Thi tốt nghiệp THPT: Làm sao để công bằng ?

Bích Thanh
Bích Thanh
07/10/2021 06:36 GMT+7

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 giữ ổn định như năm trước sẽ làm thế nào để tạo sự công bằng cho học sinh (HS) là câu hỏi mà lãnh đạo các trường THPT tại TP.HCM đang đặt ra.

Phụ huynh chờ đón con thi tốt nghiệp THPT năm 2021

ĐỘC LẬP

Ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12, TP.HCM), nhìn nhận năm học 2021 - 2022 HS trên cả nước có những bước khởi đầu hoàn toàn khác biệt nhau. TP.HCM và một số tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên HS khá thiệt thòi. Các em phải bước vào năm học mới bằng hình thức học trực tuyến và dự kiến kéo dài đến hết học kỳ 1. Trong khi hiệu quả của việc học trực tuyến khó có thể đạt chất lượng như việc học trực tiếp, đặc biệt còn có những HS gặp khó khăn về điều kiện tiếp cận…

Vì vậy, ông Định cho rằng khi Bộ công bố “kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021” thì cũng tính toán thời gian tổ chức kỳ thi sao cho phù hợp. Vị hiệu trưởng này nói tiếp, khi kỳ thi tổ chức thi chung cho HS trên cả nước với đề thi chung thì thời gian diễn ra kỳ thi cần phải hợp lý và công bằng. Xuất phát điểm của HS các địa phương khác nhau, hình thức xuất phát cũng khác nhau thì mỗi HS cần có thời gian chuẩn bị để về đích khác nhau. “Từ thực tế của TP.HCM, đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT nên diễn ra vào cuối tháng 7 để các trường có sự chuẩn bị, bổ sung, nâng cao kiến thức cho HS đáp ứng kỳ thi với mục tiêu vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh ĐH”, ông Định bày tỏ quan điểm.

Cũng từ việc các địa phương có xuất phát điểm khác nhau nên thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), đặt câu hỏi Bộ sẽ ra đề thi chung như thế nào để không gây sự bất công giữa HS các tỉnh, thành.

Bên cạnh đó, thạc sĩ Đăng Du cũng như giáo viên một số môn khác còn nói rằng, thật ra việc giảm tải vừa qua của Bộ chưa đi đến đâu. Nội dung Bộ giảm tải chủ yếu rơi vào những kiến thức HS tự học. HS học trực tuyến gặp khá nhiều hạn chế, chất lượng không thể như mong muốn. Trong khi đó thời gian học trực tuyến của HS TP.HCM có thể kéo dài đến hết học kỳ 1, sang học kỳ 2 giáo viên và HS phải có đủ thời gian để lấp những lỗ hổng về kiến thức, kịp thời nâng cao kiến thức để đáp ứng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT chung với HS cả nước.

Từ những lý lẽ trên, ông Du cho rằng trước khi công bố chính thức về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ cần lắng nghe ý kiến của các địa phương học trực tiếp và học trực tuyến. Nên chăng kỳ thi chung diễn ra nhưng đề thi cần phù hợp với HS học theo hình thức khác nhau. Đặc biệt cần công bố sớm ma trận đề thi, đề thi minh họa và thực hiện đúng yêu cầu đã công bố để HS cảm thấy có sự công bằng, còn phụ huynh thì yên tâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.