Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, điểm trung bình môn lịch sử cũng nằm trong “báo động đỏ”. Cụ thể năm 2016 điểm trung bình môn lịch sử là 4,49; năm 2017 là 4,6; năm 2018 là 3,79; năm 2019 là 4,3; năm 2020 là 4,5. Năm 2021 là 4,97, môn có kết quả thấp nhất, “đội sổ” trong các môn thi tốt nghiệp THPT. Vậy tại sao điểm thi môn lịch sử lại luôn thấp như vậy?
Hãy nhìn thẳng vào “lịch sử” để tìm nguyên nhân vì sao môn lịch sử luôn có kết quả buồn như vậy.
Môn học không có tương lai?
Thực tế, đa số học sinh, phụ huynh xem nhẹ môn học này, nếu không muốn nói là xem thường vì cho rằng học lịch sử để biết vậy thôi chứ không áp dụng gì nhiều trong nghề nghiệp sau này. Chỉ những ai có ý định đi dạy hoặc nghiên cứu sử mới chịu học. Vì không quan tâm nên phụ huynh chỉ đầu tư cho con học các môn toán, lý, hóa, tiếng Anh… để dễ lựa chọn ngành nghề, trường đại học, có tương lai cơ hội việc làm… tốt hơn. Điều này rất thực tế, không trách được phụ huynh.
|
Chương trình, nội dung kém hấp dẫn
Nhiều thầy cô cho rằng chương trình giáo dục phổ thông 2016 nói chung, chương trình môn lịch sử nói riêng quá nặng nề và chi tiết, thiên về cung cấp kiến thức, bắt học sinh phải nhớ quá nhiều sự kiện ngày tháng năm diễn ra, nên học sinh rất “ngán” học môn này.
Nội dung sách giáo khoa lịch sử đậm chất báo cáo chính trị, nghiêng về sự kiện, nào là những chiến dịch, những trận đánh, ta tiêu diệt bao nhiêu tên địch, bắn rơi mấy chiếc máy bay, xe tăng, tàu chiến rồi sự kiện đó diễn ra vào ngày tháng năm nào…làm sao học sinh nhớ hết. Do chương trình, sách giáo khoa còn nhiều hạn chế nên hệ quả tất yếu học sinh chưa ham thích học môn lịch sử từ khi còn ở bậc THCS.
Lịch sử suy cho cùng là một câu chuyện kể về quá khứ, vậy dạy miễn làm sao học sinh thích thú nghe là đủ rồi, từ đó sẽ lắng đọng dần trong tâm hồn các em một cách tự nhiên mà không cần phải nhồi nhét hay bắt học thuộc lòng. |
kiểm tra chủ yếu là thuộc lòng, gây ra sự nhàm chán
Về phương pháp giáo dục, chúng ta vẫn giáo dục theo hướng tiếp cận nội dung mà chưa chuyển sang tiếp cận năng lực. Nhồi nhét một mớ kiến thức vừa nặng về học thuộc ghi nhớ vừa nặng về tuyên truyền nhưng lại không biết vận dụng vào đâu. Việc kiểm tra vẫn chủ yếu là thuộc lòng, nhận biết gây ra sự nhàm chán cho học sinh.
Dạy môn học này, theo tôi là truyền cho học sinh tinh thần của dân tộc, cái hồn của núi sông, lòng biết ơn với tổ tiên qua những nhân vật lịch sử thì mới khắc sâu và đọng lại trong các em, chứ không phải những số liệu khô khan, diễn biến dài dòng của những trận đánh, những chiến dịch… Thực tế là chính thầy cô dạy lịch sử chưa cùng đồng tâm tạo nên một sự thay đổi cần thiết về dạy - học - kiểm tra môn lịch sử.
Khi dự giờ đánh gía tiết dạy, sinh hoạt chuyên môn, thật buồn là đồng nghiệp chỉ chăm chăm đánh giá giáo viên có truyền thụ hết kiến thức trong sách giáo khoa hay không, dạy còn thiếu ý này hay ý kia. Ý này là trọng tâm, ý kia là cơ bản, có liên hệ, có lồng ghép, có tích hợp, có giáo dục kiến thức, rèn kỹ năng, giáo dục thái độ tình cảm… để đánh giá xếp loại chứ không xem học sinh có hiểu bài, có vận dụng được gì hay không vào thực tế.
Dạy lịch sử không phải là như vậy. Lịch sử suy cho cùng là một câu chuyện kể về quá khứ, vậy dạy miễn làm sao học sinh thích thú nghe là đủ rồi, từ đó sẽ lắng đọng dần trong tâm hồn các em một cách tự nhiên mà không cần phải nhồi nhét hay bắt học thuộc lòng.
Hy vọng chương trình giáo dục phổ thông 2018 khắc phục được những hạn chế nói trên và mong rằng thầy cô sáng tạo kể lại câu chuyện lịch sử, để “lịch sử vẫn là lịch sử” mới hy vọng học sinh sẽ thích thú với môn học này.
Bình luận (0)