Săn nhà đất
Có bạn làm trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), chị Hạnh (ngụ Thanh Hóa, chuyên gia công các mặt hàng may mặc xuất khẩu) đã gọi điện thoại nhờ mua một căn nhà hoặc một lô đất trị giá khoảng 4 tỉ đồng để đầu tư sau một thời gian dài “ôm” tiền vì dịch Covid-19. Chị cho biết gia đình có dư khoảng 4 tỉ và đang tìm kiếm một cơ hội đầu tư vào nhà đất tại TP.HCM, kỳ vọng lợi nhuận khoảng 10 - 20%/năm.
“Ngoài này chị cũng đầu tư đất nhưng lợi nhuận không nhiều và muốn tìm kiếm, thử vận may ở trong TP.HCM. Nếu có lô đất nào khoảng 4 tỉ, em giới thiệu chị bay vào liền hoặc gửi tiền để em đầu tư hộ chị”, chị Hạnh nói.
Tương tự, anh Hoàn Vinh (ngụ Hà Nội) cũng gọi điện nhờ bạn bè tìm kiếm một lô đất khoảng 3 tỉ đồng “quanh quanh” TP.HCM để đầu tư bởi “đất Hà Nội mấy năm nay tăng ít”. Khi được hỏi đầu tư BĐS lúc này, không sợ dịch Covid-19 quay lại, thị trường đóng băng hay sao, anh Vinh cho biết do là tiền nhàn rỗi, không phải vay ngân hàng nên tiền để đó cũng không làm gì.
“Sau một thời gian thị trường BĐS không có giao dịch vì dịch Covid-19 thì nay đã bắt đầu sôi động trở lại. Không những thế, BĐS là kênh đầu tư an toàn, người càng đông trong khi đất không nở thêm ra nên chắc chắn giá sẽ tăng, khó mà giảm. Chính vì vậy tôi đã quyết định săn đất nền để đầu tư”, anh Hoàn Vinh chia sẻ.
Một tập đoàn BĐS tại TP.HCM mới đây mở bán 1.000 căn hộ tại Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) dù chưa làm sự kiện nhưng đã được khách hàng đặt mua gần hết dù mức giá đưa ra không hề rẻ, khoảng 40 triệu đồng/m2. Trước sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường, công ty này dự kiến sẽ mở bán tiếp một dự án biệt thự khác ở TP.Vũng Tàu, với giá bán mỗi căn biệt thự không dưới 14 tỉ đồng.
Ông Huỳnh Minh Thắng, đại diện Công ty Thịnh Hưng - chủ đầu tư dự án Vietuc Varea (tỉnh Long An), cho biết khi dịch Covid-19 bùng phát chính quyền các địa phương không cho tụ tập đông người, trong khi đặc thù của BĐS là phải mở bán tập trung. Chính vì vậy gần như hoạt động bán hàng bị “đóng băng”. Đến nay khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động bán hàng, nhất là các dự án ở vùng ven đã nhộn nhịp trở lại.
“Trong thời gian dịch, công ty đã chuẩn bị các hoạt động đầu tư như làm nhà mẫu, làm hạ tầng, các tiện ích như khu nhạc nước đầu tiên ở Long An quy mô xây dựng trên diện tích 4.000 m2, cà phê Ông Bầu lớn nhất ở Long An… Chính vì vậy khách hàng cũng đã chịu đi tham quan, tìm hiểu dự án và xuống tiền mua nền đất. Hiện công ty đang ký kết với các đơn vị môi giới để mở bán giai đoạn 2 của dự án này với nhiều tín hiệu sẽ thành công”, ông Thắng cho hay.
Người có tiền vẫn mua nhà đất
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, đánh giá: Dù khách hàng đã mạnh dạn xuống tiền nhưng tâm lý vẫn chưa “hồi phục” hoàn toàn, chưa kể dòng tiền của khách hàng và cả doanh nghiệp vẫn đang “tắc” ở các kênh đầu tư khác. Dẫn chứng tại khu đô thị Vạn Phúc (Q.Thủ Đức, TP.HCM), dù các sản phẩm mở bán gần đây ở phân khúc cao cấp với giá khoảng 23 - 26 tỉ đồng/căn shophouse nhưng khách hàng vẫn mua nhiều. Mấy chục căn shophouse đã bán hết và hiện công ty đang mở bán khu mới với mức giá cao hơn. Trong đó, đa số khách hàng mua là để an cư, chiếm khoảng 90%.
“Do thị trường đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và dòng tiền của khách hàng vẫn khó khăn nên công ty đưa ra chính sách mua nhà chỉ thanh toán 25%, sau 2 năm nhận nhà thanh toán hết phần còn lại. Vì tiến độ thanh toán giãn ra 2 năm để khách hàng xoay xở nên mới tạo được thanh khoản tốt. Quan trọng nhất hiện nay là giải pháp về kích cầu, tạo được sự cộng hưởng đến khách để họ bớt tâm lý lo sợ. Đến thời điểm này có thể khẳng định, kinh tế Việt Nam hồi phục là tất yếu, tốt hơn các nước, trong khi môi trường đầu tư của nước ta vẫn đang thuận lợi hơn các nước ở khu vực. Chính vì vậy, dư địa cho ngành BĐS vẫn phát triển, đầy tiềm năng”, bà Hương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Tổng giám đốc Công ty DKRS - đơn vị phân phối độc quyền dự án The Emerald Golf View (tỉnh Bình Dương), cho biết sau khoảng 2 tuần mở bán chính thức, thì đến nay khoảng 50% trên tổng số 1.000 căn hộ dự án đã được khách hàng đặt cọc mua, với giá khoảng 37 triệu đồng/m2 hoàn thiện cơ bản (chưa bao gồm VAT). Tuy nhiên, để bán được lượng căn hộ này, công ty đã huy động khoảng 1.000 nhân viên kinh doanh.
“Hiện nay những sản phẩm phục vụ nhu cầu thật là ở, cho thuê hoặc những sản phẩm có tính thanh khoản cao đang có dấu hiệu phục hồi. Đa số các khách hàng là người nước ngoài đã làm việc ở Việt Nam từ trước đến nay, không về nước khi dịch”, ông Tùng cho hay.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA Việt Nam, cũng khẳng định thị trường đang hồi phục, những người có tiền vẫn mua vào BĐS tốt. Trong tháng 4 đến nửa đầu tháng 5, thị trường “chết đứng” do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng từ giữa tháng 5 đến nay, các chủ đầu tư bắt đầu bung hàng trở lại dù vẫn đang rất “rón rén” thăm dò thị trường.
“Khách hàng vẫn còn thận trọng, nhưng người có tiền vẫn mua vì lo sợ khi thị trường hồi phục giá sẽ tăng. Đây là những người có sẵn tiền, không phụ thuộc vào vốn vay nên rủi ro thấp. Trong khi đất nền hiện vẫn ít do các quy định về thủ tục hành chính khó khăn. Riêng căn hộ, nếu quý 1 khoảng 1.200 căn hộ được tung ra thị trường thì đến quý 2 lên khoảng 2.500 căn. Trong số này có đến 70% số căn hộ được mua dù quý 2 hoạt động được khoảng một tháng rưỡi. Còn tính trong 6 tháng đầu năm thì thực tế chỉ hoạt động có 2 tháng. Như vậy có thể thấy thị trường đã tốt hơn rất nhiều so với những tháng trước đây”, ông Hoàng chia sẻ.
Trong một hội thảo về BĐS gần đây, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng thị trường BĐS phục hồi nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế và hành động của Chính phủ. Một số phân khúc cơ bản như BĐS công nghiệp, nhà ở giá rẻ, đất nền, chung cư cao cấp, shophouse có thể phục hồi sớm ngay sau khi kinh tế phục hồi, trong khi văn phòng cho thuê, BĐS nghỉ dưỡng phục hồi chậm hơn. Để có được điều này, thời gian qua gói kích thích kinh tế của Chính phủ, các chính sách sửa đổi thông thoáng hơn đã có tác động tích cực đến thị trường BĐS nói chung.
Tuy nhiên, để thị trường thật sự phục hồi vẫn cần những giải pháp riêng, trong đó cần tháo gỡ trở ngại lớn nhất là pháp lý và thủ tục hành chính như đấu thầu đất công, đất thuê, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thủ tục chuyển mục đích sử dụng...
Công ty tư vấn JLL vừa công bố báo cáo thị trường BĐS quý 2/2020, theo đó nguồn cung căn hộ được chào bán trong quý cao gần gấp đôi so với quý 1/2020 với 3.820 căn. Dù vậy, lượng cung này chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình hàng quý trong giai đoạn bùng nổ 2017 - 2018, vì những lo ngại về pháp lý tiếp tục là chủ đề nóng của thành phố.
JLL ghi nhận những điểm sáng trong quý với một số dự án tại quận 9 và quận 2 đã có được giấy phép, và các sự kiện bán hàng đã sôi động trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt tại Việt Nam. Lượng căn hộ bán được trong quận 2 đạt 3.855 căn, gần tương đương cùng kỳ năm trước nhưng cao gấp đôi so với quý 1/2020. Phần lớn các giao dịch đã thực hiện từ trước đại dịch và được tiến hành ký hợp đồng mua bán trong quý này. Nhu cầu chủ yếu là mua để ở, trong đó phân khúc bình dân và trung cấp dẫn đầu với 83% trên tổng số giao dịch.
|
Bình luận (0)