Thi tốt nghiệp THPT: Cách làm bài thi khoa học tự nhiên đạt kết quả cao

Bích Thanh
Bích Thanh
21/06/2022 08:00 GMT+7

Từ cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT đã được định hướng, giáo viên hướng dẫn học sinh vận dụng để làm tốt nhất bài thi khoa học tự nhiên.

Đừng để sai “nhảm”

“Một bài thi tốt nhờ sự chuẩn bị chu toàn. Đầu óc thư giãn nhẹ nhàng, chỉ suy nghĩ hệ thống kiến thức trước kỳ thi 3 ngày”, là chia sẻ của thầy Huỳnh Kiều Viết Lãm, giáo viên vật lý Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1, TP.HCM).

Thầy Lãm động viên học sinh hãy thức dậy sớm, theo múi giờ thi, ngồi vào bàn học đúng thời gian thi trước 10 ngày để tạo cho não một thói quen, khi vào phòng thi các em sẽ mất ít thời gian “khởi động” hơn.

Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong tháng 7 tới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Với riêng đề thi môn vật lý, cấu trúc với 24 câu đầu dễ, từ câu 25 trở đi mức độ khó tăng dần. Vì vậy, thầy Lãm hướng dẫn học sinh cần phân phối thời gian hợp lý. Trong 24 câu đầu chủ yếu lý thuyết hiểu, bài tập vận dụng dễ với thao tác một bước, thí sinh (TS) nên thật tập trung, đọc thật kỹ đề, đáp án. Thầy Lãm cũng lưu ý TS thường nhầm lẫn ở chọn câu “đúng” hay chọn câu “sai”.

“Các em nên nhớ câu dễ hay khó thì cũng 0,25 điểm/câu, vì vậy bỏ sót hay sai “nhảm” ở câu dễ là rất đáng tiếc. TS nên ghi vào nháp những câu phân vân, lưỡng lự để sẽ quay lại sau. Phải chắc chắn rằng câu nào cũng được tô trước khi nộp bài. Phần dễ này nên dành thời gian ít hơn 15 phút”, thầy Lãm khuyên.

Từ câu 25 trở đi, mức độ khó tăng dần, mỗi câu hỏi đều phải thực hiện từ 2 - 3 bước tính toán. Do đó TS cần cẩn thận ở các phép tính, con dấu vì chỉ cần sai sót nhỏ khi làm ra kết quả sẽ rơi vào các đáp án gọi là “cạm bẫy hấp dẫn”, rơi vào trạng thái “tưởng mình đúng”. Tùy vào khả năng và sức học mỗi TS mà dồn sức cho những câu nào. Tránh tình trạng một câu dành thời gian quá nhiều.

Theo thầy Lãm, kỹ năng dùng các từ chìa khóa định vị câu hỏi vào đúng chương, đúng phần giúp TS định hướng giải quyết bài nhanh hơn, đồng thời không bị nhầm lẫn kiến thức, công thức. “Bạn đồng hành” không thể thiếu và rất quan trọng trong phòng thi đối với môn vật lý là máy tính. Nếu được, TS nên chuẩn bị 2 máy tính và đều là những máy tính thân thuộc mình đã sử dụng thuần thục, tránh tình trạng gần tới ngày mới đi mượn, đi mua, vì khi vào phòng thi sẽ mất thời gian để não “làm quen” với máy tính mới, tốn công vô ích, và căng thẳng thêm cho não vốn đã rất áp lực.

Không xem thường câu lý thuyết cơ bản

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), chia sẻ 5 nguyên tắc vàng để nước rút hiệu quả và làm bài thi đạt kết quả cao nhất.

Đề thi phân bổ số câu lý thuyết tỷ trọng nhiều hơn bài tập vì vậy không xem thường các câu lý thuyết cơ bản, phải thường xuyên ôn tập và rà soát lại các mạch kiến thức lý thuyết vô cơ, hữu cơ lớp 12 và một phần lớp 11 (Sự điện li, nitơ và các hợp chất của nitơ, đại cương hóa hữu cơ). Có thể dễ dàng nhận ra các nội dung trọng tâm lý thuyết trong SGK chương trình chuẩn là những dòng chữ in màu xanh thể hiện trong từng bài, phải học kỹ các câu này. Lưu ý không cần quan tâm đến những câu hỏi lý thuyết khó, đánh đố…

Tìm và giải quyết các câu hỏi theo chủ đề vô cơ và hữu cơ trong đề thi minh họa và đề thi các năm gần đây để có thể dễ dàng hệ thống hóa kiến thức. Ưu tiên ôn tập các dạng bài tập cơ bản và nắm chắc điểm 7 - 8 với một số kiến thức hóa học hữu cơ thường gặp trong đề thi như: Các nhóm chức hữu cơ lớp 11 từ Ancol - Anđehit - Axit cacboxylic đến kiến thức Hóa hữu cơ 12 như: Este - Lipit, Cacbohidrat, Amin, Protein - Peptit, Polime… Vẽ sơ đồ thể hiện mối liên quan giữa các chuyển hóa nhóm chức với nhau, kẻ bảng so sánh các chất vô cơ (lý tính, hóa tính, điều chế) để có thể dễ nắm, dễ nhớ và dễ vận dụng khi giải đề.

TS cũng cần chuẩn bị quyển nhật ký học tập để ghi lại các vấn đề còn thiếu sót và dễ mắc lỗi sai khi giải đề để gần ngày thi có thể lấy ra xem lại và dễ dàng tránh lỗi sai khi thi.

Còn theo giáo viên Võ Thanh Bình, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), đề thi tốt nghiệp THPT môn sinh học có 40 câu, trong đó 20 câu đầu tiên chủ yếu kiến thức ở mức độ nhận biết, TS nắm vững lý thuyết trong SGK là có thể nhanh chóng làm được. 20 câu kế tiếp kiến thức hỏi ở mức độ cao hơn và khó dần, TS cần xác định những thông tin đề cho và thông tin đề yêu cầu xác định, TS dựa vào kiến thức và sự suy luận của bản thân để làm. Tuy nhiên để làm được 20 câu này, đặc biệt những câu cuối trong đề nhanh và chính xác, TS cần nắm vững thêm một số công thức thường gặp trong các chuyên đề ôn tập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.