Diễn đàn giáo dục khu vực với chủ đề Các chính sách và giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục trong đại dịch Covid-19 do Trung tâm Đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt Nam tổ chức vừa qua đã thu hút gần 300 thành viên là các chuyên gia giáo dục, đại diện cơ quan giáo dục của các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, các chuyên gia đã đề cập đến thực tế, thách thức và định hướng của việc học trực tiếp, trực tuyến và mô hình học tập từ xa.
Tiến sĩ John Arnold S. Siena thuộc Bộ Giáo dục Philippines cho biết nước này đã thực hiện những giải pháp để việc học tập không bị gián đoạn trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao và nhiều trường hợp tử vong vì Covid-19.
|
Theo tham luận của ông Siena, Philippines chủ trương không học trực tiếp cho đến khi có vắc xin phòng Covid-19.
Về phía Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh, Phó Cục trưởng, Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD-ĐT, đã chia sẻ cách ứng phó với đại dịch Covid 19 mà ngành giáo dục Việt Nam đã, đang thực hiện cùng chính sách và giải pháp nhằm đảm bảo sức khỏe của giáo viên, học sinh khi duy trì việc dạy và học trong thời gian giãn cách, đóng cửa trường học.
Tiến sĩ Minh dẫn lại số liệu cho biết, tính đến tháng 9, Việt Nam có 25/63 tỉnh triển khai thực hiện hình thức học trực tiếp; 14/63 tỉnh triển khai hình thức vừa học trực tuyến, trực tiếp và dạy qua truyền hình; 24/63 tỉnh học trực tuyến và dạy qua truyền hình.
Các chính sách và giải pháp của Việt Nam là nhằm đảm bảo duy trì việc học, xây dựng kế hoạch, lộ trình năm học, hình thức dạy học linh hoạt và sắp xếp chương trình hợp lý. Khi mở cửa trường học, nhà trường phải hướng dẫn cụ thể cho học sinh đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Chú trọng việc đảm bảo chất lượng học tập cho học sinh. Đặc biệt quan tâm các học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, thấu hiểu những khó khăn mà học sinh gặp phải, theo tiến sĩ Minh.
|
Những thách thức từ đại dịch Covid-19
Cũng trong diễn đàn, bà Masdiah Binti Tuah, Giám đốc Ban quản lý Cán bộ, Vụ Quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục Brunei, đã phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của hệ thống giáo dục nước này trong việc ứng phó với đại dịch Covid- 19, đồng thời nêu ra những chính sách và giải pháp cần triển khai.
Theo đó, Brunei đẩy mạnh các hình thức hợp tác và giao tiếp bằng cách cải tiến các trải nghiệm giáo dục từ xa qua những kênh thông tin truyền thông. Chuẩn bị “gói học tập tại nhà” để bảo đảm tất cả học sinh đều được học tập, đặc biệt với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Kết nối với phụ huynh để hỗ trợ về việc theo dõi học tại nhà đối với con cái như giờ giấc, đăng nhập thiết bị, chuẩn bị các nguồn tài liệu. Điều chỉnh chương trình và phương thức đánh giá linh hoạt để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Đặc biệt trong các giải pháp triển khai, Bộ Giáo dục Brunei còn lưu ý quan tâm đến tình cảm và sự hạnh phúc của người học, người dạy…
Còn ông Teoh Tiong San, Viện Đào tạo Giáo viên, Bộ Giáo dục Singapore, thì đưa ra thông điệp mà Bộ Giáo dục muốn chuyển tải trong đại dịch.
Thứ nhất, học sinh cần trường học như một không gian cộng đồng để phát triển về mặt xã hội thông qua việc kết nối với các bạn bè, giáo viên và nhà giáo dục. Đó là một phần quan trọng trong sự phát triển của học sinh với tư cách là một cá nhân.
Thứ hai, giáo viên rất quan trọng, học sinh vẫn phải dựa vào giáo viên để được hướng dẫn và hỗ trợ việc học, ngay cả khi điều đó thực hiện qua màn hình máy tính hoặc các hình thức khác. Giáo viên cũng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe về mặt tinh thần và tình cảm của học sinh. Trong đại dịch, phụ huynh đánh giá cao hơn tầm quan trọng của giáo viên và hy vọng rằng phụ huynh sẽ tiếp tục sự đánh giá đó.
Cuối cùng, với hình thức học trực tuyến và học tập kết hợp với trực tiếp, phụ huynh đã trở thành những đối tác quan trọng hơn của nhà trường trong việc giáo dục con cái.
Bình luận (0)