Ngữ liệu đọc hiểu là văn bản thơ phù hợp với ngữ liệu nghị luận văn học là văn bản truyện (văn xuôi). Các câu hỏi đọc hiểu đúng với các mức tư duy".
Theo thạc sĩ Khôi, tác phẩm Vợ nhặt vốn nằm trong nhóm văn bản có nhiều khả năng xuất hiện trong đề thi.
"Mức độ phân hoá của đề rất tốt, trải đều trên cả 2 phần đọc hiểu và làm văn. Vấn đề nêu ra trong phần nghị luận xã hội khá hay, có ý nghĩa với tất cả mọi người, đặc biệt phù hợp với hoàn cảnh, lứa tuổi của học sinh với tính cách còn ít nhiều bồng bột, khả năng cân bằng cảm xúc chưa cao", thạc sĩ Khôi cho hay.
Trong phần nghị luận văn học, thạc sĩ Khôi cho rằng tuy tác phẩm quen nhưng đoạn trích sử dụng đoạn ngữ liệu được lựa chọn khá bất ngờ và rất tinh tế. Nếu muốn phân tích sâu, kỹ nhằm mục đích đạt kết quả cao, học sinh nên mở rộng liên hệ với các nội dung khác trong truyện thuộc các phần không được trích dẫn.
"Nên đối chiếu so sánh với phần kết đoạn trích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) đã học để nhìn ra sự kết nối tương thích. Bên cạnh đó, các em cần bình tĩnh để nhận ra phần nhận xét ngắn chỉ là một cách diễn đạt khác của giá trị nội dung tác phẩm. Chính những điều này làm tăng độ khó của đề thi so với các năm trước", thạc sĩ Khôi phân tích.
Bình luận (0)