Thi tốt nghiệp THPT: Cách làm nghị luận văn học đúng trọng tâm

24/06/2023 11:43 GMT+7

Với đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay, câu nghị luận văn học (5 điểm) thường có 2 yêu cầu chủ yếu: phân tích một đoạn thơ và phân tích một đoạn trích văn xuôi hoặc đoạn văn bản kịch. Để làm tốt câu hỏi này, học sinh nên nắm vững một số kiến thức trọng tâm trong quá trình ôn thi.

Kỹ năng phân tích một đoạn thơ

Trong quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT, học sinh nên lưu ý 4 bài thơ trọng tâm: Tây Tiến của Quang Dũng, Việt Bắc của Tố Hữu, Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, Sóng của Xuân Quỳnh. Các văn bản này đều dài nên đề thường yêu cầu phân tích/cảm nhận về 1 đoạn thơ.

Thí sinh có thể vận dụng 5 bước cơ bản sau đây để đưa vào dàn ý:

Bước 1: Nhận xét khái quát đoạn thơ, gồm các mặt như thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu nói chung. Đặc biệt là bố cục gồm bao nhiêu ý chính và định hướng cách phân tích theo bố cục như thế nào (cắt ngang, bổ dọc, hay kết hợp cả hai).

Bước 2: Lần lượt phân tích theo định hướng bố cục trên. Thao tác này gồm các bước: lời dẫn hay chuyển ý, trích ngữ liệu thơ. Phải trích dẫn đầy đủ, chính xác.

Bước 3: Diễn toàn bộ phần trích dẫn thơ ra văn xuôi. Phải diễn trôi chảy, đúng ý nghĩa, hay. Hầu hết bài làm của học sinh đều có thao tác này. Đáng nói là nhiều thí sinh chỉ dừng lại ở thao tác này nên bài làm chưa có chiều sâu và thường bị giám khảo nhận xét là "chỉ mới diễn xuôi".

Bước 4: Bám vào những từ ngữ, hình ảnh trọng tâm, các biện pháp nghệ thuật… để phân tích sâu, kỹ. Đây là bước cơ bản nhất, nó thể hiện khả năng cảm thụ về thơ ca của người viết. Muốn bài làm có chiều sâu phải phát huy hiệu quả của bước này.

Bước 5: So sánh, đối chiếu để làm nổi bật đoạn thơ. Có nhiều cách liên hệ, so sánh, như về các hình ảnh, chi tiết, nghệ thuật trong bài thơ, ngoài bài thơ; so sánh với cùng một tác giả, khác tác giả; hoặc những tác phẩm cùng viết về đề tài…

5 bước trên đưa vào dàn ý phân tích đoạn thơ như sau:

1. Mở bài:

- Giới thiệu: Tác giả (vị trí, phong cách, nên trích 1 ý kiến đánh giá về tác giả), bài thơ đề cho (xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác), bố cục của bài thơ và vị trí của đoạn thơ trong đề thi.

- Chép thơ: Có thể chép hết đoạn hoặc chỉ chép câu đầu và câu cuối, nếu dài.

- Chuyển ý: Phân tích đoạn thơ trên, cho ta thấy được nội dung tư tưởng sâu sắc (...) và bút pháp nghệ thuật độc đáo (...) của tác giả.

2. Thân bài:

a. Nhận xét khái quát đoạn thơ: Về thể thơ; về ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu; về cấu tứ; về bố cục gồm bao nhiêu câu thơ, có thể phân tích cắt ngang (hoặc bổ dọc, nếu có ý) thành bao nhiêu ý chính.

b. Lần lượt phân tích theo bố cục cắt ngang:

Vận dụng 5 bước phân tích thơ trên vào đây. Ở bước 5 có thao tác đưa dẫn chứng liên hệ. 

Dưới đây là cách đưa dẫn chứng liên hệ hiệu quả: Từ luận điểm đang nghị luận, liên hệ với dẫn chứng tương ứng (dẫn chứng có thể tương đồng hoặc khác biệt); Tái hiện lại dẫn chứng (có kèm phân tích/diễn giải/bàn luận); Chốt ý, bám sát dẫn chứng với luận điểm (chú ý dẫn chứng có liên hệ gì với luận điểm đang phân tích? làm sáng tỏ hơn cho luận điểm điều gì?).

c. Tổng hợp và nhận xét, đánh giá:

Qua việc phân tích đoạn thơ trên, ta thấy:

  • Về nội dung: Nêu lại nội dung/chủ đề của đoạn thơ; đoạn thơ bộc lộ vẻ đẹp gì; có ý nghĩa, tư tưởng xã hội/văn học/lịch sử như thế nào; đóng góp điều gì mới mẻ cho văn học về đề tài/chủ đề…? 
  • Về nghệ thuật: Nêu lại toàn bộ phép nghệ thuật đã phân tích từ đoạn thơ (các phép tu từ, thể thơ, hình ảnh, giọng điệu, ngôn ngữ…); bút pháp gì được sử dụng qua đoạn thơ (như trữ tình/ chính luận/lãng mạn/bi tráng/ tài hoa…); đoạn thơ thể hiện phong cách gì của tác giả; đem đến điều gì mới mẻ trong bút pháp sáng tác của tác giả cho văn học nước nhà…

3. Kết bài:

Tóm lại, đoạn thơ thể hiện vẻ đẹp (nêu lại chủ đề/nội dung đoạn thơ); khẳng định ý nghĩa/ sức hấp dẫn của đoạn thơ trong bài thơ; khẳng định sức sống của bài thơ, của tác giả. Nên có một ý kiến đánh giá về tác phẩm ở kết bài.

Ôn tập ngữ văn thi tốt nghiệp THPT: cách làm nghị luận văn học đúng trọng tâm - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Cách phân tích đoạn trích truyện ngắn, tùy bút, bút ký, văn bản kịch

Dạng đề này thường có yêu cầu: Phân tích đoạn trích (đề có trích dẫn văn bản hoặc không trích), từ đó nhận xét/đánh giá/rút ra kết luận/làm rõ… giá trị nhân đạo/hiện thực/phong cách nghệ thuật/ý nghĩa thông điệp... của tác giả/văn bản.

Thí sinh có thể vận dụng dàn ý sau đây:

1. Mở bài:

- Giới thiệu: Tác giả (vị trí, sự nghiệp, phong cách, quan điểm sáng tác). Nên có một nhận định về tác giả; tác phẩm (xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác); vị trí đoạn trích đề cho (nằm ở phần nào trong tác phẩm), nội dung của đoạn trích.

- Chuyển ý: Phân tích đoạn trích trên cho ta thấy được (theo yêu cầu đề).

2. Thân bài:

a. Phân tích đoạn trích:

- Khái quát về đoạn trích: Tóm lược sự kiện/sự việc trước đoạn trích đề cho. Có thể tóm tắt ngắn gọn tác phẩm để người đọc thấy được vị trí đoạn đề cho trong tác phẩm; Đoạn trích nói về điều gì? Nội dung tư tưởng/chủ đề gì?

- Phân tích đoạn trích: Phân tích/diễn giải kỹ, sâu, chính xác các tình tiết của đoạn trích theo trình tự từ đầu đến hết. Nếu là kịch thì phân tích các lời đối thoại. Phân tích đến đâu đánh giá nội dung và nghệ thuật đến đó. Đưa thêm dẫn chứng liên hệ để so sánh.

- Tổng hợp, đánh giá đoạn trích về nội dung tư tưởng và bút pháp nghệ thuật.

b. Làm rõ yêu cầu "Từ đó…": Phần này yêu cầu thí sinh phải nắm vững kiến thức về giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực, ý nghĩa thông điệp của tác phẩm và phong cách nghệ thuật, của tác giả.

3. Kết bài:

- Tóm lược vấn đề chính đã nghị luận.

- Khẳng định ý nghĩa/sức hấp dẫn của đoạn trích; Khẳng định sức sống của tác phẩm, tác giả. Nên có một nhận định về tác phẩm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.