Thị trường cà phê đang nóng lên

18/01/2013 03:00 GMT+7

Chuyện về gã khổng lồ Starbucks gia nhập thị trường VN không còn là tin đồn nữa mà đã dần trở thành hiện thực. Ngay từ nhiều tháng trước, các thương hiệu cà phê hiện có đã phải lên kế hoạch để bảo vệ thị phần.

Theo thông tin vừa được công bố, thương hiệu thức uống cà phê hàng đầu của Mỹ Starbucks sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại VN vào tháng 2.2013. Việc này không chỉ khiến người tiêu dùng quan tâm mà các đối thủ đang nắm giữ thị phần tiêu thụ cà phê tại VN cũng hết sức lo lắng, nhất là khi các thị trường mới mở của Starbucks như Trung Quốc, Ấn Độ đều mang lại thành công.

Thị trường cà phê đang nóng lên
Ông chủ Trung Nguyên đích thân tiếp thị sản phẩm - Ảnh: Q.T

Thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh) trong quý 3/2012 cho biết hiện toàn bộ các chuỗi thức ăn nhanh tại VN mới đạt số lượng khoảng hơn 600 cửa hàng so với mức 2.500 của chỉ riêng thủ đô Bangkok (Thái Lan) và ngành này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khoảng 13%/năm từ nay đến năm 2016. Như vậy, cơ hội dành cho người đến sau vẫn còn khá lớn. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, thị trường VN đã có sẵn văn hóa thưởng thức cà phê, đặc biệt là luôn tiếp thu rất nhanh các luồng văn hóa mới, do đó sẽ là một thuận lợi lớn cho Starbucks. Cuộc chiến giữa các chuỗi cà phê tại VN đang ngày càng nóng dần và dự báo về một cuộc đổi ngôi trên thị trường là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Thế nên, đầu tháng 12.2012, các tiểu thương chợ Bến Thành hết sức bất ngờ khi thấy đích thân sếp lớn của cà phê Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, cùng với đội ngũ tiếp thị của mình đến tận các sạp để quảng bá sản phẩm. Đây có thể được xem như là đỉnh điểm của hoạt động tiếp thị của Trung Nguyên kéo dài trong suốt năm 2012 nhằm củng cố vị thế trước khi gã khổng lồ Starbucks xuất hiện. Theo thông tin ban đầu từ khối kinh doanh Trung Nguyên, doanh thu những ngày bán hàng tận nơi với sự góp mặt của sếp tổng đã vượt mức 200% chỉ tiêu. Tuy nhiên, đó chỉ là mục tiêu nhỏ trước mắt. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ bộc bạch: “Nỗ lực của chúng tôi là cố gắng thúc đẩy lượng tiêu thụ nội địa từ 1,2 kg/người/năm tăng lên 5 kg/người/năm để đảm bảo an ninh nguyên liệu tại chỗ và gia tăng lợi ích bền vững cho người nông dân trồng cà phê tại VN. Chúng tôi tin rằng cuộc chiến giữa thương hiệu Việt với thương hiệu toàn cầu trong đó chiến thắng sẽ nghiêng về thương hiệu Việt khi có sự đồng lòng của các doanh nghiệp, sự ủng hộ của người Việt và của các cơ quan nhà nước”.

Thống kê trên thị trường thức ăn nhanh hiện nay tại VN, đặc biệt là TP.HCM đã xuất hiện gần như đầy đủ các thương hiệu quen thuộc, cụ thể: Lotteria có 140 cửa hàng, KFC có 120 cửa hàng, Jollibee có 50 cửa hàng, Highlands Coffee có 57 cửa hàng, Trung Nguyên có 55 cửa hàng, Gloria Jeans có 7 cửa hàng, chưa kể hàng loạt hệ thống nhà hàng cà phê khác. Tuy nhiên, có thể thấy trong số này các tên tuổi nước ngoài vẫn chiếm ưu thế về số lượng. Phía doanh nghiệp trong nước chỉ có Trung Nguyên có đủ thế lực đứng trong nhóm chi phối thị phần này để đối chọi. Bà Phạm Thị Điệp Giang - Phó giám đốc truyền thông Tập đoàn Trung Nguyên - thổ lộ: “Hệ thống chuỗi quán cà phê Trung Nguyên hiện có 60 cửa hàng cao cấp, 55 trong nước và 5 tại Singapore. Ngoài hệ thống này, chúng tôi cũng có hàng chục ngàn quán cà phê bán sản phẩm của Trung Nguyên trải dài khắp đất nước. Dù Starbucks hay ai vào VN đi chăng nữa thì chiến lược của chúng tôi đã định rõ, chúng tôi sẽ vẫn kiên định đây là nơi mà những người sành cà phê, những người sáng tạo, yêu và đam mê cà phê có thể lui tới để kiếm tìm những khoảnh khắc trải nghiệm thú vị". 

Quang Thuần

>> G7 đứng đầu thị trường cà phê hòa tan VN
>> Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị cho lễ hội cà phê
>> Sự thao túng của các nước tiêu thụ cà phê trên toàn cầu
>> Cà phê giúp giảm ung thư miệng
>> Cà phê Việt với vai trò đại sứ ngoại giao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.