Thị trường BĐS khu Nam TP.HCM tăng nhiệt nhờ lực đẩy hạ tầng

02/08/2024 10:00 GMT+7

Từ cuối năm nay, BĐS khu Nam TP.HCM sẽ trở thành tâm điểm đón sóng đầu tư nhờ tác động tích cực của Luật Đất đai 2024 cộng hưởng hàng loạt hạ tầng trọng điểm sắp hoàn thành và đi vào sử dụng.

Theo dữ liệu của Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS), trải qua 6 tháng đầu năm, thị trường BĐS TP.HCM tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực với số lượng 20.600 giao dịch, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, theo đánh giá của giới chuyên gia, những chính sách mới trong Luật Đất đai 2024 sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường, giải quyết vấn đề pháp lý của các dự án, hạn chế hiện tượng đầu cơ đất đai. Trong đó, trường hợp hồi phục đáng chú ý thuộc về bất động sản khu Nam TP.HCM - đây là khu vực sở hữu nhiều yếu tố nền tảng để trở thành điểm hẹn đầu tư trong nửa cuối năm 2024.

Được trợ lực mạnh mẽ từ chính sách quy hoạch mới của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, huyện Nhà Bè được xem xét phát triển trở thành đô thị vệ tinh, theo hướng phát triển như KĐT Phú Mỹ Hưng, tạo tiền đề trở thành khu vực đón sóng đầu tư trong và ngoài nước.

Hạ tầng trở thành lực đẩy giúp khu Nam TP.HCM bước vào thời kỳ mới

Hạ tầng trở thành lực đẩy giúp khu Nam TP.HCM bước vào thời kỳ mới

Theo đó, khu vực này đang đón đầu làn sóng phục hồi với hàng loạt công trình "nghìn tỷ" sẽ "về đích" trong năm 2024. Đơn cử như hoàn thành 2 cây cầu "trăm tỉ" là cầu Rạch Đỉa và cầu Phước Long được ví như hai "cánh tay" nối quận 7 và huyện Nhà Bè. Cầu Rạch Đỉa tại đầu đường Lê Văn Lương sau khi hoàn thành sẽ tạo sự thông suốt toàn tuyến đường kết nối từ Nguyễn Văn Linh đến Cần Giuộc - Long An, giảm tải giao thông cho đường Nguyễn Hữu Thọ, góp phần khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông phía Nam thành phố.

Cầu Phước Long qua rạch Phú Xuân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu giao thông và tải trọng khai thác trên trục đường Phạm Hữu Lầu, tăng cường kết nối quận 7 và huyện Nhà Bè cũng như hai đường trục chính là Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Hữu Thọ.

Cùng với đó, dự án cầu Rạch Cây Khô dài 485 m, rộng 12,5 m, bắc ngang rạch Ông Lớn nối huyện Bình Chánh và Nhà Bè cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành vào dịp lễ 2.9.2024. Đặc biệt, cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp, cây cầu đầu tiên và duy nhất kết nối đến H.Cần Giờ thuộc tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành là một phần quan trọng của toàn tuyến Vành Đai 3, khi hoàn thành cùng với cầu Phước Khánh, cầu Nhơn Trạch sẽ khép kín toàn bộ Vành Đai 3 tạo mạch lưu thông xuyên suốt kết nối các tỉnh lân cận với TP.HCM.

Dự án cầu Cây Khô dự kiến thông xe vào ngày 2.9, kết nối giao thông quận Bình Chánh và huyện Nhà Bè

Dự án cầu Cây Khô dự kiến thông xe vào ngày 2.9, kết nối giao thông huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè

Ngoài ra, 2 công trình giao thông trọng điểm được mong chờ nhất khu Nam Sài Gòn: Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và Cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng dự kiến thông xe vào cuối năm nay, tạo nên sự thay đổi lớn về diện mạo toàn khu Nam.

Cụ thể, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ có tổng vốn đầu tư 830 tỉ đồng với quy mô hai hầm chui. Đến nay 2 đốt hầm kín dài 98m đã dần thành hình. Dự án đang huy động tối đa nhân công, kỹ sư máy móc để hoàn thành và thông xe trước nhánh hầm chui HC2 trong tháng 9.2024, riêng nhánh hầm chui HC1 thông xe trong tháng 12.2024. Dự án kỳ vọng sẽ giải quyết luồng xung đột xe tại nút giao lớn nhất khu Nam TP.HCM, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực quận 7 và một phần huyện Nhà Bè.

Trong khi đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh (giai đoạn 1) là hơn 31.320 tỉ đồng đi qua các huyện Cần Giờ, Nhà Bè và Bình Chánh cũng vừa hợp long cầu Thị Vải đoạn qua tỉnh Đồng Nai vào ngày 9.7.2024. Các gói thầu khác ở phía Tây hướng Long An đến TP.HCM cũng đang tăng tốc thi công, phấn đấu thông xe kỹ thuật trong năm 2024 và dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025.

Những dự án hạ tầng này không chỉ cải thiện tình hình giao thông mà còn là bàn đạp trợ lực cho thị trường bất động sản khu Nam Sài Gòn cất cánh, đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới. Theo giới chuyên gia, chiến lược "nối cầu, mở đường" toàn diện này, cũng là tiền đề cho việc Khu Nam Sài Gòn chuẩn bị bước vào chu kỳ phát triển thứ hai, sau giai đoạn đầu tiên là Phú Mỹ Hưng.

Hạ tầng mở lối, luật mới áp dụng mở ra cơ hội sinh lời hấp dẫn cho nhà đầu tư, đặc biệt là dự án của các chủ đầu tư uy tín, pháp lý minh bạch, đồng thời sở hữu vị trí đắc địa, liền kề các tuyến đường trọng điểm sắp hoàn thành trong năm 2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.